Sau khi tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời, các gia đình bắt đầu công việc bao sái bàn thờ, dọn dẹp nhà cửa để loại bỏ vận xui năm cũ, đón vận khí của năm mới. Đồng thời, cũng mua thực phẩm để chuẩn bị làm các món ăn cổ truyền trong ngày Tết như bánh chưng, giò chả,... Ngoài ra, việc trang hoàng nhà cửa cũng không thể thiếu được cành đào, chậu quất, các loại hoa,... Nhiều gia đình vẫn còn giữ truyền thống xưa là trồng cây nêu trước nhà để "trừ tà".
Cuộc sống ngày nay, không còn phổ biến chợ phiên hay đầu năm chợ đóng cửa nữa, ngay từ mùng 1 hoặc mùng 2 Tết nhiều cửa hàng, siêu thị hay chợ dân sinh cũng đã họp. Tuy nhiên, việc tích trữ thịt cá, rau củ đầy đủ từ trước Tết với ngụ ý dự báo một năm đủ đầy, có của ăn của để.
Lễ Tạ mộ (Lễ Chạp)
Sau khi những công việc trên hoàn thành, vào những ngày cuối cùng của năm, các gia đình thường đi chạp mộ, dọn dẹp, lau chùi mộ phần và "có lời" mời gia tiên về ăn Tết cùng con cháu.
Lễ Tất niên
Với người Việt, bữa cơm Tất niên là một khoảnh khắc thiêng liêng của mọi gia đình. Đây không chỉ là bữa cơm đoàn viên mà còn mang ý nghĩa về sự sung túc. Gia đình càng đông đủ thì càng nhiều phúc lộc và may mắn. Trong ngày này, mọi người cũng chuẩn bị mâm cỗ để cúng Giao thừa.