Từ vụ ngao Tạng cắn chết bé 8 tháng: Những việc bố mẹ cần chú ý khi nuôi chó trong nhà

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tại Hà Nội có hơn 6.900 người bị chó cắn được báo cáo đến các cơ sở y tế. 

Việc bé gái 8 tháng tuổi (Hà Nội) bị chó ngao nặng 40 kg được gia đình nuôi cắn tử vong khiến nhiều người bàng hoàng. Song đây không phải là trường hợp hiếm gặp, nó xảy ra phổ biến đến mức các bệnh viên liên tục tiếp nhận trẻ vì lý do này.

Giữa tháng 5, một bé trai 2 tuổi ở Hà Nội bị chó nhà cắn. Trẻ nhập viện trong tình trạng kích thích, đau, hoảng sợ. Trên mặt cháu có vết cắn hở, xuyên thấu má. Người nhà cho biết con chó thủ phạm đã được tiêm phòng trước đó. Tuy nhiên, sau khi cắn trẻ, con chó chết. Em bé lập tức được tiêm văcxin phòng bệnh dại.

Giữa tháng 4, một bé trai 2 tháng tuổi ở Nghệ An cũng bị chó cắn khi đang ngủ trên võng. Người mẹ kể lại, bé nằm ngủ một mình trên võng trong khi mẹ nấu ăn ở bếp. Đột nhiên chị nghe tiếng con khóc thét, chạy đến thì phát hiện con chó nhà nuôi đang cắn bé. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật cấp cứu để ngăn máu chảy và khâu các vết thương. 

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tại Hà Nội có hơn 6.900 người bị chó cắn được báo cáo đến các cơ sở y tế. 

Bé hai tháng tuổi ở Nghệ An bị chó cắn khi đang nằm ngủ trên võng. Ảnh: L.N

Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi bị chó tấn công. Có bệnh nhi bị chó cắn đứt cả khí quản, có bé phải khâu 200 mũi, người nhà phải chiến đấu với chó mới cứu được con. 

Nhiều trẻ may mắn được cấp cứu kịp thời, giữ được mạng sống, nhưng cũng không ít trường hợp phải thiệt mạng. Cuối tháng 5, chỉ trong một tuần, bệnh viện Nhi Trung Ương tiếp nhận 2 bé lên cơn dại và không thể chữa được. Trong đó, một bé trai 12 tuổi người Mường ở Hòa Bình, chó nuôi ở nhà chết nhưng gia đình không nghĩ do bệnh dại. Người nhà cũng không biết chó dại cắn con mình vào lúc nào, đến khi bé có biểu hiện thất thường mới đi viện thì đã muộn.

Bệnh nhi thứ hai là bé trai 12 tuổi ở Sơn La, tử vong chỉ sau nửa ngày nhập viện. Gia đình nuôi một chó mẹ và đàn chó con. Chó mẹ có biểu hiện ốm nên gia đình bán đi, giữ lại đàn chó con. Khi chăm sóc chó con, cậu bé bị chó cắn vào tay nhưng không báo với người nhà cho đến khi phát bệnh dại.

Năm năm qua, mỗi năm Việt Nam có đến 300 ca tử vong do bệnh truyền nhiễm thì đến một phần ba là vì bệnh dại. Đầu tháng 6, một nữ bác sĩ thú y ở Phú Thọ cũng tử vong do bệnh này. Trong lúc chữa bệnh cho con chó ốm, bác sĩ 24 tuổi bị nó cắn vào bàn tay phải. Cho rằng chó bị bệnh đường hô hấp, cô chỉ sơ cứu, rửa vết thương, sát trùng và băng lại. Bốn ngày sau, con chó chết. Cô vẫn không tiêm văcxin phòng dại cho mình. Sau vài ngày đau nhức chân tay, khó thở, bác sĩ đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng tử vong ngay sau đó. Tất cả các y bác sĩ đều hiểu rằng một khi bệnh nhân đã lên cơn dại thì điều chờ đợi chỉ là cái chết.

