Một vài ngày trước, trên một diễn đàn dành cho các phụ huynh có con nhỏ, một bà mẹ đã chia sẻ câu chuyện của mình và xin tư vấn: Người hàng xóm vốn dĩ rất thích con gái của cô, mỗi lần nhìn thấy sẽ ôm cháu. Điều này vốn rất ấm áp, nhưng thỉnh thoảng cô sẽ nói với đứa trẻ: “Mẹ không cần con đâu, theo dì về nhà đi!”.
Mặc dù biết đây chỉ là một trò đùa, nhưng người mẹ cho biết mình rất không thoải mái mỗi khi nghe nó. Cô muốn khuyên hàng xóm không nên nói những lời như vậy nhưng sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ gần gũi; Nếu không nói, cô lo lắng đứa nhỏ không có cảm giác an toàn...
Đối mặt với một câu hỏi "khó xử" như vậy, câu trả lời của các phụ huynh khác đều thống nhất là: Cần nói thẳng. Trong tình huống này, sức khỏe tinh thần của con mới là điều đáng quan tâm. Trẻ còn nhỏ, không có năng lực phân biệt thật giả, càng khó có thể ngăn cản cảm xúc thương tổn. Khi bạn do dự, người nhận hậu quả sẽ là con mình. Bởi với một đứa trẻ, cụm từ "mẹ không muốn con" không khác gì "bầu trời sụp đổ".
Bill Gates đã từng nói: "Ưu tiên hàng đầu của tôi để giáo dục trẻ em là cung cấp cho trẻ em một cảm giác an toàn". Sự phát triển của trẻ em giống như xây dựng các tòa nhà cao tầng, cảm giác an toàn là nền tảng, nền móng càng vững chắc, tòa nhà có thể được xây dựng càng cao.
Để làm cho trẻ cảm thấy an toàn, 5 thời điểm quan trọng này cha mẹ phải chú ý.
1. Khi chia tay với mẹ
Con trai của chị Khuê Mật (Trung Quốc) - Nhạc Nhạc vốn là một đứa trẻ ngoan ngoãn đáng yêu, nhưng từ khi lên mẫu giáo, tính tình liền trở nên nóng nảy. Mãi đến một lần nói chuyện phiếm trước khi đi ngủ, người mẹ mới biết được nguyên nhân.
Nhạc Nhạc rất nghiêm túc hỏi: "Mẹ, tại sao mẹ lại đưa con đi mẫu giáo, mẹ không yêu con sao?". Nhìn khuôn mặt nhỏ bé tức giận của con, cô đột nhiên cảm thấy rất đau lòng, ôm chặt lấy và nói: "Nhạc Nhạc, mẹ yêu con!". Thật bất ngờ, đứa trẻ từ từ ngừng khóc, cũng đưa tay ra ôm mẹ: "Mẹ ơi, con cũng yêu mẹ".
Thì ra sự thay đổi của Nhạc Nhạc là vì cảm thấy mẹ bỏ rơi mình, ném con vào trường mẫu giáo xa lạ, cho nên bé vừa sợ hãi vừa lo lắng.
Đứa trẻ đến thế giới này, người đầu tiên phụ thuộc là mẹ, đó là nguồn gốc của tất cả các cảm giác an toàn của chúng. Đứa trẻ lớn lên từng ngày, cuối cùng sẽ rời khỏi cha mẹ từng chút một. Hãy cho con biết con được yêu thương, sẽ không bao giờ bị bỏ rơi, để có thể yên tâm rời khỏi vòng tay của mẹ, khám phá thế giới lớn hơn.
2. Khi mất đi những thứ yêu thích
Trong chương trình tạp kỹ "Nghĩ cách đi, bố ơi", bé Lucky - con của nữ diễn viên Thích Vy có một quả trứng đồ chơi yêu thích nhưng lại vô tình làm rơi lúc lên máy bay. Cô bé bối rối rồi òa khóc. Biết món đồ quan trọng với con gái, người cha an ủi con rồi trở lại sân bay và cuối cùng tìm thấy nó với sự giúp đỡ của nhân viên mặt đất và cảnh sát.
Từ đầu đến cuối, anh không nói một câu trách cứ đứa nhỏ, cũng không an ủi qua loa mà là tích cực nghĩ biện pháp. Trong suốt sự việc, người cha cho thấy sự khoan dung, hiểu biết và hỗ trợ của một người cha đối với con cái của mình, mang lại cho con cảm giác an toàn lớn nhất trong sự phát triển của đứa trẻ.
Mặc dù không nhất thiết làm mọi cách lấy lại đồ cho con, nhưng điều quan trọng trong trường hợp này đó là đừng phủ nhận cảm xúc của trẻ. Nhiều phụ huynh sẽ nghĩ, "Tại sao bạn lại làm quá đến vậy?"; "Không phải là một món đồ chơi sao? Cùng lắm thì tôi sẽ mua cho con một cái khác". Cách tiếp cận như vậy sẽ chỉ làm cho trẻ em cảm thấy rằng người lớn không coi trọng bản thân và cảm thấy sự "phản bội" của cha mẹ.
Đừng bao giờ nói với trẻ những câu như: "Đừng có khóc nữa, chính con làm mất đồ chơi. Giờ còn ngồi ăn vạ!". Ức chế cảm xúc là một điều tiêu cực có thể dẫn đến các chứng bệnh về thần kinh và tâm thần. Một đứa trẻ có quyền tức giận, đau buồn và khóc. Vì vậy, thay vì đưa ra những lời cấm đoán, bạn nên dạy trẻ biết cách diễn đạt cảm xúc của mình.
3. Khi vô tình phạm sai lầm
Có một video về cậu bé ở nước ngoài bước lên ghế để lấy chuối trong bát trên bàn, nhưng vô tình bị ngã. Không những chuối không lấy được mà chiếc bát cũng bị vỡ. Cậu bé sợ hãi, ngay lập tức giải thích khi thấy bố đến: "Con không cố ý".
Người cha xót con, nhưng cũng không thể không nói cho con biết, bát bị đập vỡ không phải là bát bình thường mà là quà của bà nội đã qua đời tặng cho mẹ. Cậu bé càng căng thẳng hơn, người cha an ủi: "Đừng lo lắng, chúng ta hãy suy nghĩ về cách giải thích!".
Đứa trẻ đề xuất: Mua một cái bát mới. Vì vậy, họ đã đi đến siêu thị, nhưng tìm kiếm các kệ cũng không tìm thấy một bát giống hệt nào, cuối cùng đã phải mua một cái tương tự. Cậu bé vừa lấy bát để rời đi, người cha đưa ra lời khuyên: "Chúng ta có nên mua thêm một món quà yêu thích cho mẹ để bù đắp không?". Cậu bé mỉm cười và gật đầu.
Trở về nhà, đứa trẻ thấp thỏm xin lỗi, đưa bát mới và quà tặng bổ sung cho mẹ. Nhìn sắc mặt mẹ từ bực bội chuyển sang bình tĩnh, cuối cùng tươi cười, tảng đá lớn trong lòng cậu bé cũng rơi xuống đất.
Trong thực tế, khi đứa trẻ mắc sai lầm, điều chúng sợ không chỉ là lỗi đã gây ra mà còn về việc bị cha mẹ khiển trách. Và cách xử lý vấn đề của người cha này có thể được gọi là "kinh điển", ông kiểm soát cảm xúc của mình, chấp nhận hành vi bất cẩn là điều bình thường của một đứa trẻ. Điều này không chỉ có thể cho đứa trẻ một cảm giác an toàn đầy đủ, mà còn có thể dạy con cách để giải quyết vấn đề.
4. Khi bị trêu chọc
Trong cuốn "Người mẹ tốt hơn giáo viên giỏi", giáo viên Doãn Kiến Lỵ đã nói về một vấn đề của con gái mình. Một lần, hai vợ chồng đi đào tạo ở nước ngoài và gửi con gái đến nhà bà ngoại. Mọi người trong gia đình bà đều rất tốt, thường đùa giỡn với nhau.
Hai trong số những người họ hàng đặc biệt thích trêu chọc trẻ em. Có đôi khi cố ý làm bộ mặt hung thần chạy đến bắt trẻ. Đứa trẻ sợ tới mức trốn biệt, người lớn lại cười ha ha. Đôi khi lừa cháu: Vì con không vâng lời, cha mẹ không muốn nuôi con nữa. Nhìn thấy đứa trẻ bán tín bán nghi, họ nói "con bị lừa rồi, cô bé ngốc nghếch".
