Theo số liệu mới nhất, Trung Quốc đã có khoảng 17.387 trường hợp nghi nhiễm virus Corona với 362 người tử vong, con số này cao hơn dịch Sars vào năm 2003 về số người lây nhiễm. Tuy vậy, điều thú vị là tỷ lệ tử vong của dịch Corona lại thấp hơn rất nhiều so với một số đại dịch trong quá khứ.
Năm 2003, dịch Sars bùng nổ khiến 8.437 người nhiễm bệnh và 813 người tử vong với tỷ lệ thiệt mạng lên đến 10%. Năm 2012, dịch Mers (hội chứng hô hấp Trung Đông) khiến 2.492 người nhiễm và 858 người chết, tỷ lệ tử vong 34,4%. Năm 1976, dịch Ebola bùng phát khiến 34.453 người nhiễm và 15.158 người chết, tỷ lệ tử vong 43,9%.
Corona có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều đại dịch trước đây
Đối với dịch Corona hiện nay, số người nhiễm nếu tính đến ngày 31/1/2019 là 14.562 với 305 người chết, tỷ lệ tử vong chỉ đạt 2,1%. Vậy tại sao Corona lại khiến mọi người hoang mang hơn nhiều so với các đại dịch trước đây?
Đầu tiên, các loại dịch trước đây thường không lây thẳng từ người sang người mà qua một động vật trung gian như gà, lợn… nên tốc độ lây không mạnh như Corona. Trong khi đó, virus Corona được một số chuyên gia kết luận rằng có thể lây trực tiếp từ người sang người cũng như phát tán trong không khí nên tốc độ lây lan là cực kỳ nhanh.
Nếu xem đồ thị dưới đây, dù tỷ lệ tử vong của Corona thấp hơn Sars nhưng nó dễ dàng vượt số người nhiễm bệnh chỉ trong vòng vài ngày. Tất nhiên, đồ thị này cũng giải thích rằng Corona dễ lây nhưng không quá nguy hiểm như các lời đồn đoán. Đồ thị tiếp theo nữa cho thấy phần lớn những người nhiễm bệnh sẽ khỏi và chỉ một phần nhỏ là thiệt mạng, đa số là những người đã mắc bệnh sẵn hoặc đề kháng kém, lớn tuổi.
Tuy vậy, tốc độ lây lan của chúng lại nhanh hơn nhiều
May mắn thay, hầu hết người nhiễm đều trong tình trạng ổn định hoặc khỏe lại, chỉ một phần nhỏ thiệt mạng hoặc cần phải theo dõi thêm.
Một yếu tố nữa khiến Corona trở nên đáng sợ hơn là mạng xã hội. Thời kỳ Sars bùng nổ vào năm 2003, mạng xã hội lớn nhất thế giới là Facebook vẫn phải chờ 1 năm sau đó mới ra đời. Hệ quả là kênh truyền thông chính thức lan truyền thông tin được kiểm soát tốt, người dân có sợ hãi nhưng vẫn trong giới hạn.
Đối với đợt dịch Corona lần này, dù tỷ lệ tử vong thấp nhưng tốc độ lây lan nhanh cùng với sự loan tin giả mạo trên mạng xã hội đã khiến mọi người khủng hoảng một cách vô lý. Từ việc tẩy chay những du khách Trung Quốc dù họ không đến từ các vùng dịch cho đến đổ xô mua khẩu trang, nước rửa tay hàng hàng loạt các biện pháp phòng tránh dịch phi khoa học được thực hiện.
Tất nhiên, sự phổ biến của mạng xã hội khiến công chúng nhanh chóng nắm bắt được tình hình dịch bệnh nhưng chúng lại trở thành công cụ cho những kẻ xấu lợi dụng để kinh doanh, kích động hay làm rối loạn trật tự xã hội.
Bởi vậy, tốt nhất người dân nên cẩn thận khi tiếp cận những thông tin về dịch bệnh lan truyền trên mạng, tránh sa đà vào những biện pháp phòng tránh phi khoa học hoặc chưa được kiểm chứng. Các số liệu đã chỉ rõ rằng dù lây bệnh nhưng tỷ lệ tử vong của dịch Corona thấp hơn nhiều so với Sars.
Số người nhiễm Corona đã chính thức vượt đại dịch Sars năm 2003
Theo Tri Thức Trẻ