Thí sinh trước giờ thi môn Toán tại điểm thi THPT Khương Đình. ảnh: Như Ý
Kết thúc bài thi môn Toán, nhiều thí sinh cho rằng, đề thi năm nay “dễ thở” hơn, tuy nhiên để đạt điểm 10 vẫn rất khó. Cô Ngô Thị Tuyên, giáo viên bộ môn Toán, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội), đánh giá, đề thi năm nay có 7,25 điểm dành cho mức độ nhận biết và thông hiểu; 1,75 điểm dành cho mức độ vận dụng và 1,0 điểm dành cho mức độ vận dụng cao. Đề thi không đánh đố nhưng vẫn có các câu hỏi phân loại để lựa chọn học sinh khá giỏi, đáp ứng tốt yêu cầu của một kỳ thi tuyển sinh. “Cấu trúc quen thuộc, phù hợp với chương trình học và ôn tập. Tuy nhiên, đề đã có tính ứng dụng được môn Toán vào cuộc sống, kết nối học sinh với lịch sử 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, cô Tuyên nói.
Với đề thi này, cô Tuyên dự đoán, học sinh khá giỏi, làm bài cẩn thận có thể đạt từ 8,5 điểm trở lên. Còn học sinh trung bình nhiều em đạt được khoảng 7,25 - 7,5. Điểm chuẩn năm nay có thể thấp hơn năm ngoái một chút.
Ths. Trịnh Thu Vân, Tổ trưởng tổ Toán trường THPT Hoà Bình La Trobe (Hà Nội), đánh giá mức độ của các câu hỏi trong đề thi Toán hợp lí, đảm bảo tính phân loại học sinh. “Để đạt điểm cao với đề thi này, học sinh phải trình bày chính xác, xét đầy đủ các trường hợp xảy ra, tính toán cẩn thận, không mất điểm đáng tiếc. Dự đoán, học sinh có học lực khá có thể đạt 7 - 8,5 điểm; em học lực giỏi có thể đạt từ 8,5 điểm trở lên”, cô Vân nói.
Vấn đề “chấm lỏng, chấm chặt”
Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội, ngay khi kết thúc kì thi, ngày 9/6, Ban làm phách bắt đầu rọc phách để bàn giao cho Ban chấm thi. Trong đó, môn Ngoại ngữ chấm bằng máy, môn Ngữ văn chấm bằng tay từ 12-23/6. Sau đó, Sở GD&ĐT có một tuần để ghép điểm, in phiếu báo kết quả cho từng thí sinh. Chậm nhất ngày 2/7 sẽ công bố kết quả bài thi.
Trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay, đêm trước ngày thi môn Toán, mạng xã hội lan truyền thông tin lộ đề thi môn Ngữ văn buộc Sở GD&ĐT phải sử dụng đề thi dự phòng. Trưa 9/6, ông Trần Thế Cương khẳng định, kì thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. “Thông tin lộ đề trước kì thi là không chính xác. Việc xây dựng , in sao và vận chuyển đề thi được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt dưới sự giám sát, bảo vệ của cơ quan công an. Tại điểm thi, ngoài công an còn có camera theo dõi 24/24 đảm bảo an ninh, an toàn”, ông Cương nói.
Về kế hoạch chấm thi môn Ngữ văn, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói rằng, số lượng giám khảo tham gia chấm rất đông nên đơn vị quán triệt từ đầu phải đảm bảo nghiêm túc, công bằng và chấm theo ba - rem điểm. Các thầy cô chấm thi cũng được hướng dẫn quy trình các bước và tuân thủ để hạn chế thấp nhất sai sót ở các khâu rọc phách, ghép phách, ghép điểm…
“Đối với môn Ngữ văn, lâu nay dư luận vẫn đặt ra vấn đề chấm lỏng chặt, chấm chặt nhưng luôn có ba rem điểm cho từng câu, từng ý. Không thể phủ nhận, khi làm bài thi môn Ngữ văn bao giờ cũng có thí sinh viết rất thăng hoa và sự thăng hoa đó chạm trúng cảm nhận, chiếm được tình cảm của người chấm có thể có phần điểm thưởng. Tuy nhiên, không phải giám khảo muốn thưởng bao nhiêu cũng được mà các câu đều có khung điểm nhất định, không thể nới lỏng cũng không thể chặt tay”, ông Cương cho hay.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 có lượng thí sinh dự thi rất lớn, Sở phải huy động hơn 15.500 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi.