Sự tích ngày Tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch ở các nước châu Á

(lamchame.vn) - Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam còn gọi là "ngày giết (diệt) sâu bọ" vì người ta tin rằng khi ăn món đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ, giun sán sẽ không gây hại trong người. Tuy nhiên, Đoan Ngọ không phải ngày Tết của riêng người Việt Nam... 

Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá của người dân các nước Đông Á như Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc dương khí đang thịnh.

Người Việt mình vẫn gọi Tết Đoan Ngọ là "ngày giết sâu bọ". Theo quan niệm của người xưa, trong cơ thể con người luôn có sâu bệnh cần phải diệt trừ, sâu bệnh quanh năm lẩn trốn trong người chỉ đến ngày 5/5 này mới lộ diện, và nhân dịp này chúng phải bị giết.

Người ta giết sâu bọ bằng rược nếp và hoa quả. Sáng sớm mồng 5/5, ngay sau khi thức dậy, súc miệng xong, mỗi người đều ăn ít nhất một bát rượu nếp, sau đó ăn một bát thạch, rồi đến các trái cây như mận, muỗng, sấu, đào, roi... Người xưa cho rằng, ăn rượu nếp để cho sâu bọ say, sau đó những trái cây sẽ làm cho chúng chết.

Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ của người Việt thường có rượu nếp, hoa quả và bánh tro, bánh ú... tùy theo khẩu vị đặc trưng của từng vùng miền.

Khác với Việt Nam, Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc còn được gọi là tết Trùng Ngũ vì là hai con số 5 gặp nhau, mồng 5/5.

Thời xa xưa, Tết Đoan Ngọ chỉ là ngày dân chúng cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng. Hơn nữa, giữa tiết trời oi bức thường nảy sinh nhiều bệnh tật nên người ta thường cúng lễ để cầu an. Về sau, để cho ngày này thêm ý nghĩa, người Trung Quốc lấy ngày này làm ngày kỷ niệm Khuất Nguyên tự tận.

Khuất Nguyên vốn là quan Tả Đồ nước Sở dưới triều vua Sở Hoài Vương. Ông là người có tài và liêm chính. Nhưng lại bị vua phế bỏ. Để tả nỗi oán than, ông có viết bài thơ Ly Tao nổi tiếng. Đến thời vua Trưng Vương, ông còn bị đi đày vì nhà vua nghe theo lời bọn xu nịnh. Ông đã nhảy xuống sông Mịch La tự tận. Hôm đó là ngày mồng 5/5 âm lịch.

Được tin, nhà vua vô cùng thương tiếc và hối hận, sai dân làm cỗ và ném xuống sông với niềm tin ông thưởng thức được, nhưng cỗ bị cá tôm ăn hết.

Ông báo mộng cho nhà vua là cỗ phải lấy lá bọc lại, buộc chỉ ngũ sắc để cá tôm không ăn được. Theo lời báo mộng của ông, vua ra lệnh cho nhân dân làm theo. 

Từ đó, vào ngày 5/5 ở Trung Quốc, dân chúng thường làm cỗ cúng linh đình bên các bờ sông rồi lấy lá bọc lại, buộc chỉ ngũ sắc ném xuống sông để tưởng nhớ ông Khuất Nguyên.

festivals_and_events_in_south_korea_3.jpg

Đoan Ngọ thực sự là ngày hội lớn ở Hàn Quốc. Người dân rất hào hứng tham gia vào các hoạt động cúng bái, văn nghệ... đậm chất truyền thống.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, người dân xứ sở kim chi này gọi nó là ngày Dano, hay Suritnal. Theo phong tục, trong Tết Dano, phụ nữ Hàn Quốc phải gội đầu bằng nước cây diên vĩ đun sôi. Bởi họ tin rằng loại dầu gội đầu bằng thảo mộc này sẽ làm tóc suôn mượt óng ả. Những chiếc cặp tóc cũng mang màu đỏ nhuộm bằng rễ cây diên vĩ. Đàn ông thì quấn rẽ cây này xung quanh thắt lưng để bảo vệ mình khỏi tà ma và những linh hồn xấu rình rập.

Tết Dano là một trong ba dịp lễ truyền thống lớn nhất ở Hàn Quốc cùng với Tết Nguyên đán và Tết Trung thu Chuseok. Dịp lễ này có truyền thống lịch sử hơn 1.000 năm ở vùng Gangneung, tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) và đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận là kiệt tác mới của thế giới, là di sản văn hóa phi vật thể được truyền khẩu.

Đây cũng là thời điểm tổ chức các nghi lễ cầu nguyện cho một năm mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU