Sự quan tâm của cha mẹ sẽ giúp trẻ dễ dàng vượt qua tuổi ẩm ương, thích đua đòi. Ảnh minh họa
Trẻ đi tìm sự quan tâm, chú ý
Nhiều bố mẹ đã từng trải qua tình huống khó xử khi con đòi hỏi như thức ăn, đồ chơi, quần áo... thậm chí là đòi hỏi được tăng thời lượng chơi điện tử.
Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau mà có những nhu cầu đó của trẻ. Đầu tiên có thể do cha mẹ quá chiều chuộng, thường xuyên đáp ứng hết tất cả mọi yêu cầu của con. Điều này vô tình khiến trẻ hình thành tính cách đòi hỏi và phải có bằng được thứ mình muốn.
Ngày nay, mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con, vì thương con cha mẹ dễ dàng đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ, thậm chí nhiều hơn mức đứa trẻ cần. Trẻ còn nhỏ, việc đòi mua đồ dùng nho nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến tài chính gia đình nên cũng dễ dàng được đáp ứng.
Trong khi đó, vấn đề của tuổi mới lớn thường được nhắc đến hiện nay là xu hướng nổi loạn, đua đòi. Hình ảnh các em đến trường trong chiếc quần jean rách, chiếc áo hở hang theo mốt, đầu tóc kiểu cách kỳ lạ nhuộm đủ màu, hay phì phà khói thuốc, say sưa rượu bia đã gây nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, cũng như những giai đoạn phát triển khác, việc con đòi hỏi hay đua đòi là một thử thách dành cho cha mẹ trong việc nắm bắt tâm lý con trẻ và đưa ra những giải pháp phù hợp để có thể hạn chế nguy cơ xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Theo cô Nguyễn Ngân Hà, giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội) cho rằng, trẻ trong độ tuổi vị thành niên đang ở giai đoạn “người lớn không ra người lớn, trẻ em không ra trẻ em” nên không hiểu được chính bản thân mình, dễ sa đà vào những thói quen xấu hay có suy nghĩ lệch lạc.
Một số em thích thể hiện, chứng tỏ bản lĩnh. Trong khi một số em khác lại sợ bị cô lập, tẩy chay vì không đi theo phong cách nổi loạn, khác biệt của tập thể. Chính vì thế, tự bản thân các em vô tình kéo mình và bạn bè vào vòng sa ngã mà không hay.
Cô Hà cho rằng, dù gia đình có điều kiện về kinh tế, nhưng nếu cha mẹ cứ bận rộn công việc làm ăn thì con cái sẽ dễ lơ là việc học, thường xuyên tụ tập bạn bè để ăn chơi. Bởi trẻ đang muốn đi tìm sự chú ý và quan tâm từ những người khác khi không nhận được thương yêu đầy đủ ở chính gia đình mình.
“Ngoài sự nỗ lực của bản thân và gia đình trong việc nhìn nhận, thay đổi cách ứng xử với con, thì một môi trường học tập phù hợp cũng rất có giá trị để con rèn luyện tính tự giác”, cô Hà nhấn mạnh.
Theo cô giáo này, nếu trẻ cảm giác nội quy từ nhà đến trường đều quá cứng nhắc, nghiêm khắc thì chúng sẽ cảm thấy mệt mỏi và muốn nổi loạn. Thậm chí, những đứa trẻ “cầm đầu” còn được bạn bè tung hô và thán phục.
Ảnh minh họa ITN.
Trẻ cần có vai trò nhất định trong gia đình
Cha mẹ không thể chỉ áp dụng một giải pháp để giúp con thoát khỏi hội chứng đua đòi, nổi loạn được. Hãy xem đó là một hành trình dài với nhiều giải pháp phối hợp với nhau, để trẻ có thể phát triển và trưởng thành đúng cách.
Theo cô Nguyễn Ngân Hà, cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho con. Con trẻ ở lứa tuổi này thường có xu hướng cảm thấy cô đơn, nên chúng dễ rơi vào các mối quan hệ khác và bị cuốn vào vòng sa ngã. Do đó, người lớn hãy luôn dành sự quan tâm với trẻ, đừng để công việc quá bận rộn mà vô tình để con tự “bơi” trong thời điểm nhạy cảm tuổi dậy thì.
“Cha mẹ phải cho con cảm nhận được tình yêu thương của mình, để con luôn ghi nhớ đâu là tổ ấm đích thực, và những người thực sự quan tâm con là ai”, cô Hà nói và đồng thời đưa ra lời khuyên, hãy thường xuyên hỏi ý kiến con khi người lớn có dự định sắm sửa một thứ gì đó, gián tiếp cho con biết mình cũng có vai trò nhất định trong nhà.
Bên cạnh đó, khi con trẻ có hành vi bất ổn, đừng vội đưa ra những lời trách cứ hay trừng phạt, đặc biệt là không nên so sánh con với những đứa trẻ khác. Vì so sánh chỉ khiến con cảm thấy thua kém bạn bè, từ đó dễ hình thành tâm lý tự ti, không muốn cố gắng.
Thay vào đó, hãy động viên con sửa chữa những điều chưa tốt. Mỗi khi thấy con buồn bã, hãy lắng nghe tâm sự, cùng con phân tích vấn đề để tìm ra giải pháp.
Trách cứ hay trừng phạt sẽ không hiệu quả bằng việc trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cần thiết để ứng phó với bất ổn tuổi dậy thì. Bởi bạn không thể nào kiểm soát con suốt cả ngày, nên hãy để con chủ động vượt qua những cám dỗ đua đòi xung quanh mình.
Cô Hà đưa ra ví dụ như khi thấy con tập hút thuốc lá, đừng nên quát mắng và ép con hứa bỏ thuốc. Bởi có thể con sẽ vâng dạ trước mắt chỉ để làm vui lòng bạn thôi, rồi sau đó lại lén lút hút thuốc sau lưng bạn.
Hãy nhẹ nhàng tâm sự với con về những tác hại của thuốc lá như “Hút thuốc răng sẽ vàng, hơi thở bốc mùi, sẽ không được các bạn khác giới thích đâu”. Và chỉ cho con làm thế nào để từ chối khi bạn bè rủ rê mình hút thuốc. Làm như thế, con sẽ cảm nhận được bạn là “đồng minh” của mình và tự giác nghe theo lời khuyên của bạn để tránh những tác hại mà bạn đã nói cho con nghe.
Ngoài ra, giáo dục trong gia đình vẫn là chưa đủ, vì trẻ còn có thể bị tác động bởi các mối quan hệ bên ngoài. Nếu có thể, nên giữ liên hệ với bạn bè thân thiết của con để đảm bảo con không bị lôi kéo bởi nhóm người xấu. Nhưng vẫn phải đảm bảo con và bạn bè có không gian riêng tư chứ không phải là sự quản lý, theo dõi.
“Người lớn cũng nên nói chuyện để con hiểu rằng, nội quy nhà trường tuy nghiêm khắc, nhưng chỉ cần để ý thì con sẽ không vi phạm. Hơn nữa, việc đua đòi, gây chú ý hoặc nổi loạn bằng cách vi phạm nội quy sẽ chỉ khiến một nhóm bạn bè tung hô con nhất thời mà thôi”, cô Hà khuyên.