Trang nhật ký xúc động về mẹ của cậu trai bị liệt nửa người và tâm sự của những đứa con không còn mẹ

Đó là cậu con trai 27 tuổi đầu vẫn phải có mẹ bên cạnh dìu dắt từng bước chân, là bé gái ung thư bị bỏ rơi khi chỉ vừa tròn 20 ngày tuổi hay một chàng trai phải học cách sống thiếu mẹ trong 6 năm qua. Đó là câu chuyện của những đứa con yêu mẹ bằng cả trái tim của mình.

Họ là những người con, người mẹ tuyệt vời nhất mà tôi từng được gặp. Câu chuyện của họ mộc mạc thôi, nhưng luôn khiến tôi bồi hồi và trân quý những ngày tháng có mẹ bên cạnh mình.

"Mùa Đông" của tôi

(Câu chuyện của cô Lê Thị Thu Đông và con trai Võ Thanh Hữu Nghĩa. Tháng 3/2011 sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, Nghĩa rơi vào trạng thái hôn mê sâu trong 28 ngày liên tục. Cô Đông đã luôn bên cạnh con trai trong những giây phút tử thần kéo anh về với cõi chết, tưởng chừng đã mất con nhưng rồi bằng tất cả tình thương, cô đã níu Nghĩa ở lại).

Nghĩa và cô Đông đang cùng nhau vượt qua những ngày gian nan nhất cuộc đời.

"Thu ấm áp nhẹ nhàng và sâu lắng, đông băng giá hiu quạnh mà đầy bí ẩn. Ngày xưa có lẽ ông ngoại tôi muốn ghép sự tinh hoa của hai mùa nên đã đặt tên của mẹ là Thu Đông. Thật vậy, mẹ tôi sở hữu cái dịu dàng ấm áp của mùa thu cùng với sự kiên định cứng cáp của mùa đông. Mẹ sinh ra vào ngày 27/7 - ngày thương binh liệt sỹ thế nên cuộc đời của mẹ cũng lắm thăng trầm, nhưng có lẽ vì yếu tố này mà mẹ tôi có thêm được sự nhẫn nại, hy sinh, kiên cường vượt qua những sóng gió của cuộc đời. 

Sau biến cố ba tôi mất đi vì tai nạn giao thông cách đây hơn 10 năm, tất cả gánh nặng đã đè lên đôi vai gầy của mẹ, nhưng dù có những lúc khó khăn vất vả nhất mẹ tôi vẫn vui, vẫn tươi cười. Nhìn nụ cười ấm áp của mẹ, tôi đã luôn có được rất nhiều niềm hạnh phúc từ ngày còn bé cho đến tận bây giờ. Sau này khi tôi bị tai nạn, mẹ đã đương đầu với tử thần để giành lại cuộc sống cho tôi. Cũng chính nụ cười ấm áp ấy của mẹ đã xua đi bao đau đớn bệnh tật trong tôi. Nụ cười ấy mãi là động lực cho tôi cố gắng suốt cả đời này. Cảm ơn ông trời đã cho tôi làm con của mẹ, tôi nguyện sẽ cố gắng hết sức để chiến đấu với bệnh tật, để đáp lại công lao to lớn của mẹ dành cho tôi. Con cảm ơn mẹ, "mùa đông" ấm áp tuyệt vời của riêng con!" - đây là những dòng nhật ký của Nghĩa trong những tháng ngày nằm bệnh viện, mặc dù bị liệt nửa người viết chữ rất khó khăn nhưng Nghĩa luôn cố gắng ghi lại những cảm xúc của mình về mẹ trong cuốn sổ nhỏ.

Trang nhật ký của Nghĩa.

Đã 7 năm 1 tháng 17 ngày kể từ ngày hai mẹ con bán nhà để vào bệnh viện sống. 7 năm 1 tháng 17 ngày là số thời gian mà bà mẹ quê bước chân xuống thành phố xa hoa này để đương đầu với tử thần giữ con ở lại với cuộc đời. 

Nghĩa viết: "Mẹ đã sinh tôi ra lần nữa, để cứu sống tôi mẹ đã bán hết tài sản... Để lo thang thuốc cho tôi mẹ đã làm mọi việc, chịu rất nhiều áp lực đến nỗi kiệt sức nhập viện, thế nhưng chưa một lần mẹ than vãn". 

Hơn ai hết Nghĩa hiểu rằng để anh có thêm một lần được sống là mẹ đã tự cho mình thêm một lần được khổ vì con. Những ngày sau khi hồi tỉnh, Nghĩa rơi vào trạng thái sống thực vật, hầu như không nhận thức được gì. Thế nhưng cô Đông chưa bao giờ bỏ cuộc, cô dìu từng bước con đi, chăm từng miếng ăn giấc ngủ. Hai mươi mấy tuổi đầu, Nghĩa bỗng hoá thành đứa con nhỏ dại trong vòng tay mẹ.