Không chỉ chịu đau đớn về thể xác, nhiều người còn bị ám ảnh tâm lý sau khi bị chó cắn. Cuối năm ngoái, Lan Anh, 18 tuổi (Bắc Ninh) bị chó cắn và tiêm phòng dại. Kể từ đó, cô gái này bị ám ảnh. 

"Mỗi lần em chạy ngang qua một con chó nào đó ngoài đường, dù có bị đau hay không thì về nhà em cũng kiểm tra vì nghĩ bị chó cắn. Có khi là những vết thương cũ trên chân mà em cũng sợ là bị chó cắn nên lại đi tiêm nữa. Xung quanh nhà em rất nhiều chó, em cũng hay kiểm tra chân của mẹ em, khi em thấy chân mẹ em có xước hay vết gì đó là em hoảng sợ và nghĩ ngay đến chó", cô gái chia sẻ.

Tiêm văcxin ngừa dại tại Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM. Ảnh: Yteduphong.

Phải tiêm vaccine 

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, chó bị dại sẽ có những sự thay đổi trong hành vi như cắm đầu cắm cổ chạy không có nguyên nhân, chui rúc vào chỗ tối, hoảng sợ, né tránh, cắn khi không bị trêu chọc, tiết nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép, vì đói nên con vật có thể nhai mọi thứ, nhiều con bị liệt hai chân nên đi vòng tròn…

Người bị chó cắn nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng. Hiện văcxin phòng dại thế hệ mới gần như không gây tác dụng phụ nghiêm trọng, người dân có thể yên tâm điều trị. 

Dại là bệnh lây từ động vật sang người. Bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được. Người bị chó dại cắn mà được tiêm phòng đúng phác đồ thì tránh được tử vong. Khi bệnh dại khởi phát, cơ hội sống của bệnh nhân sẽ không còn.

Bệnh dại xảy ra vào tất cả các tháng trong năm tại nước ta, nhưng thường gia tăng vào mùa hè. Thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất là nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người đến vài năm. Thời gian phát bệnh phụ thuộc vào vị trí bị chó cắn, càng gần thần kinh trung ương càng phát bệnh nhanh. Vì thế, những người bị chó cắn ở vùng đầu mặt cổ thì cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12h sau khi bị cắn.

Trường hợp biết chính xác con chó bị dại, ốm hoặc chó cắn xong một ngày thì chết, nạn nhân thuộc nhóm nguy cơ cao cần tiêm huyết thanh trước, sau đó tiêm văcxin phòng dại. Tiêm huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào cơ thể để trung hòa virus dại, còn văcxin nhằm củng cố miễn dịch lâu dài về sau.

Khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn... Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 42 ca bệnh dại. Việt Nam đặt mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2020. 

Ý thức người nuôi

Tình trạng chó cắn người gây thương tích và lan truyền bệnh dại có nguyên nhân chủ yếu do ý thức người nuôi, theo các bác sĩ. Tình trạng thả rông và không rọ mõm thú là điều gây nhiều bức xúc nhất. 

"Chó, mèo thả rông gây tai nạn nguy hiểm. Người lái xe gắn máy va phải chó chạy rông bị ngã xuống đường còn chấn thương, có thể dẫn tới tử vong", anh Trần Duy Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), nói. 

Chị Nguyễn Hương ở Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ: "Tôi rất bức xúc với những nhà nuôi chó nhưng thả rông ngoài đường, hoặc dắt chó không rọ mõm, cho chó đi vệ sinh lung tung… Nhiều người thậm chí còn bị chó chạy rông cắn".

Tuần này, Phó chủ tịch quận 1 (TP HCM) Đoàn Ngọc Hải vừa yêu cầu lãnh đạo 10 phường và các lực lượng chức năng xử lý tình trạng người dân thả rông chó, gây ảnh hưởng an toàn giao thông, làm mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường... ở các chung cư, đường phố ở khu trung tâm Sài Gòn.

Theo nghị định ban hành năm ngoái, nếu người chủ không đeo rọ mõm cho chó, không tiêm phòng, buộc xích khi đưa ra nơi công cộng, sẽ bị phạt 600.000-800.000 đồng. Vi phạm cả hai trường hợp thì bị phạt 1,6 triệu đồng. 

Theo suckhoe.vnexpress.net

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU