Một nữ sinh 15 tuổi chán nản đứng trên ban công tầng 4, bị mẹ tát vài cái. Ngày hôm sau em đã nhảy từ tầng cao xuống, kết thúc cuộc đời của mình.
Đó là bi kịch đau lòng đã xảy ra trong một gia đình ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) mới đây. Được biết, cô con gái bị trầm cảm nhưng không nhận được sự hỗ trợ của gia đình. Từ nhỏ em thông minh và hiếu học nhưng khi vào cấp hai, em dần trở nên lầm lì, chán nản và mất hứng thú với việc học. Triệu chứng trầm cảm của em ngày càng rõ ràng hơn.
Mẹ của nữ sinh là một bà nội trợ bình thường. Sau khi phát hiện con bị trầm cảm, bà cảm thấy bất lực và lo lắng. Dù đã nhiều lần cố gắng giao tiếp nhưng con luôn né tránh. Gia đình họ cũng không tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn kịp thời và không nhận ra rằng trầm cảm là một bệnh tâm thần nghiêm trọng cần được can thiệp và điều trị.
Một đêm nọ, bà mẹ thấy con đứng một mình trên ban công tầng 4, tim bà lập tức thắt lại. Lo lắng con sẽ làm điều gì đó dại dột nên bà vội vàng bước tới ôm con. Bỗng bà mẹ tát con vài cái, hy vọng có thể thức tỉnh, khiến con dừng lại sự bốc đồng này. Tuy nhiên, bà không nhận ra rằng hành động của mình sẽ càng khiến nỗi đau của con trở nên trầm trọng hơn.
Sáng sớm hôm sau, khi bà mẹ bước vào phòng con, phát hiện con đã không còn trên giường nữa. Tim bà chợt thắt lại, trực giác mách bảo rằng đã có chuyện không hay xảy ra. Bà vội vàng chạy lên ban công trên lầu thì phát hiện đứa trẻ đã đứng ở mép tầng trên cùng. Người mẹ hét lớn tên đứa trẻ nhưng đã quá muộn, con kiên quyết nhảy xuống.
Thảm kịch đã gây chấn động, cư dân mạng bày tỏ sự đau buồn trước cái chết của đứa trẻ. Đồng thời, nhiều người cũng cho rằng: Dù trong câu chuyện này, người đau khổ nhất là bà mẹ, thế nhưng, có thể bi kịch không xảy đến nếu gia đình quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần của con. Ở ban công tầng 4, nếu không phải là cái tát mà cách hành xử khác thì có lẽ sẽ có một kết cục khác.
Trầm cảm là một vấn đề ngày càng phổ biến, đặc biệt ở thanh thiếu niên. Trầm cảm ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em.
Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ về sức khỏe tâm thần và áp lực xã hội ngày càng gia tăng nên nhiều người hiểu lầm và bỏ qua. Họ cho rằng trầm cảm chỉ là tâm trạng chán nản có thể khắc phục dễ dàng, trong khi thực tế, đây là một căn bệnh tâm thần nghiêm trọng cần có sự can thiệp và điều trị của chuyên gia.
Trẻ trầm cảm không hình thành trong một ngày mà bị ảnh hưởng từ từ từng ngày một. Đáng sợ hơn nữa là nhiều cha mẹ coi nhẹ vấn đề tinh thần của con, cho rằng con "làm quá" để gây chú ý.
Các bậc phụ huynh không nên tạo áp lực cho con. Chỉ cần con nỗ lực hết sức thì điểm số dù thấp cũng là điều đáng quý, đáng trân trọng. Điểm số, thành tích không quan trọng bằng sự cố gắng phi thường của con. Vì thế, cha mẹ hãy đồng hành cùng con, nói cho con hiểu rằng điểm số không phải là điều quyết định tất cả. Điều này sẽ giúp trẻ duy trì được tâm trạng thoải mái, tích cực.
Cha mẹ nên phát hiện các triệu chứng trầm cảm của con càng sớm càng tốt và tìm kiếm sự tư vấn, điều trị tâm lý một cách kịp thời. Bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ cao nên được chuyển đến bệnh viện, điều trị nội trú bởi bác sĩ tâm thần nhi. Còn những bệnh nhân có các yếu tố bảo vệ và nguy cơ thấp (ví dụ, một gia đình gần gũi, ấm áp, hỗ trợ lẫn nhau...) có thể được điều trị ngoại trú.
Các thành viên trong gia đình nên học cách lắng nghe, quan tâm, thấu hiểu và hỗ trợ đầy đủ cho con cái. Đồng thời, nhà trường và xã hội cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục sức khỏe tâm thần để nhiều người hiểu về trầm cảm và biết cách giúp đỡ, hỗ trợ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.