 

Cậu thều thào nói yếu ớt: "Mẹ chưa bao giờ khóc trước mặt mình, nhưng mình biết có những đêm mẹ nằm khóc vì thương cho số phận của hai mẹ con. Nhìn xung quanh bạn bè đồng trang lứa ít nhiều cũng báo đáp cho ba mẹ phần nào. Mình thì không đáp đền được gì còn khiến mẹ mệt mỏi. Có đôi lúc tưởng chừng mình không vượt qua được những đau đớn của bệnh tật, nhưng nhìn những vất vả của mẹ mình tự nhủ không được bỏ cuộc".

Còn nhớ hồi Nghĩa học lớp 11, nhân dịp ngày 20/10 anh chàng đi mua một chậu cá cảnh về tặng mẹ thì bị mẹ la té tát. "Mẹ thu mua ve chai cả ngày làm gì có thời gian mà ngắm cá cảnh. Tốn tiền quá! - mẹ nói thế. Cả cuộc đời mẹ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện được tặng quà".

"Con thương mẹ nhiều lắm! Con sẽ cố gắng, sẽ không bỏ cuộc, mẹ yên tâm nhé!" - dòng chữ này được Nghĩa viết nhiều lần trong nhật ký, để nhắc nhở bản thân và để trân quý hơn những ngày ở bên mẹ.

Ngày không có mẹ

(Chuyện của Nguyễn Ngọc Sơn. Sơn từ nhỏ đã sống với bà ngoại và mẹ. Tuy không có ba nhưng những năm tháng tuổi thơ của cậu luôn tràn ngập hạnh phúc. Năm 2011 -2012, biến cố ập đến khi bà ngoại và mẹ lần lượt qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại cậu với khoảng trống tưởng chừng mãi mãi).

Sơn và mẹ tuy không có nhiều thời gian ở bên nhau nhưng đó là quãng đời đẹp nhất của Sơn.

Có lần Sơn nhìn thấy có một mâm cơm canh thật ngon ở trước nhà, có ngoại, có mẹ, có cậu cùng ngồi quây quần bên mâm cơm. Có tô canh mồng tơi luộc, có dĩa cá rô chiên. Cảm giác thật hạnh phúc! Nhưng rồi giật mình thức dậy, Sơn nhận ra tất cả chỉ là giấc mơ, giờ đây cậu chỉ có một mình thôi.

Sơn sống cùng mẹ và bà ngoại trên cù lao hẻo lánh ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Những năm tháng tuổi thơ êm đềm trôi qua cho đến ngày mẹ Sơn phát hiện căn bệnh ung thư xương giai đoạn cuối. Bác sĩ trả về, lúc đó hai chân của mẹ đã liệt hoàn toàn và đôi mắt không còn nhìn thấy nữa. Vài tháng sau ngoại phát bệnh ung thư cổ tử cung rồi qua đời. Ngày đám ma, ngoại nằm một góc nhà, mẹ nằm một góc nhà, thằng Sơn đứng chơ vơ, dân cù lao tới viếng mà chảy nước mắt.

Không lâu sau đó mẹ Sơn được đưa vào chùa để chăm sóc và qua đời tại đây. Sơn vẫn luôn tiếc nuối về khoảng thời gian đó vì đã không thể ở bên cạnh mẹ những giây phút cuối cùng. 

"Khoảng thời gian đó là chuẩn bị thi học kỳ hai, thi tốt nghiệp phổ thông và thi Đại học. Tâm trí lúc nào cũng cảm thấy trống trải. Nhìn mấy đứa bạn tự nhiên thấy chạnh lòng. Nhất là đợt ôn thi tốt nghiệp Đại học, thấy bạn bè xôn xao, ba mày đưa đi sao, mẹ tao đi cùng tao lên Sài Gòn... Còn mình thì tới cận ngày thi vẫn không biết ai đưa lên Sài Gòn đi thi.

Thi ra, thấy ba mẹ các bạn đứng chờ ngoài cổng, còn mình thì lủi thủi một mình. Dượng hỏi thi được hay không mình chỉ nói qua loa. Thấy mẹ tụi bạn quạt cho tụi nó ngủ trưa mà tủi thân muốn bỏ cuộc" - mắt Sơn đỏ cay khi nhớ lại những ngày đầu tập làm quen với việc không có mẹ ở bên.

Gia đình không có ba, nên mẹ gánh hết từ việc nhẹ đến việc nặng. Mẹ luôn cố gắng hết sức để cho tuổi thơ của Sơn được trọn vẹn. Nhớ hồi đó Sơn mê coi phim hoạt hình "5 anh em hồ lô", mà ti vi ở nhà chỉ xem được đài An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, mà nghiệt ngã cái là phim "5 anh em hồ lô" lại chiếu ở đài Tây Ninh. Trời mưa ào ào mẹ phải ra quay cây ăng-ten bắt sóng để con trai coi hoạt hình. Trời mưa lớn, ti vi cứ mè mè, nhìn mặt thằng Sơn tội nghiệp mẹ lại càng cố xoay ăng-ten cho bằng được mà người đã ướt sũng vì mưa. 

