VKS đề nghị HĐXX công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng, xác nhận bà Hạnh không phải là đồng tác giả; buộc Phan Thị chấm dứt việc tạo ra 4 hình tượng nhân vật này.
Sau 1 tuần ngừng xử, sáng 1/2, đại diện cơ quan công tố phát biểu quan điểm giải quyết vụ kiện tác quyền truyện Thần đồng đất Việt giữa nguyên đơn là ông Lê Linh, bị đơn là Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh.
Đề nghị buộc Phan Thị xin lỗi ông Lê Linh
Về quá trình chuẩn bị xét xử, VKS đánh giá thời gian quá lâu, ảnh hưởng quyền lợi của đương sự, vi phạm Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự. Cơ quan công tố đề nghị TAND quận 1 rút kinh nghiệm.
Đối với yêu cầu công bố ông Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Eọ, Dần Béo, Cả Mẹo trong truyện Thần đồng đất Việt, VKS cho rằng trong hồ sơ, Cục Bản quyền cấp giấy đăng ký quyền tác giả thể hiện quyền sở hữu thuộc Công ty Phan Thị dựa vào đơn ông Linh và bà Hạnh cùng là đồng tác giả.
Tuy nhiên, qua xem xét đơn cụ thể thì VKS nhận thấy không có từ nào thể hiện ông Linh và bà Hành thừa nhận nhau là đồng tác giả cả. Bên cạnh đó, trước khi ông Linh vào làm tại Phan Thị, trên thị trường chưa hề có bất kỳ bộ truyện nào có 4 hình tượng như nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Trong nhiều năm liền, trên bìa sách đều thể hiện ông Linh là tác giả của 4 nhân vật này. Bên cạnh đó, chứng cứ các tập truyện ông Linh đưa ra đều phù hợp, khẳng định ông Lê Linh là tác giả của 4 hình tượng nhân vật trong Thần đồng đất Việt.
Ngoài ra cũng có những tài liệu thể hiện ông Linh là người nghiên cứu vẽ nên 4 nhân vật này. Trong thời gian đó, bên Phan Thị cũng không hề lên tiếng cải chính về việc họa sĩ Lê Linh không phải là tác giả.
Bị đơn nói chính bà Hạnh cầm tay chỉ vẽ cho ông Linh nhưng VKS cho rằng phía Phan Thị không hề có bằng chứng thể hiện điều này. Do đó cho thấy bà Hạnh không phải là đồng tác giả 4 hình tượng nhân vật nên trên.
Việc ông Linh khơi kiện yêu cầu công nhận ông là tác giả duy nhất là hoàn toàn có cơ sở chấp nhận. Đối với yêu cầu không cho Phan Thị tiếp tục sáng tạo các biến thể dựa trên 4 hình tượng nhân vật đó, VKS nhận thấy Công ty Phan Thị là chủ sở hữu 4 nhân vật nhưng không đồng nghĩa việc Phan Thị có quyền làm thay đổi bản gốc của các hình tượng này.
Khi chưa được sự đồng ý của ông Linh mà lại sáng tạo ra biến thể là xâm phạm đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của ông Linh. Việc ông Linh yêu cầu Phan Thị xin lỗi độc giả của Thần đồng đất Việt là không phù hợp vì độc giả không có yêu cầu này và ông Linh cũng không có quyền thay mặt những người này.
Với yêu cầu thanh toán chi phí luật sư 20 triệu đồng cho luật sư, VKS cho rằng phía bị đơn phải chịu hoàn toàn chi phí cho bên nguyên đơn.
Từ những phân tích trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng, xác nhận bà Hạnh không phải là đồng tác giả; buộc Phan Thị chấm dứt việc tạo ra 4 hình tượng nhân vật này trên các biến thể khác nhau; buộc Phan Thị phải xin lỗi ông Lê Linh trên 3 kỳ liên tiếp; buộc Phan Thị phải thanh toán chi phí 20 triệu đồng chi phí luật sư cho ông Lê Linh.
