Trong giờ học ngày 6/12, giáo viên Cái Thị Vui, chủ nhiệm lớp 1/5 Trường Tiểu học Bình Hữu đã không kiềm chế được sự nóng giận nên đã đánh em Nguyễn Hữu Khang đến bầm tím mặt vì nghịch ngợm trong giờ học. Điều đáng nói là em Khang là học sinh khuyết tật. Để hỗ trợ em có thể theo kịp các bạn, nhà trường đã xếp em ngồi cùng bàn với giáo viên chủ nhiệm để cô giáo hướng dẫn thêm. Nhận thấy hành vi sai trái của mình, cô giáo cùng đại diện nhà trường đã tới thăm hỏi và xin lỗi học sinh và gia đình. Gia đình em Khang đã chấp nhận lời xin lỗi và dự kiến tới ngày 10/12 tới đây em Khang sẽ quay lại lớp học như bình thường.
Dù vậy, cô giáo Cái Thị Vui vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Chiều ngày 8/12, Trưởng Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Đức Hòa đã chỉ đạo tạm đình chỉ công tác 15 ngày kể từ ngày 10/12 đối với cô. Hiện, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã có văn bản khẩn đề nghị Sở Giáo dục và đào tạo Long An kiểm tra, xác minh vụ việc và xử lý nghiêm minh.
Một cô giáo ở Long An tiếp tục đánh học sinh đến tím mặt |
Trước đó, khi mà ngày Hiến chương Nhà giáo mới qua được vài ngày, dư luận đã được phen chấn động khi thông tin cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy ở Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ra hình phạt vô cùng bạo lực dành cho 1 học sinh của mình khiến cho em này phải nhận 231 cái tát từ các bạn của mình. Học sinh ngay sau đó phải nhập viện. Chưa đầy 1 tuần sau, cô giáo Nguyễn Hà Trang ở trường Tiểu học Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội tiếp tục ra hình phạt khiến cho 1 học sinh lớp 2 phải nhận 50 cái tát từ bạn mình. Vậy là chỉ trong vòng chưa đến nửa tháng đã có 3 cô giáo chịu án kỷ luật, bị đình chỉ công tác vì đã những hình phạt mang tính bạo lực dành cho học sinh.
Với quyết định khởi tố thì có lẽ đây sẽ là những ngày đứng lớp cuối cùng của cô giáo Thủy…Còn với cô giáo Trang, việc bị xóa tạm khỏi bảng tên giáo viên chủ nhiệm và đình chỉ 15 ngày cũng là “dấu đen “ không thể xóa được trong sự nghiệp trồng người khi mà thời gian công tác của cô mới chỉ tính bằng tháng…Các nhà tâm lý học cho rằng đó là hậu quả mà các cô phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Nhưng còn các em học sinh, ai sẽ chịu trách nhiệm khi những đầu óc non nớt đã bị vẩn màu của bạo lực. Ranh giới giữa kỷ luật và bạo hành trở nên mong manh khi người thầy tức giận.
Theo sohuutritue.net.vn