Gần đây, một đôi vợ chồng ở Thiên Tân, Trung Quốc, vì đã kết hôn 30 năm rồi mà vẫn nghiêm túc kiên trì AA (chia đều, rạch ròi trong mọi tình huống, chẳng hạn như khi ăn uống, hai người sẽ chia đều tiền để trả) mà đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội.
Quyền sở hữu vật dụng trong nhà, từ đồ gia dụng tới quả trứng gà đều được phân biệt một cách nghiêm ngặt.
Trong một cuộc phỏng vấn, người chồng nói, vợ trước giờ không bao giờ cho anh ấy ngủ trên giường, một năm 365 ngày, anh đều ngủ dưới đất.
Người vợ cũng phàn nàn, chồng rất ít quan tâm tới mình, đồ người khác cho, người chồng không bao giờ chia sẻ mà toàn ăn một mình.
Có một lần, quạt thông gió của nhà bị hỏng, người vợ nói người chồng xem xem sao, kết quả người chồng lại ném lại một câu: "Nơi cao như thế, bà muốn tôi ngã chết đúng không!"
Sau khi bài phỏng vấn được đăng lên, trên mạng đã bùng lên một cuộc tranh luận.
Có người thậm chí còn nói: "Đây mà là vợ chồng ư? Đến quan hệ bạn chung phòng thôi cũng không bằng."
Vấn đề tiền bạc trong hôn nhân, từ trước tới giờ luôn là giao điểm mâu thuẫn giữa hai vợ chồng.
Chỉ có điều, đôi vợ chồng trong bài phỏng vấn, đã không còn chỉ đơn giản là AA trên phương diện kinh tế nữa. Hai người họ sớm đã đạt tới cảnh giới "ở riêng", "chia nhà", "mệnh ai người nấy lo" rồi mới đúng.
Giữa hai người không có một chút giao lưu tình cảm nào, chỉ có sự tính toán thiệt hơn.
Trong một cuộc hôn nhân không có tình yêu, cả hai người đều trở nên ích kỉ và thờ ơ.
Hôn nhân, không chỉ là góp gạo thổi cơm chung
Tôi từng đọc được một câu chuyện như này.
Bố mẹ chồng của một blogger nọ, chính là điển hình của việc chỉ đơn thuần là góp gạo thổi cơm chung.
Họ cùng sống dưới một mái nhà, nhưng số lời họ nói với nhau trong một tuần lại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Bố chồng mỗi khi tan làm về nhà sẽ đi tắm rửa rồi ngồi trên sofa lướt điện thoại.
Mẹ chồng thì cứ ngồi đó xem tivi, thỉnh thoảng lại trả lời tin nhắn của bạn bè.
Hai người tuy cùng ở trong phòng khách, nhưng lại không hề nói với nhau câu nào.
Mẹ chồng nấu đồ ăn khuya, ba chồng không bao giờ ăn, đợi vợ ăn hết rồi ông ấy mới tự xuống bếp nấu cho mình bát khác.
Blogger kia nói rằng thực ra cô cũng không hiểu nổi, tại sao ba mẹ chồng của cô có thể sống với nhau như vậy lâu đến thế, đã như vậy rồi thì vì sao không lựa chọn ly hôn.
Tôi từng xem một phim hài kịch của Mỹ có tên "The Marvelous Mrs. Maisel".
Trong phim, mẹ của Maisel, bà Rose đã phải chịu đựng sự bỏ bê và thờ ơ tới từ người chồng của mình trong một thời gian dài, trong mắt chồng, bà chỉ là một vật trang trí trong nhà.
Những lời bà nói, người chồng không cho vào tai; bà mặc bộ quần áo mới, người chồng không thèm liếc lấy một cái; suy nghĩ của bà, người chồng không bao giờ quan tâm.
Không chịu đựng được thêm nữa, bà Rose quyết định bỏ nhà ra đi.
Sau một thời gian dài không thấy vợ đâu, tới lúc đó người chồng mới ý thức được rằng bà Rose đã bỏ đi mất.
Cuộc hôn nhân như vậy, quả thực khiến người khác đau lòng.
Trong hiện thực cuộc sống, có bao nhiêu cặp vợ chồng, ban ngày là vợ chồng, ban đêm lại chỉ là hàng xóm?
Một cuộc hôn nhân không có tình yêu, hai vợ chồng chẳng khác nào những người xa lạ cùng sống chung dưới một mái nhà.
