Hình minh họa.
Bác sĩ Võ Thúy Vân, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: Ngày 1/12, ông L.P.G (59 tuổi, ngụ TP. Hồ Chí Minh) được đưa đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng rối loạn tri giác, toan chuyển hóa nặng.
Theo lời kể của gia đình, ông G. đã uống một chai rượu trắng hàng xóm cho. Sau đó, ông kêu mệt, không ăn uống, nôn ói và bất tỉnh. Sau khi được cấp cứu tại một bệnh viện gần nhà, ông G. được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Tại đây, các bác sĩ cho biết, nồng độ methanol trong máu của bệnh nhân lên đến 394,61mg/dl. Với người bình thường chỉ số này là 0 và khi nồng độ methanol đạt 20mg/dl sẽ buộc phải lọc máu, điều trị giải độc. Bên cạnh toan chuyển hóa nặng, bệnh nhân còn tụt huyết áp, suy hô hấp phải thở máy, không đáp ứng được với điều trị nội khoa bình thường.
Trước tình trạng nguy kịch trên, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiến hành kỹ thuật siêu lọc máu liên tục (CRRT) cho bệnh nhân. Sau 24 giờ điều trị, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện, huyết áp ổn dần nhưng nồng độ methanol trong máu vẫn cao. Sau 6 ngày can thiệp tích cực, chỉ số methanol trong máu của ông G. còn 1,96 mg/dl nhưng hai mắt không nhìn được, tay chân rất yếu. Bác sĩ Võ Thú Vân cho hay, đây là một biến chứng của ngộ độc methanol và bệnh nhân có thể bị mù vĩnh viễn.
Trước đó, vào tháng 8/2022, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng liên tục tiếp nhận 9 ca ngộ độc methanol, trong đó có 2 người tử vong. Thống kê của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, mỗi năm đơn vị này tiếp nhận khoảng 20 ca ngộ độc methanol. Ngộ độc methanol gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe như: bị mù, hoại tử não…, trong trường hợp nhập viện quá muộn, bệnh nhân có thể tử vong vì suy đa cơ quan và toan chuyển hóa nặng.
Các bác sĩ khuyến cáo, thời điểm cuối năm, người dân thường có xu hướng liên hoan, tiệc tùng nhiều nên nguy cơ ngộ độc methanol, ngộ độc rượu bia rất cao.