Trở thành du học sinh: con phải có bản lĩnh tự lập thế nào?

(lamchame) - Sau khi tốt nghiệp cấp 3, nhiều học sinh lựa chọn du học là con đường tiếp theo phải đi trong cuộc đời mình. Du học tưởng như là con đường màu hồng, sự thật có phải như vậy?

Với nhiều bạn may mắn, gia đình có nguồn tài chính dồi dào cuộc sống du học có phần bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, với các bạn không có nhiều kinh phí, ngoài đi học nơi xứ người, các bạn còn phải lao vào làm thêm việc để có tiền trang trải học phí, chi phí sinh hoạt.

Du học sinh đón Tết ở nước ngoài. Ảnh: giadinhvietnam

Học xong cấp 3, ước mơ du học trở thành hiện thực

Trần Đức Thiêm (du học sinh Việt tại Hàn Quốc) quyết định du học Hàn Quốc dù số điểm thi THPT Quốc gia của Thiêm đạt ngoài sức tưởng tượng. Gia đình khuyên cậu học Đại học tại Việt Nam, nhưng với ước mơ du học ấp ủ bấy lâu, Thiêm vẫn quyết định sang Hàn Quốc học với niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Tháng 12/2017, ước mơ của Thiêm thành hiện thực.

Trong bức thư gửi cho cha mẹ sau 4 tháng du học nơi xứ người được chia sẻ trên mạng xã hội, Thiêm cho biết: “Chuyện gì đến rồi cũng đến, con đi học tiếng bập bẹ được đôi từ, chẳng hiểu một gì về đất nước họ mà con đã nhận lịch bay, cầm cuốn hộ chiếu trên tay nửa mừng nửa lo, mừng rằng con đã nhận được kết quả cuối cùng của con trên đoạn đường mới, lo là lo rằng bố mẹ ở nhà sẽ buồn sẽ nhớ con nhiều lắm…”.

Là con trai, Thiêm càng phải mạnh mẽ khi nhìn thấy hình ảnh bố mẹ khóc nhớ con. Cậu càng lo hơn khi nhiều ngày không thấy mẹ gọi điện hỏi thăm, linh tính mách bảo dường như nhà gặp chuyện. Sau đó, cậu mới biết bố phải nhập viện để mổ sỏi thật và gia đình vì muốn cậu không phải lo lắng nên đã giấu cậu. Biết tin, Thiêm bật khóc nức nở vì chẳng thể làm được gì ngoài những câu hỏi thăm, động viên, cầu chúc bố tai qua nạn khỏi. Cậu đang ở nơi xứ người.

Chấp nhận rời xa bố mẹ để du học nơi Hàn Quốc. Ảnh: Facebook nhân vật

Xin việc làm thêm sau 2 tháng nơi đất khách quê người

Vì sang học muộn, Thiêm phải học dồn trước kì nghỉ hè. Tháng 8 tới, cậu cần khoản tiền khoảng 70 triệu đồng tiền Việt để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt. Nỗi lo tiền bạc khiến Thiêm quyết định xin việc làm thêm, công việc cậu chọn là bốc vác.

Ngày thì học 6 tiếng, đêm về là lúc Thiêm lăn lộn trong công việc làm thêm. Gánh chịu những mệt mỏi từ áp lực học hành, công việc nhưng Thiêm không hề nhụt trí, cậu coi đó là động lực để mình phải phấn đấu hơn nữa. Thiêm chia sẻ: “Dẫu biết là du học khổ nhưng đây là con đường mình chọn, mình vẫn sẽ cố gắng vì tương lai vì gia đình nhỏ bé của mình, cuộc sống khó nói đâu ai biết được mai này, con còn bố còn mẹ còn gia đình thì con còn cố gắng”.

Bố mẹ à, con thương bố mẹ nhiều lắm!

Giống như Thiêm, Nguyễn Đình Thành (du học sinh Việt tại Nhật Bản) cũng có những nỗi niềm khi du học tại Nhật Bản.

Chia sẻ trên mạng xã hội, Thành cho biết: “Cuộc sống vất vả đến bữa cơm cũng chỉ tranh thủ nhồm nhoàm trên trường, có nhưng lúc vội chỉ mua cái bánh mì để vừa đi vừa ăn, nhiều lúc nghẹn ở cổ không nuốt được nhưng cố phải nuốt để đi làm kiếm tiền đóng trả học phí. Một ngày làm việc vất vả những đến bữa cơm cũng chẳng được ngon lành. Nên nhiều bạn sau khi sang Nhật có khi sút đến 4 -5kg..”.

Nghĩ đến khoản nợ khổng lồ mà gia đình phải vay mượn để chi trả cho Thành tại Nhật, những bữa cơm chỉ có mì tôm và vài cọng rau cũng trở nên bình thường với chàng trai trẻ.

“Những mệt mỏi mà con đang gánh chịu con chỉ muốn về với mẹ thôi. Con nhớ nhà nhớ gia đình lắm mẹ à..! Bố mẹ ở nhà giữ gìn sức khoẻ đợi con thành công trở về mẹ nhé!... Là một đứa con trai con khô khan chưa bao giờ con nói được với mẹ một câu tình cảm trọn vẹn trước bố mẹ. Nhưng bố mẹ à con thương bố mẹ nhiều lắm...!”.

Rõ ràng khi lựa chọn con đường du học, chỉ học giỏi thôi chưa đủ, du học sinh còn phải có tính tự lập và bản lĩnh đương đầu với mọi khó khăn khi chỉ có một mình nơi xứ người.

Du học sinh luôn nhận được lời động viên từ bạn bè, người thân

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU