Có thể nói, chưa có năm nào thị trường vàng mã ngày rằm tháng 7 lại sôi động đến vậy. Ngay từ những ngày này, nhiều phố phường đã bày bán đủ mặt hàng như iPhone, nhà lầu, xe hơi, ô sin… thậm chí năm nay còn đặc sắc hơn khi có cả bikini và giày cao gót. Nhiều người cho rằng việc đốt vàng mã như vậy quá đà và lãng phí.
Trước tình trạng này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và phát triển. PGS. TS Lê Quý Đức chia sẻ: “Từ trước đến nay người Việt vẫn luôn có quan niệm “trần sao âm vậy”, vì thế việc đốt vàng mã vào những dịp quan trọng như ngày tết, ngày rằm... lặp đi lặp lại rất nhiều năm nay và nó mang tính chất dân gian. Việc làm này không mang tính quy phạm nào cả, nó tự nhiên, tự phát triển và biến đổi theo thời đại. Ngày xưa không có giày cao gót, ô tô, iPhone… thì bây giờ đã có.
Tuy nhiên cũng từ đó mới sinh ra “phú quý sinh lễ nghĩa”. Với tâm lý đám đông, vô thức tập thể nên những việc làm này gần như đánh vào sự ham muốn giàu có, vật chất của con người tại trần thế. Càng giàu có thì người ta lại nghĩ đến những thứ vật chất xa xỉ, muốn biếu ông bà, tổ tiên coi như lòng thành của con cháu. Nắm được điều này nên người ta mới nghĩ ra việc làm những thứ đó để bán. Thực ra những đồ này không phải vì người chết mà chỉ là tâm lý của người sống, vì cả người sản xuất ra thứ đó để bán”.
Audio: Tâm lý ham vật chất nên đốt cả bikini và giày cao gót cho người âm vào rằm tháng 7.
Cũng theo PGS.TS Lê Quý Đức, các cụ ngày xưa làm sao biết được chuyện đi ô tô, xe máy, dùng điện thoại cảm ứng, đi giày cao gót. Thử hỏi con cháu làm “tặng” thì họ sẽ phải sử dung như thế nào. Việc đốt vàng mã không xấu, việc làm này thể hiện sự tưởng nhớ, thành kính của người sống dành cho ông bà, tổ tiên, những người có công. Chỉ có điều đừng quá chạy đua, cầu kỳ, tốn kém, gây ra lãng phí, đốt nhiều vàng mã quá ảnh hưởng đến môi trường.
“Chúng ta cần cái tâm là chính, nhà phật đã dạy cúng bố mẹ bằng lòng thành tâm. Thành tâm ấy cũng có thể nghe lời dạy đúng với chữ hiếu của bố mẹ, làm những điều tốt đẹp ở trên cõi trần để báo hiếu cho bố mẹ. Thực hiện điều tốt đẹp nghĩa là làm những điều cha mẹ mong muốn rồi.
Nếu như có thể đeo một bông hồng, bông hoa, chén nước, chén trà dâng lên bố mẹ trong ngày Vu lan thì đó là cái đẹp mà phật giáo đã dạy. Có thể cúng quần áo cho bố mẹ, nhưng chỉ là những gì đơn giản, giản dị nhất để tránh tốn kém”, PGS.TS Lê Quý Đức nhấn mạnh.
Theo www.nguoiduatin.vn