Thủ tướng Vũ Đức Đam lì xì sách Tết 2019

(lamchame.vn) - Thay vì mừng tuổi bằng tiền, Tết năm nay nhiều người đã chuẩn bị những cuốn sách hay, ý nghĩa làm quà đầu năm mới cho trẻ nhỏ.

Ngay sau Tết ông Công ông Táo (ngày 29/1 dương lịch), nhà báo, bình luận viên Trương Anh Ngọc đã chuẩn bị sắm Tết ở… các hiệu sách. Tranh thủ thời gian rảnh của mấy ngày trước Tết, gia đình anh đi chọn mua sách thiếu nhi để mừng tuổi cho trẻ em.
“Nhà mình nhiều năm nay không mừng tuổi cho trẻ con bằng tiền nữa… Nhà mình làm điều ấy là vì muốn tiếp tục truyền cảm hứng cho trẻ về ý thức đọc sách, tình yêu với sách, một thế giới mà chúng nên tiếp cận, thay vì nhận được tiền lì xì từ khi còn bé”, Trương Anh Ngọc chia sẻ.

Phó Thủ tướng ngồi xuống ký tặng sách dịp Tết cho học sinh trở thành hình ảnh đẹp được lan tỏa mạnh mẽ.


Tác giả Nước Ý, câu chuyện tình của tôi là một trong số nhiều người chọn mừng tuổi cho trẻ bằng sách dịp Tết này. Hôm 30/1, trong chuyến thăm trường Tiểu học Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã lì xì và tặng hàng trăm cuốn sách cho học sinh dịp năm mới.
Lì xì sách hoặc trích tiền mừng tuổi để mua sách là thông điệp mà Phó thủ tướng đưa ra. Ông nói: “Tết đến, cháu nhỏ nào cũng được mừng tuổi. Có cháu bỏ vào lợn tiết kiệm, có cháu đưa hết cho bố mẹ, có cháu được mua quần áo mới, bánh kẹo. Tiền tiết kiệm dùng để làm nhiều việc, nhưng bố mẹ và thầy cô, nếu có thể, giúp các cháu trích một phần tiền mừng tuổi để mua sách cho mình, chia sẻ cho bè bạn, đóng góp vào tủ sách ở lớp, ở trường”.
Hình ảnh vị Phó thủ tướng ngồi xuống ký tặng, cúi người trao sách cho thiếu nhi dịp cuối năm lan tỏa mạnh mẽ. Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ hình ảnh đẹp ấy, cùng dòng trạng thái sẽ lì xì sách dịp năm mới cho con trẻ.
Những ngày cuối năm, trên trang Facebook của nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương liên tục cập nhật các thông tin cổ vũ tặng sách cho trẻ em.
Tự nhận là người “bán sách rong”, các hình ảnh, trạng thái Nguyễn Quốc Vương chia sẻ trên trang cá nhân thường hướng tới việc phát triển văn hóa đọc. Cuối năm nay, anh mang sách ra chợ quê bán như một phép thử thị hiếu cha mẹ với việc tặng sách cho con, lì xì sách cho cháu nhỏ tới nhà dịp năm mới… Một số bạn bè của Nguyễn Quốc Vương đã làm theo anh cùng thực hiện việc lì xì sách để cổ vũ trẻ em đọc nhiều hơn.
Tương tự, dòng chia sẻ về việc lì xì sách của nhà báo Trương Anh Ngọc nhận được hàng nghìn lượt yêu thích và hàng trăm bình luận hưởng ứng. Dường như nhiều người đã cởi mở hơn với hình thức lì xì mới này.
Trương Anh Ngọc kể, năm ngoái, khi anh mừng tuổi sách cho trẻ em, một số bậc cha mẹ tỏ ra không hài lòng. Điều đó khiến vị bình luận viên cảm thấy buồn khi nghĩ rằng món quà của anh không được trân trọng. Nhưng anh không nản, mà vẫn tiếp tục làm, vì điều cần làm là “mang tri thức đến cho trẻ, theo một cách nào đó, chẳng hạn qua việc tặng sách”.
“Đừng nghĩ là mình tiếc tiền. Không phải đâu (tiền mua sách còn tốn hơn nhiều số tiền đáng lẽ ra sẽ phải cho vào phong bao). Nhà mình tặng sách vì muốn tiếp tục truyền cảm hứng cho trẻ về ý thức đọc sách, tình yêu với sách, một thế giới mà chúng nên tiếp cận, thay vì nhận được tiền lì xì từ khi còn bé”, Trương Anh Ngọc nói.

Tranh vẽ cổ vũ phong trào lì xì sách của NXB Kim Đồng.


Các đơn vị xuất bản, phát hành cũng hưởng ứng phong trào lì xì sách dịp Tết này. Bên cạnh việc bán sách giá ưu đãi, tặng quà tại phố sách dịp xuân, NXB Phụ nữ quyết định tặng mỗi nhân viên một gói lì xì bằng sách trị giá 500.000 đồng với mong muốn từng nhân viên sẽ nhân rộng tinh thần lì xì sách đi muôn nơi.
Lì xì đầu năm vốn là truyền thống đẹp dịp Tết. Những đồng tiền lì xì có thể là cách “làm vốn” cho trẻ. Việc tặng sách thay vì tặng tiền có thể trở thành một phong trào đẹp dịp Tết, để khích lệ trẻ đọc nhiều hơn, và giúp trẻ “làm vốn” tri thức cho mình.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU