Thói quen ăn phổ biến giúp người Nhật trường thọ, ít bệnh tật: Tưởng khó mà rất dễ áp dụng

Tuổi thọ của người Nhật vẫn khiến nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ. Tuy nhiên, bí quyết trường thọ của họ lại rất đơn giản, gói gọn trong thói quen ăn uống.

Nhật Bản là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất trên thế giới. Theo số liệu do Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố, số lượng người sống trường thọ ở Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng.

Trong bản thống kê Triển vọng về dân số Thế giới của Liên Hiệp Quốc, tuổi thọ trung bình của người Nhật Bản năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 84,67; 84,79 và 84,91 và có xu hướng tăng liên tục.

Mối liên hệ giữa lượng thức ăn và tuổi thọ

Một nghiên cứu của Mỹ đã phát hiện ra rằng lý do giúp người Nhật sống lâu chủ yếu là do thói quen kiểm soát lượng thức ăn nạp vào trong mỗi bữa ăn.

Các nhà khoa học tại Viện Quốc gia về Lão hóa, Mỹ (NIA), đã tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu trên khỉ và chuột. Sau đó họ tìm ra mối quan hệ giữa lượng thức ăn và tuổi thọ. Cụ thể:

Những con chuột bị hạn chế lượng thức ăn nạp vào cơ thể, tuổi thọ của chúng được kéo dài đáng kể và chúng ít khi mắc các bệnh liên quan đến lão hóa.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy những con khỉ ăn ít thức ăn hơn sống lâu hơn và có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn.

Vào tháng 10 năm 2019, một nghiên cứu được công bố bởi Viện nghiên cứu sinh học lão hoá Max Planck, Đức đăng tải trên Tạp chí Nature Metabolism, cho thấy việc kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể trong thời gian dài sẽ giúp người trưởng thành có thể kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, hiệu quả sẽ giảm dần nếu bạn áp dụng thói quen này khi đã lớn tuổi.

Ảnh minh hoạ: Mối liên hệ giữa tuổi thọ và thói quen kiểm soát lượng thức ăn.

Do đó, việc giảm lượng thức ăn có liên quan mật thiết đến tốc độ lão hóa và tuổi thọ của con người. Tuy nhiên, chúng ta không siết chặt lượng ăn xuống mức quá ít bởi điều này có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể. 

Cách người Nhật kiểm soát lượng thức ăn

Người Nhật kiểm soát lượng thức ăn bằng cách mỗi bữa chỉ ăn no 8 phần, sau đó họ sẽ không ăn thêm bất kỳ món nào nữa.

Não bộ của con người thường mất ít nhất 20 phút để tiếp nhận tín hiệu từ hệ tiêu hoá rằng cơ thể đã hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, đã no và cần ngừng ăn. Do đó, người Nhật thường ăn chậm và chia nhỏ khẩu phần ăn của các món ăn trên đĩa để xây dựng thói quen ăn no 80%. Thói quen này giúp người Nhật ngăn chặn tình trạng ăn quá no. Tình trạng này có thể gây ra một số bệnh lý cho cơ thể như:

- Bệnh dạ dày: Ăn quá no sẽ tăng gánh nặng cho dạ dày và ruột, gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá, từ đó gây ra bệnh đau dạ dày, khó tiêu, đầy bụng, thậm chí là viêm loét dạ dày....

- Béo phì: Tác hại trực tiếp nhất của việc ăn quá no, quá nhiều là dễ gây ra tình trạng dư thừa chất béo và chất đạm, làm tăng gánh nặng cho quá trình tiêu hóa. Lâu dần, các chất dinh dưỡng dư thừa sẽ tích tụ trong cơ thể dẫn đến béo phì. Béo phì là nguồn cơn của nhiều căn bệnh mạn tính như tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, từ đó cũng gián tiếp ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Thực tế, các số liệu thống kê cũng đã chứng minh, thói quen kiểm soát lượng thức ăn giúp người Nhật giảm nguy cơ mắc bệnh. Ở Nhật Bản, tỷ lệ béo phì tương đối thấp, chỉ 4,8% ở nam giới và 3,7% ở nữ giới. Béo phì là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với cả bệnh thiếu máu cơ tim và một số loại ung thư.

Ảnh minh hoạ: Bí quyết trường thọ của người Nhật là mỗi bữa chỉ ăn no 8 phần.

Quy tắc trên bàn ăn giúp người Nhật sống trường thọ

Bên cạnh việc giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể bằng cách ăn no 8 phần, người Nhật cũng có một số quy tắc trên bàn ăn góp phần trường thọ.

1. Đa dạng dinh dưỡng

Mặc dù ăn ít thức ăn nhưng người Nhật luôn đảm bảo ăn đa dạng chất dinh dưỡng. Các món ăn được chế biến từ các nguyên liệu như đậu, rau, cá, thịt, trái cây, mì,... đều xuất hiện trên bàn ăn với khẩu phần vừa phải. Điều này làm tăng gấp đôi lợi ích sức khỏe, vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng, vừa giúp kiểm soát lượng thức ăn.

2. Ăn ít dầu, mỡ

Người Nhật Bản hiếm khi ăn các món quá nhiều dầu, mỡ. Các phương pháp nấu ăn phổ biến ở Nhật là luộc, hấp hoặc các món salad. Cách chế biến này giúp các món ăn giữ được hương vị tươi ngon và giá trị dinh dưỡng một cách tối đa, từ đó góp phần giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

3. Ăn nhiều hải sản

Các bữa ăn của người Nhật đa số đều có món ăn được chế biến từ hải sản. Do Nhật Bản được bao quanh bởi biển nên các sản phẩm thủy hải sản rất phong phú. Người Nhật Bản hiếm khi ăn các loại thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò,... Thay vào đó, họ ăn nhiều hải sản như tôm, cá và các loại tảo biển. Các loại hải sản có chứa hàm lượng DHA và EPA phong phú, có những lợi ích nhất định đối với việc bảo vệ tim mạch và não.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nếu có thể ăn 4 - 6 phần hải sản mỗi tuần có thể giảm tỷ lệ tử vong do đột quỵ và các bệnh tim mạch. Điều này có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ của người trung niên và cao tuổi.

Nguồn: Baijiahao, Toutiao, Timesnow

https://soha.vn/thoi-quen-an-pho-bien-giup-nguoi-nhat-truong-tho-it-benh-tat-tuong-kho-ma-rat-de-ap-dung-20220622172309426.htm

 

Theo kenh14.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU