Cậu bé Tôm được thoả sức sáng tạo với đam mê của bản thân.
Buồn cười. Ông Kẹ chỉ được cái to mồm chứ thực tế không dám đánh con. Chính xác thì ông xã chỉ duy nhất đánh con mỗi đứa một lần rồi sau đó sợ chết khiếp có cho kẹo cũng không bao giờ dám đánh con lần 2.
Số là một lần Tôm hư, bị bố đánh. Con vốn được bố mẹ rất chiều, chưa bao giờ bị đánh. Lần ấy bị bố đánh, Tôm sững sờ, ngạc nhiên, uất ức đến nỗi khóc nghẹn, nấc liên hồi, không thở được, mặt tím tái, suýt phải đưa đi viện. Anh bố bị một phen sợ xanh mắt, không bao giờ lặp lại lần 2.
Còn Gấu cũng bị bố đánh 1 lần hồi học lớp 6. Mình đi họp phụ huynh về vô tâm kể cho chồng nghe chuyện con không được học sinh giỏi chỉ được học sinh tiên tiến, bị ghi sổ đầu bài, bị viết bản kiểm điểm...
Anh bố nổi giận lôi đình, đem con ra đánh. Mình ân hận và thương con vô cùng. Mình để bố đánh con vài cái rồi đứng ra chặn lại, không cho đánh con nữa. Và từ đấy về sau mình nhận trách nhiệm nuôi dạy hai con, không để chồng tham gia vào nữa. Anh bố bị truất quyền.
Tuy không đánh con nhưng ông xã rất có uy với con nên mình dùng ông xã làm Ông Kẹ. Phải có người rắn kẻ mềm, cân bằng âm dương mới hiệu quả. Trường hợp Ông Kẹ chưa có đủ uy tín thì phải tạo ra thôi.
Roi chưa đánh mới là roi đáng sợ. Đánh rồi, biết rồi thì không sợ nữa, mình nghĩ thế. Các bảo bối của mình có may mắn là ít phải dùng thường xuyên. Và nó là một sự phối hợp hiệu quả.
''Mình muốn khẳng định là: dù không đánh, không chửi mắng con nhưng vẫn có thể dạy con nên người và làm cho con hạnh phúc'', bà mẹ trẻ nhấn mạnh.