"Được làm con của mẹ là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời của mình" - Sơn bùi ngùi nói. Từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ mẹ nhắc đến ba, và Sơn cũng không hỏi. Mẹ dạy cho Sơn một điều rằng hãy để quá khứ ngủ yên, việc cần làm là sống cho hiện tại và tương lai. Thế nên Sơn luôn cất giữ những buồn phiền trong một góc nhỏ để sống thật tốt những ngày thiếu mẹ. 

Giờ đây Sơn đã có công việc ổn định, sắp tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Luật học và trở thành một người tốt như mẹ hằng ước ao. Tin rằng ở đâu đó mẹ vẫn luôn dõi theo Sơn và tự hào về cậu con trai nhỏ. 

Nếu mẹ còn ở bên cạnh chắc chắn Sơn sẽ dành tặng cho mẹ tất cả những gì cậu có.

Thiên thần nhỏ của mẹ

(Chuyện của cô Huỳnh Ngọc Điệp và con gái nuôi Huỳnh Ngọc Nữ. Ngọc Nữ bị cha mẹ ruột bỏ rơi khi tròn 20 ngày tuổi. Cô Điệp - một người đàn bà đơn thân ở Cần Thơ nhận em về nuôi nấng. Cuộc sống của hai mẹ con trôi qua bình yên cho tới ngày phát hiện Ngọc Nữ có khối u ác tính trong não).

Cô Điệp và Ngọc Nữ khoảng thời gian tại bệnh viện chống chọi lại căn bệnh ung thư.

Tôi thích gọi em là thiên thần hay cười. Cô bé 11 tuổi gầy nhom, xanh xao nhưng lúc nào cũng nở một nụ cười tươi như ánh nắng. Cô bé Huỳnh Ngọc Nữ.

Nữ bị bỏ rơi khi vừa tròn 20 ngày tuổi. Nhưng may mắn cuộc đời đã đưa mẹ Điệp đến với em. Mẹ bán xôi nuôi em khôn lớn, rồi tần tảo sớm hôm để kiếm tiền chữa bệnh cho em. Năm Nữ lên 11 tuổi thì phát hiện có một khối u ác tính trong não, hai mẹ con gói ghém đưa nhau lên Sài Gòn chữa trị.

Buổi sáng mẹ Điệp tranh thủ dậy sớm nấu xôi đi bán, rồi trưa vào viện chăm sóc con gái. Không ít người bất ngờ khi biết Nữ là con gái nuôi của mẹ Điệp, không máu mủ thân thích, không mang nặng đẻ đau, người ta không lý giải được điều gì đã khiến mẹ Điệp dành tất cả tình thương của mình cho con gái nhỏ. 

Sau ca phẫu thuật và nhiều lần thực hiện hóa trị, cơ thể cô bé ngày càng trở nên yếu ớt, mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải nhờ đến mẹ. Có lần cô bé nói với tôi rằng: "Em thấy ngộ ghê, ai tên đẹp đẹp cũng vào bệnh viện nằm hết trơn. Em là Ngọc Nữ nè, rồi có bạn Ngọc Diệp, Bảo Ngọc... cũng bị giống em, ngộ ghê hén".

Hôm đó là một ngày Sài Gòn đầy nắng, cũng là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy cô thiên thần nhỏ cười tươi hạnh phúc. Không lâu sau đó Ngọc Nữ qua đời.

Cô Điệp nghẹn ngào kể: "Những ngày cuối Nữ không nói chuyện được, nó chỉ nghe cô nói rồi chảy nước mắt. Nó thương mẹ nhiều lắm". Sau khi Nữ mất, cô Điệp gửi hài cốt của em vào một ngôi chùa ở gần nhà để ngày ngày cô qua chùa đọc kinh cho em.

Ngọc Nữ mất, nhưng nụ cười của em không mất. Và cả tình yêu của em dành cho mẹ vẫn mãi mãi không bao giờ mất đi.

Thiên thần của tôi đã về trời, nhưng nụ cười của em vẫn hiện diện đâu đó trong ký ức của tôi và của mẹ Điệp. Tôi đã từng sợ một ngày nào đó khi Nữ biết được em không phải là con ruột của mẹ, Nữ sẽ buồn lắm, nhưng chắc có lẽ tôi đã sai vì dù sự thật có như thế nào thì Ngọc Nữ vẫn sẽ yêu mẹ bằng tất cả trái tim.

 

Theo Trí thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU