Ca nô chỉ có một lối ra vào phía trước
Liên quan đến vụ chìm ca nô mang BKS QNa – 1152 chở theo 39 người, UBND tỉnh Quảng Nam vào tối ngày 27/2 cho biết hiện vẫn còn 2 người mất tích chưa được tìm thấy. Cơ quan chức năng xác định đã có 15 nạn nhân tử vong. Thi thể các nạn nhân hiện đã được bàn giao cho gia đình.
Trong ngày 27/2, Cục Cảnh sát Giao thông – Bộ Công an, Viện Khoa học hình sự miền Trung – Tây Nguyên (Bộ Công an) và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu điều tra nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào 14h30 ngày 26/2.
Tại hiện trường vụ việc, rất nhiều người dân Hội An, trong đó có nhiều thuyền trưởng tàu du lịch, người lái tàu đi biển đứng theo dõi các cơ quan chức năng tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Rất đông người dân Hội An theo dõi vụ việc, phía xa là chiếc ca nô gặp nạn đang trôi nổi trên biển. Ảnh: Việt Hùng
Ngư dân Trần Quốc Thụ, trú phường Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), nhận định nguyên nhân vụ tai nạn cần sự điều tra làm rõ của ngành công an. Ông Thụ không loại trừ do ca nô mắc cạn và gặp sóng lớn dị thường.
Theo ông Thụ, tàu, ca nô chạy tuyến Cù Lao Chàm – Cửa Đại và ngược lại là tàu cấp SB. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018. Mỗi tàu có thể chở đến 40 khách. Tàu phải được đóng kín mái trên kiên cố và kính che xung quanh, chỉ có một lối ra vào phía trước.
"Nếu không có mái che á, bị trường hợp như này thì khách họ thoát ra ngoài được một cách bình thường. Còn kiểu ca nô chuẩn SB kiểu này, bịt bùng thì họ bị kẹt lại bên trong khoang, dù có mặc áo phao cũng không bao giờ thoát được", ngư dân Thụ nói.
Chiếc ca nô được đóng theo chuẩn SB. Ảnh: Việt Hùng
Theo ông Thụ, nếu là người đi sông nước thường xuyên thì mới có khả năng phản ứng, đập vỡ cửa kính để cứu người gặp nạn. Chiếc ca nô này nếu như kiểu cũ, chỉ có mui trần, không đóng kín, chỉ có mái che phía trên thì du khách dễ dàng thoát ra được.
"Nếu tàu kiểu cũ thì tôi tin họ sẽ sống sót hết. Những người thoát ra được khoang ca nô thì đều được cứu sống, kể cả trẻ em.
3 nhân viên trên tàu rất có sức khoẻ đó, có sức mới dìu được nhiều người như vậy ra ngoài nếu không thì còn chết nhiều nữa", ngư dân T.R.H (trú phường Cửa Đại), nhận xét.
TP Hội An sẽ kiến nghị thiết kế lại ca nô
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết trước năm 2018, tàu khai thác là loại tàu chuẩn SI. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Giao thông vận tải quy định tuyến Cửa Đại – Cù Lao Chàm phải sử dụng tàu chuẩn SB.
Hiện vẫn còn 2 nạn nhân mất tích trong vụ tai nạn thương tâm. Ảnh: Việt Hùng
"Tàu đóng kín rất khó cứu hộ khi bị nạn. Thành phố sẽ có ý kiến đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với Bộ xem xét lại thiết kế các tàu thuyền theo chuẩn SB.
Trong mười mấy năm qua, thành phố khai thác tuyến này bằng tàu SI thì cũng có lật thuyền, tai nạn nhưng chưa bao giờ xảy ra chết người vì khách 100% mặc áo phao mà khi chìm thì họ nổi lên, chúng ta vớt được.
Riêng thuyền này kín mít từ trước ra sau, chỉ có 1 cửa trước, 1 cửa sau thôi. Khi ca nô bị lật thì người phía trong đã bị ngạt thở hết", ông Sơn cho biết.
UBND TP Hội An cho biết hiện có hơn 40 doanh nghiệp vận tải đang khai thác 130 ca nô du lịch loại SB chạy tuyến Cửa Đại – Cù Lao Chàm.
Trước đó, vào khoảng hơn 14h ngày 26/2, tàu ca nô mang BKS QNa-1152 trên đường từ đảo Cù Lao Chàm về Cửa Đại đã gặp tai nạn, lật úp.
Thời điểm xảy ra tai nạn trên tàu có 39 người, trong đó có 2 trẻ em và 3 tài công. Các lực lượng chức năng đã cứu sống 22 người, 2 người vẫn đang mất tích, 15 người đã tử vong.
Ca nô SB là loại tàu được phép di chuyển ở vùng nước có chiều sóng cao nhất là 2,5m. Với kết cấu 3 lớp, có mái che và kính chắn. Trang thiết bị trên ca nô đảm bảo chuẩn SB: Rada, máy nhận dạng AIS, la bàn từ, loa cầm tay,…
Theo soha.vn