Ông Lê Linh đưa ra các tập truyện Thần đồng đất Việt để làm bằng chứng |
Họa sĩ đòi tác quyền 4 hình tượng nhân vật
Tại 2 ngày xét xử, với vai trò là nguyên đơn, Lê Linh cho biết lúc hợp tác với Phan Thị, ông chủ động sáng tác toàn bộ, lên kế hoạch trong năm sáng tác nội dung gì. Bà Hạnh hoàn toàn không tham gia vào khâu nào trong quá trình sáng tác. Đến năm 2006, khi thấy bà Hạnh cho nhân viên khác tập vẽ các nhân vật trong truyện Thần đồng đất Việt, qua tìm hiểu thì Lê Linh biết bà Hạnh tự ý ghi tên bà vào giấy đăng ký bản quyền tác giả nên ông ngưng vẽ.
Từ tập 79 về sau, ông Linh cho rằng bà Hạnh vẽ y chang 4 nhân vật gốc do ông sáng tại trước đó (đã được đăng ký ở Cục Bản quyền) nhưng với biến thể khác.
Vị họa sĩ cho rằng nếu Phan Thị muốn làm điều này, cần phải được sự cho phép của ông. Ông là tác giả nên việc làm của bị đơn là xâm phạm đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của ông (theo khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ).
Ông Lê Linh nhấn mạnh ông muốn đòi quyền tác giả với 4 hình tượng nhân vật trong Thần đồng đất Việt. Bởi 4 nhân vật này đến với độc giả thông qua truyện và chưa có bất kỳ ai khác tự nhận là tác giả của các nhân vật này.
Ngoài ra, Lê Linh còn chỉ ra khi vụ việc đang tranh chấp thì phía bị đơn lại đi đăng ký nhãn hiệu cho tên "Lê Linh". Về điều này, đại diện Phan Thị cho rằng đó là sự "bịa đặt". Nhưng khi đại diện VKS đọc tên văn bản có xác nhận của Cục Sở hữu trí tuệ, ông Vân Nam nói : "Tôi không biết điều này. Tôi sẽ xem lại chữ ký và con dấu".
Bị đơn khẳng định Lê Linh không phải là tác giả
Ông Nguyễn Vân Nam, người đại diện cho cả Phan Thị và bà Hạnh, yêu cầu tòa bác bỏ tất cả yêu cầu khởi kiện của ông Lê Linh. Bị đơn cho rằng ông Linh không trực tiếp tạo ra tác phẩm. Đại diện phía Phan Thị còn cho hay ông Linh chỉ là 1 trong số những họa sĩ tham gia sáng tạo bộ truyện. Công ty Phan Thị trả lương và nhận bút cho ông Linh cao hơn giá thị trường. Thời điểm vị họa sĩ rời khỏi công ty đã nhận tổng cộng hơn 3 tỷ đồng.
Việc đưa tên Lê Linh lên bìa sách, Phan Thị cho rằng với mục đích đưa họa sĩ này thành một biểu tượng cho bạn đọc nhỏ tuổi, tránh việc ghi tên quá nhiều người không có ý nghĩa chứ không hề khẳng định Lê Linh chính là tác giả.
Bị đơn trưng ra bằng chứng cho tòa, chỉ ra vào năm 2002, chính ông Lê Linh đã ký xác nhận công nhận bà Hạnh là đồng tác giả cho 4 hình tượng Trạng Tí, Sửu Eọ, Dần Béo, Cả Mẹo. Do đó, bị đơn cho rằng nguyên đơn không có quyền khởi kiện vì sẽ vi phạm nghĩa vụ của đồng tác giả.
Ngoài ra, đại diện Phan Thị cho biết trước khi nguyên đơn vào làm, Phan Thị đã có ý tưởng xây dựng truyện tranh dân gian, chỉ có bà Hạnh là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật trong Thần đồng đất Việt. Ông Nam chỉ ra từ ý tưởng đến nguồn gốc, cải biên,…đều do bà Hạnh.
Bị đơn khẳng định quyền sở hữu đối với 4 hình tượng nhân vật trong truyện thuộc về Phan Thị. Do đó, từ tập 79 trở về sau, bị đơn không cần phải xin phép ông Lê Linh khi làm tác phẩm phái sinh.
4 hình tượng nhân vật trong Thần đồng đất Việt. |
Thần đồng đất Việt là bộ truyện tranh dài hơi, đầu tư kỳ công cả hình vẽ và nội dung, là một món ăn tinh thần của tuổi thơ nhiều người. Những lùm xùm xung quanh tập truyện này về bản quyền tác giả chắc chắn sẽ đi tới hồi kết sớm để trả lại sự công bằng cho những hình tượng sâu sắc trong lòng trẻ thơ và những người từng là trẻ thơ.
Theo sohuutritue.net.vn