Rõ ràng là những người thân thương với nhau nhất, nhưng lại thờ ơ, không quan tâm, không đả động đến nhau.
Cũng giống như câu nói:
"Hôn nhân kiểu góp gạo thổi cơm chung, không có tình yêu, không có sự giao lưu, thấu hiểu, không có sự đồng điệu trong tâm hồn, nó chẳng có gì hơn ngoài việc mang hai người xa lạ lại với nhau rồi cùng nhau gánh vác áp lực về kinh tế.
Rồi sau đó, anh là anh, tôi là tôi, mệnh ai người nấy lo."
Có lẽ khi mới ở bên nhau, hai người vẫn ôm hi vọng.
Nhưng lâu dần, cả hai vợ chồng dần học được cách che giấu đi những nhu cầu tình cảm của mình và không còn khao khát được yêu thương.
Cuộc hôn nhân không có sự ấm áp này, sớm muộn rồi cũng nguội lạnh như băng tuyết.
Hôn nhân có tình yêu, trong lòng luôn có đối phương
Trong một chương trình truyền hình thực tế của Trung Quốc mang tên "Người đàn ông làm việc nhà", một trong những cặp đôi chính là diễn viên Viên Hoằng và vợ anh, Trương Hâm Nghệ.
Viên Hoằng được ca ngợi là "người chồng mẫu mực", anh luôn thức dậy lúc 6h sáng làm bữa sáng cho mình và vợ.
Nghe thấy tiếng con khóc sẽ ngay lập tức chạy vào dỗ con, chủ động cho con ăn.
Anh còn rất hiểu khẩu vị của vợ mình, luôn chủ động nấu những món vợ thích cho vợ ăn.
Khi vợ nói rằng cổ mình đau, anh ngay lập tức xoa bóp cho vợ.
Anh còn rất thích chuẩn bị bất ngờ cho vợ.
Có nhiều người ngưỡng mộ, khen Viên Hoằng là người chồng của năm, mà không biết rằng, cả hai người đều yêu thương lẫn nhau rất nhiều.
Viên Hoằng thích lái mô tô, Trương Hâm Nghệ dù rất lo lắng nhưng vẫn âm thầm đi mua cho anh chiếc mũ bảo hiểm.
Một lần, Viên Hoằng nhỡ tay cho mù tạt vào nước chấm, vị rất kì lạ, anh nếm xong cau mày, ái ngại nhìn vợ, nhưng Trương Hâm Nghệ không những thử mà còn khích lệ nói cũng khá ngon, thậm chí còn chấm ăn nhiều lần khiến Viên Hoằng vô cùng vui vẻ.
Trương Hâm Nghệ cũng là một người vợ không tiếc lời khen ngợi chồng, Viên Hoằng nghe xong, luôn cảm thấy rất vui vẻ.
Khi vợ nói rằng lưng mình đau, Viên Hoằng ngay lập tức xoa bóp cho vợ
Rất nhiều người ngưỡng mộ hôn nhân hoàn hảo của Viên Hoằng và Trương Hâm Nghệ, nhưng trên thế giới này, làm gì có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo?
Có những cặp vợ chồng hạnh phúc hơn những người bên cạnh, chẳng qua là bởi vì trong tim của họ luôn có đối phương.
Trong hôn nhân, chẳng ai thoát được khỏi cuộc sống cơm áo gạo tiền, hay những lần cãi vã vụn vặt.
Có những cặp vợ chồng ngày qua ngày chì chiết lẫn nhau, dần dần trở nên tê liệt, thờ ơ, không còn muốn để ý tới suy nghĩ và cảm nhận của đối phương.
Còn có những cặp vợ chồng biết cách dùng trái tim để vun vén nên một gia đình, họ cẩn thận cảm nhận việc yêu và được yêu, họ lựa chọn sống bên nhau vui vẻ đầy lãng mạn và hạnh phúc.
Hôn nhân đẹp nhất, không phải là góp gạo thổi cơm chung, mà là những năm tháng về sau
Dạo trước, có một cư dân mạng chia sẻ một đoạn video về người ông 97 tuổi và người bà 99 tuổi của mình trong bệnh viện.
Bà của cô ấy mắc bệnh phải vào bệnh viện, nhưng vì thuốc đắng nên bà không chịu uống.
Ông ở bên cạnh khuyên bà, lo lắng tới muốn phát khóc.
Cuối cùng, vì bất lực nên ông chỉ đành "dọa" bà:
"Nếu bà không uống thuốc, từ sau tôi không tới thăm bà nữa."
Khi được đưa lên mạng, đoạn video đã khiến biết bao người cảm động.
Ông bà đã gần trăm tuổi, nhưng bà trong lòng ông vẫn mãi là một đứa trẻ không chịu lớn, cần ông dỗ dành, chiều chuộng và chăm sóc.
Ông dỗ dành bà: "Nếu bà không uống thuốc, từ sau tôi không tới thăm bà nữa."
Điều này làm tôi nhớ tới một đoạn video khác, một ông lão đi mua trà sữa cho bạn đời của mình.
Ông lão đứng giữa một loạt các bạn trẻ, gọi hai cuộc điện thoại hỏi bà muốn uống gì.
Cuối cùng, ông mua cho bà một cốc trà sữa trân châu size lớn, còn nhắc nhở nhân viên làm cho mình trà sữa ấm.
Xem xong đoạn video, ai nấy cũng đều cảm thấy vô cùng đáng yêu và ấm áp.
Ông mua cho bà một cốc trà sữa trân châu size lớn, còn nhắc nhở nhân viên làm cho mình trà sữa ấm
Hai cặp vợ chồng già ấy, khiến chúng ta thấy được dáng vẻ đẹp nhất của một cuộc hôn nhân – dù đã ở cái độ tuổi gần đất xa trời rồi, nhưng vẫn luôn hết mực yêu thương và nghĩ đến nhau.
Trên mạng có người hỏi rằng:
"Cuộc hôn nhân tốt đẹp nhất là cuộc hôn nhân như nào?"
Có một câu trả lười khiến tôi ấn tượng sâu sắc:
"Vượt qua được sóng gió cuộc đời, kham qua được cơm áo gạo tiền."
Hôn nhân hạnh phúc, không phải không có cãi vã, không có khác biệt, cả đời suôn sẻ.
Mà là trong khó khăn, hai vợ chồng không bao giờ từ bỏ, luôn nắm lấy tay nhau, yêu thương đối phương tới hết cuộc đời.
Yêu bằng cả trái tim, chính là những năm tháng về sau tươi đẹp nhất
Có một câu nói như này:
"Từng cho rằng điều tồi tệ nhất trên thế gian này là cô độc đến già, nhưng thực ra không phải, điều đáng sợ nhất chính là ở bên một người khiến ta cảm thấy cô đơn tới suốt đời."
Hôn nhân là sự vun đắp lâu dài, rất nhiều người bước vào cuộc hành trình đó với sự yêu thương ngọt ngào, nhưng lại duy trì nó bằng sự phàn nàn và thờ ơ.
Suy cho cùng, cũng chỉ vì chúng ta lười.
Chúng ta cho rằng chỉ cần kết hôn rồi là sẽ có thể thuận lợi đi được tới cái đích của hạnh phúc, vì vậy không mặn mà với việc dùng trái tim của mình để vun đắp tình cảm hai bên.
Mà không biết rằng, hôn nhân mới chỉ là điểm khởi đầu của hạnh phúc.
Trong bộ phim "The good wife" của Mỹ có một câu như này:
"Sức hấp dẫn nhất của hôn nhân nằm ở chỗ khám phá xem hai người không có cùng huyết thống, rốt cuộc có thể hòa hợp với nhau sâu sắc tới đâu."
Khi chúng ta hiểu ra rằng cần dùng trái tim đi vun đắp cho hôn nhân, để ý nhiều hơn tới cảm nhận của đối phương, lắng nghe tiếng nói của đối phương, trân trọng những gì đối phương bỏ ra, quan hệ vợ chồng tự nhiên sẽ trở nên gắn kết hơn.
Nếu chỉ biết yêu cầu, bỏ qua những nỗ lực của đối phương, dùng sự trốn tránh và thờ ơ để đối xử với đối phương, vậy thì, dù hai vợ chồng có từng yêu nhau tới đâu, sớm muộn gì cũng sẽ thành "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt."
Yêu đương thì dễ, nhưng hôn nhân lại không dễ dàng như vậy.
Hi vọng chúng ta, trong hôn nhân, sẽ học được cách dùng trái tim và sự dịu dàng đi yêu thương một người thật chân thành!
Theo Tri Thức Trẻ