Từ những vụ yêu nhanh cưới vội rồi tan vỡ cũng ngay sau đó, 3 câu hỏi cần trả lời được trước khi cưới để tránh ly hôn

Câu chuyện của những cặp bạn trẻ quyết định cưới chỉ sau 18 ngày hẹn hò ở Phú Thọ hay sau 20 ngày yêu ở Bắc Giang đang gây nhiều chú ý vì “yêu nhanh cưới vội”. Đây không còn là điều xa lạ hay bất ngờ gì nhưng để tránh bi kịch hôn nhân, chuyên gia cho rằng bạn nên biết điều này.

Ngày càng nhiều bạn trẻ yêu nhanh cưới vội

Mới đây, cộng đồng mạng đã rất quan tâm đến câu chuyện tình yêu của cặp đôi ở Phú Thọ đã quyết định cưới chỉ sau 18 ngày hẹn hò. Được biết, đây là cặp đôi chú rể N. N.C. (SN 1998) và cô dâu là H. K. H, Sn 2000. Nhà hai người chỉ cách nhau 5km và đã quen nhau từ trước. Bởi vậy, họ quyết định đăng ký kết hôn và đám cưới sớm chỉ sau 18 ngày hẹn hò. Nhưng chỉ ít ngày sau, dân mạng đã được phen xôn xao khi cô dâu quyết định hủy hôn ngay trước giờ đón dâu.

Ngay sau cặp đôi này, cặp đôi Bắc Giang quyết định kết hôn chỉ sau 20 ngày hẹn hò cũng nhận được nhiều sự chú ý của nhiều người. Cặp đôi ở bắc Giang này tính chuyện cưới xin sau 20 ngày yêu khi về ra mắt gia đình, đăng ký kết hôn sau 40 ngày và tổ chức lễ ăn hỏi sau hơn 2 tháng. Chuyện "yêu nhanh cưới vội" của cặp đôi cũng vấp phải nhiều bàn tán song cả hai khẳng định rằng khi gặp đúng người, kết hôn sớm hay muộn không quan trọng.

Những chuyện tình yêu nhanh cưới vội như những cặp đôi này không phải là hiếm. Thế nhưng, không ít những cặp gặp phải những bi kịch hôn nhân sau đó không bao lâu. Như cặp đôi ở Phú Thọ cũng đã có thể thấy việc yêu chớp nhoáng của giới trẻ đã để lại những hậu quả đáng tiếc.

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, chuyện yêu nhanh cưới vội không còn xa lạ gì. Các bạn trẻ hiện nay rất dễ quen, dễ yêu và dễ quan hệ… Cái gì nhanh không hẳn đã tốt. Hôn nhân càng cần phải cân nhắc, suy nghĩ thật kĩ trước khi tiến đến gắn kết với nhau. Nhiều bạn trẻ khi bước vào cuộc sống chung không có sự chuẩn bị đối mặt với những khó khăn. Khi về sống chung có những va chạm liền chọn giải pháp tiêu cực là li hôn, lí do đưa ra phần nhiều vì "không hợp nhau".

Thực tế, không hẳn mọi đám cưới bắt nguồn từ những cuộc tình vội vã đều kết thúc bằng sự giải quyết tại tòa án. Nhưng không hiếm cặp vợ chồng trẻ chỉ thời gian ngắn chung sống đã vội đưa nhau ra tòa để lại sự hối hận. Thường thì điều này rơi vào những cặp đôi chóng vánh tìm hiểu, yêu đương khi về sống với nhau không như ý muốn. Bởi không tìm hiểu kĩ được "nửa kia" của mình và vội vàng chấp nhận, về sống chung bất đồng dễ xảy ra.

Trao đổi với phóng viên báo Gia đình và Xã hội, chuyên gia tâm lý Hồng Hương cũng cho rằng, yêu nhanh cưới vội vẫn đâu đó diễn ra, không phải cặp yêu nhanh cưới vội nào cũng tan vỡ, và không phải cặp yêu mãi mới cưới thì bền vững.

Vì hôn nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đương nhiên yếu tố quan trọng nhất là sự đồng điệu về mặt tâm hồn, yếu tố nữa là ham muốn về thể xác hay là vấn đề tình dục cũng là yếu tố quan trọng. Ba là vấn đề ngưỡng mộ nhau. Ba yếu tố này như cái kiềng ba chân. Nó phải đồng thời diễn ra.

Khi yêu nhanh cưới vội, dường như các cặp đôi thường chỉ có một trong 3, hai trong ba… Và khi về sống với nhau giả sử yếu tố ngưỡng mộ không có, sinh ra không còn tôn trọng nhau. Không còn tôn trọng nhau nữa thì đương nhiên lâu dần nó ảnh hưởng tới chất lượng phòng the và những chia sẻ thấu cảm mỗi ngày.

Yêu bao nhiêu lâu thì cưới?