Có thể tưởng tượng, cô bé ngơ ngác trong những tiếng cười của người lớn, tâm trạng từ bình tĩnh đến sợ hãi, không biết làm sao, sẽ cô đơn và bất lực như thế nào.
Ban đầu Doãn Kiến Lỵ cũng không biết chuyện này, đến khi phát hiện con gái giao tiếp với người khác ánh mắt né tránh, nói chuyện cũng không tự nhiên như trước, hỏi mẹ chồng mới biết được nguyên nhân. Cô rất tức giận, sau khi trấn an con gái xong, lập tức tìm được hai vị thân thích thẳng thắn nói chuyện, từ đó về sau chuyện như vậy mới không xảy ra nữa.
Người lớn có thể cảm thấy đứa trẻ chỉ sốt ruột một chút, lo lắng một chút thì có làm sao. Nhưng những hành vi này có thể gây tổn hại sâu sắc đến tâm lý của trẻ. Nó sẽ làm cho đứa trẻ cảm thấy khó chịu và không được tôn trọng, không chỉ làm tổn thương lòng tự trọng mà còn làm tăng nỗi sợ hãi xã hội của trẻ và cảm giác không tin tưởng người khác.
Tại thời điểm này cha mẹ phải đứng bên cạnh đứa trẻ, không ngần ngại và nghiêm túc ngăn chặn hành vi này.
5. Khi con cảm thấy nguy hiểm
Một chuyên gia nuôi dạy con cái từng kể về những gì đã xảy ra khi cô còn là một đứa trẻ: Vào thời điểm đó, cha mẹ cô đã gửi con đến một lớp học thêm, người ta nói rằng giáo viên này đã dạy học sinh có điểm số Toán học đặc biệt tốt.
Nhưng sau 1 vài buổi học, cô phát hiện ra rằng giáo viên thường dùng bạo lực trừng phạt học sinh. Chỉ cần cô giảng bài trên bục giảng, học sinh nhất định phải ngẩng đầu nghe, cúi đầu ghi chép, có động tác nhỏ nào càng không được. Một khi bị bắt, học sinh sẽ bị trừng phạt bằng cách dùng thước thép để đánh vào lòng bàn tay.
Mặc dù cô chưa từng bị đánh, nhưng thường xuyên thấy các bạn bị đánh nên sợ đến mức phát khóc. Lấy hết can đảm, cô bày tỏ nỗi sợ hãi của mình với bố và mong bố cho mình đổi lớp học thêm khác. Phản ứng của người cha khiến cô vô cùng ấm áp và tin tưởng: "Con đừng lo lắng, miễn điều con nói là thật, bố sẽ theo ý con". Sau đó, ông cẩn thận hỏi han thêm bạn học, xác định lời con nói là đúng, lập tức cho con đổi lớp.
Bây giờ đã làm mẹ, nhớ lại cách làm của bố lúc đó, cô vẫn thấy tràn đầy thương mến. Không chỉ vì bố không nỡ để giáo viên trừng phạt thể xác con mình, mà còn vì bố coi trọng cảm xúc của cô. Phần cảm giác an toàn thời thơ ấu này vẫn lưu lại trong lòng cô.
Các nhà tâm lý học hiện đại cho rằng cha mẹ phải là "cơ sở an toàn" cho con cái của họ. Khi con cảm thấy nguy hiểm hoặc cần sự thoải mái, suy nghĩ đầu tiên là tìm kiếm sự giúp đỡ của cha mẹ. Sự phụ thuộc của trẻ em vào cha mẹ và không sợ bị từ chối là cảm giác an toàn.
Khi con cái thất bại, cha mẹ cần ở đó để đưa tay đón con, ôm, vỗ về trẻ và bắt đầu lại từ đầu. Đó là ví dụ về tình yêu vô điều kiện của cha mẹ. Trẻ cần được biết không có vấn đề gì xảy ra và cha mẹ vẫn luôn yêu mình.
Link gốc: https://phunuvietnam.vn/liec-mat-qua-5-khoanh-khac-nay-la-bo-me-phat-hien-ngay-su-bat-on-cua-con-can-thiep-som-de-con-khoi-anh-huong-tam-ly-222022127205530717.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.