Bốn người trong một gia đình thuộc địa bàn TP.Vinh được đưa đến bệnh viện trong tình trạng khó thở, tức ngực, rối loạn ý thức,… Các bệnh nhân gồm ông N.C.T (75 tuổi), bà V.T.T(70 tuổi, vợ ông T.) chị N.T.T.N (35 tuổi, con gái ông T.) và bé sơ sinh (con chị N.). Trong đó, ông T. đã tử vong trước khi kịp đưa đến bệnh viện. Các bệnh nhân còn lại được chẩn đoán ngộ độc khí than, kết quả kiểm tra cho thấy chỉ số oxy trong máu thấp, nồng độ cacbon monoxit (CO) cao. Bệnh viện đã nhanh chóng sơ cứu, cho bệnh nhân thở oxy, truyền dịch để ổn định rồi chuân bị chuyển lên tuyến trên để điều trị tiếp. Theo thông tin cho biết, cả nhà ông T. bị ngộ độc than nguyên nhân là do mùa đông trời lạnh, mọi người đốt than để sưởi ấm.
Đây không phải lần đầu tiên có người tử vong do đốt than sưởi. Vào 12/2015 cũng xảy ra một tai nạn đau lòng tương tự trên địa bàn tình Quảng Nam. Đốt than sưởi đã khiến một cháu bé một tuổi tử vong, cha mẹ thì rơi vào trạng thái nguy kịch. Đến hôm sau, khi mọi người phát giác ra sự việc thì đã quá muộn, bệnh viện không cứu được cháu bé do em hít phải lượng CO quá lớn trong thời gian dài.
Tại Nghệ An vào năm 2014 đã từng gây “xôn xao” cộng đồng mạng khi một bà mẹ bị ngộ độc khí than, rồi đánh rơi đứa con sơ sinh đang bế trên tay vào nồi than đỏ.
Vào mùa đông, thời tiết lạnh giá, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để trang bị các thiết bị sưởi ấm an toàn và hiệu quả. Các gia đình có mức thu nhập từ trung bình đến thấp thường chọn cách đốt than, củi,… để lấy nhiệt sưởi ấm. Đây được cho là phương pháp sưởi ấm hiệu quả, nhanh chóng lại giá rẻ nên được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, có rất nhiều hiểm họa từ việc sưởi ấm bằng cách đốt than này.
Vào mùa đông, thời tiết lạnh giá, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để trang bị các thiết bị sưởi ấm an toàn và hiệu quả. |
Theo bà Phạm Phương Thảo, giảng viên Hóa học khoa Môi trường, ĐH Tài nguyên Môi Trường Hà Nội cho biết, khi than bị đốt cháy trong môi trường yếm khí sẽ hình thành nên khí CO và CO2 vô cùng độc hại đối với sức khỏe con người. Đặc biệt khí CO không màu, không mùi nên người hít phải sẽ khó nhận biết được mình đang ngộ độc phải khí than, và dần lịm vào vô thức. Hai loại khí độc này nhẹ thì có thể tổn thương đến hệ hô hấp, hệ thần kinh, nặng thì có khả năng gây tử vong.
Các chuyên gia cũng khuyên mọi người nên hạn chế tối đa sử dụng than, củi để sưởi ấm, đặc biệt là trong môi trường yếm khí. Nếu bắt buộc phải sử dụng đến biện pháp này, thì lời khuyên được đưa ra chính là:
- Tuyệt đối không đốt than trong phòng kín, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ. Ở người già và trẻ nhỏ, hệ hô hấp không hoàn thiện nên rất dễ gặp các vấn đề về đường thở.
- Nếu gặp trường hợp “bất khả kháng” như thời tiết quá lạnh thì cũng chỉ nên đốt than để làm ấm phòng trong khoảng 1 tiếng, tuyệt đối không được sưởi ấm qua đêm. Lưu ý trong thời gian đốt than làm ấm phòng, không nên vào phòng. Sau khi ngưng đốt than, nên mở cửa cho thoáng khí, chờ một thời gian rồi mới vào phòng.
- Không đặt nồi than gần các vật liệu dễ bắt lửa và xa tầm với của trẻ em.