Vụ việc xảy ra tại trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Trong giờ học, một học sinh trong lớp 6.2 tố em H.L.N nói tục. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, dạy toán và công nghệ của lớp đã bắt 23 bạn trong lớp mỗi bạn tát 10 cái vào mặt em N. Ai tát nhẹ sẽ phải tát lại. Đến khi các bạn tát xong là 230 cái, N. đau quá nói "em ghét cô" thì bị cô Thủy tát thêm cái nữa. Tổng cộng em N bị tát 231. Đáng nói, sau vụ việc cô giáo Thủy đã thanh minh rằng, biết rõ việc mình làm là sai nhưng vì “áp lực thành tích”?!
Sau khi vụ việc được đăng tải trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội cũng được hâm nóng bởi chủ đề này. Rất nhiều phụ huynh, cư dân mạng tỏ ra bức xúc cho hành động không thể chấp nhận này của cô giáo. Bên cạnh phê phán cô giáo, nhiều ý kiến cho rằng các em học sinh trong lớp cũng đáng trách, nói lớn ra thì nền giáo dục đáng trách. Bởi đang tạo ra một thế hệ cào bằng, tạo ra những đứa trẻ sợ sệt, dễ dàng thỏa hiệp với mệnh lệnh, với cái xấu.
Anh Đỗ Tiến Đạt, một phụ huynh có con đang học lớp 3 ở TPHCM vô cùng bức xúc: “Cô giáo sai, cô giáo xấu, đình chỉ kỷ luật là chuyện cá nhân. Vấn đề gốc ở đây là tại sao có đến 23 em học sinh tát vào mặt bạn mà không một em nào phản ứng? Các em đã học đến cấp 2, đủ ý thức được việc tát vào mặt mặt bạn liên tục như thế là sai trái, khiến bạn tổn thương. Các nhà trường có bao giờ dạy cho bọn trẻ kỹ năng phản biện, chống lại cái xấu, cái ác chưa vậy?”.
Nên tạo điều kiện để trẻ bày tỏ ý kiến cá nhân và tôn trọng quan điểm đó (ảnh Thanh niên) |
Cũng bày tỏ sự bức xúc của mình lên trang cá nhân, anh Anh Tuấn cho rằng, ở nước ta, việc giáo dục ở nhà trường hầu như chỉ chú trọng truyền giảng kiến thức mà chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy khả năng phản biện cho học sinh. Anh Tuấn dẫn chứng: “Trong khi các nền giáo dục phát triển luôn khuyến khích trẻ suy nghĩ đa chiều, xem xét mọi khía cạnh để tìm ra chân lý chứ không dễ dàng chấp nhận mọi ý kiến ngay từ ban đầu. Thầy cô khuyến khích các em phát biểu, nói ra ý kiến cá nhân và bảo vệ luận điểm đó. Còn giáo dục của mình thì sao? Thầy đọc, trò chép, em nào phát biểu hơi lạ thì bị các em khác chọc quê. Tôi nhớ ngay từ mẫu giáo chúng ta đã không cho phép con em chúng ta có cơ hội phản biện. Các thầy cô thì triệt tiêu suy nghĩ khác định hướng của trẻ”.
“Giáo dục cần lấy học sinh làm trọng tâm chứ không nên lấy thành tích của lớp, trường mà gây áp lực lên thầy cô giáo! Tôi không ủng hộ hành động của cô giáo Thủy, nhưng cả ngành giáo dục phải xem xét lại”. chị Đức Hạnh bày tỏ.
Là một giáo viên dạy văn ở TPHCM, cô Trần Thanh Hà chân thành chia sẻ: “Hiện nay, khối lượng kiến thức các em phải tiếp nhận quá lớn, thời gian giảng dạy trên lớp không đủ để truyền tải lượng kiến thức lớn đó. Thật hiếm khi, cô trò mới có được một buổi thần trao đổi, tâm sự với nhau. Còn những buổi sinh hoạt ngoại khóa không khí vẫn còn quá nghiêm túc, học sinh chưa thực sự cởi mở được”.
Một giờ học thoải mái và hứng khởi của học trò theo chương trình giáo dục Phần Lan (ảnh T.A) |
Trong giáo dục, vụ việc 231 cái tát thực sự nổi cộm và choáng váng. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, nên đưa vấn đề này vào đề học sinh bàn luận và bày tỏ quan điểm. Trước đó, nhiều thầy cô và chuyên gia giáo dục cũng đã đề cập đến việc đưa kỹ năng tư duy phản biện cho học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện còn quá khó khăn, đặc biệt là ở một nền giáo dục còn quá cứng nhắc như hiện nay.