Hôn nhân không phải trò đùa, nó là cuộc đời thứ hai của con người. "Nhiều năm làm vấn đề gia đình, tư vấn hôn nhân tôi thấy rằng nỗi đau lớn nhất của đời người nếu có nó thuộc về những nỗi đau trong hôn nhân. Bởi vậy các cặp đôi muốn cưới nhau nhất định phải có tư duy đúng về hôn nhân, có kiến thức đúng về hôn nhân, kĩ năng ứng xử trong hôn nhân cả khi duy trì hạnh phúc lẫn khi có những sóng gió xảy đến. Ngoài ra, cần lắm sự hỗ trợ tích cực từ phía những người được tin tưởng có ảnh hưởngng tới cặp đôi.

Bây giờ cuộc sống tinh thần cũng được quan tâm đúng mực dần nên đã cưới nhau rồi thì nên tham gia khoá huấn luyện về hôn nhân vì thông thường hôn nhân có giữ gìn hạnh phúc được hay không phần nhiều lại là do các cặp đôi có sẵn sàng tinh thần dám sửa chữa nó khi nó có vấn đề. Nếu cả hai cùng có ý thức vun vén thì những rào cản do chưa đủ hiểu nhau, chưa đủ hoà hợp cũng sẽ được giải quyết" – chuyên gia tâm lý Hồng Hương nói.

Để quyết định chọn một ai đó để kết hôn tránh những tổn thương về tinh thần, chuyên gia tâm lý cho rằng, trong việc chọn đối tượng để xây dựng hạnh phúc bạn cần có "màng lọc". Điều này cần có thời gian để tìm hiểu kỹ đối tượng của mình từ gia cảnh, lối sống, tính cách… và có kế hoạch về điều kiện kinh tế để nuôi sống gia đình. Bạn cần chọn người đúng hệ giá trị của mình, có sự đồng cảm, đồng điệu trong tâm hồn.

Khi yêu nhanh, cưới vội sẽ khó cho chúng ta đủ thời gian để "tìm hiểu" kĩ càng những điều này. Về sống chung không có sự đồng điệu, hai người dần sẽ chán nhau và hôn nhân dần trở nên nguội lạnh. Và kinh tế không có, nguy cơ đổ vỡ hôn nhân chỉ là điều sớm muộn.

Hiện có tình trạng nhiều bạn trẻ quyết định yêu nhanh, cưới vội sau khi đổ vỡ trong tình yêu. Họ vội vàng chấp nhận cưới người khác mong lấp đầy khoảng trống cô độc sau đổ vỡ đó. Chuyên gia tâm lý cho rằng, sau chia tay yêu vội không nên và càng sai lầm khi cưới nhanh sau đổ vỡ vì những quyết định đó được đưa ra do cảm xúc chi phối.

Đừng nghĩ gia đình phá đi là lập tức có thể xây dựng lại được vì dù có xây lại đi nữa, hậu quả vẫn còn. Vết sẹo trong tâm hồn, tâm trí sẽ theo bạn. Nền tảng quan trọng cần có trong hôn nhân là cả quá trình yêu, thấu hiểu, chấp nhận và trách nhiệm với nhau. Nếu ngay khi yêu vội cưới nhanh chỉ vì lấp khoảng trống, hôn nhân rất nhanh chóng rơi vào hố sâu của khủng hoảng. Bạn cần cho mình thời gian để biết cách chọn đúng người, đúng thời điểm.

3 câu hỏi cơ bản nên đặt ra trước khi quyết định cưới

Để biết là mình đã lựa chọn đúng người hay chưa trước khi quyết định cưới dù nhanh hay chậm, chuyên gia tâm lý cho rằng bạn nên đặt ra câu hỏi cho mình, chẳng hạn như:

+ Khuyết điểm của họ và mình có chịu đựng được không?

"Non sông dễ đổi, bản tính khó dời" – con người ta chẳng dễ gì thay đổi được thói xấu, khuyết điểm nên cần phải hỏi, nhìn nhận xem đối phương có những khuyết điểm. Những khuyết điểm đó mình chịu đựng được hay không? Đừng nghĩ rằng sau khi kết hôn về sẽ uốn nắn được chồng/ vợ về những thói quen, tính cách. Nếu thấy một số tư tưởng, hành vi của anh ấy/ cô ấy thực sự không chịu nổi thì nên nghĩ lại?

+ Nhìn nhận về tiền nong có thống nhất với mình không?

Khi là vợ chồng có bất đồng về quan niệm giá trị, cách dùng tiền sẽ sinh ra vấn đề. Bởi vậy cần đặt câu hỏi, chú ý về cách dùng tiền của chồng/ vợ tương lai của mình xem có hợp với mình không?.

+ Quan điểm ước vọng tương lai ra sao?

Trước khi yêu nhau, hai người có mong ước và kế hoạch sống khác nhau là bình thường, nhưng khi muốn kết hôn cần phải có một mục tiêu chung. Bạn cần hỏi xem đối phương có mục tiêu gì. Hôn nhân cơ bản thành công khi hai người đồng điệu tâm hồn. Điều đó sẽ giúp vợ chồng gắn kết, dàn xếp, giải quyết bất đồng ổn thỏa nếu xảy ra.

 

Link bài gốc

Theo Tri Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU