Cuối năm 2012, cặp vợ chồng Michael Wagner và Johanne Wagner đáp chuyến bay từ nhà của họ ở thành phố Kingston, Ontario, Canada đến thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam để tìm gặp 2 em bé sinh đôi là Lê Thị Bình và Lê Thị Phước với mong muốn nhận các em làm con nuôi.
Thông tin này dễ khiến nhiều người thắc mắc tại sao họ phải nhận con nuôi. Câu trả lời đơn giản rằng: Vì họ muốn thế! Bởi vợ chồng Wagner đã có 5 đứa con và họ muốn giúp đỡ thêm những mảnh đời bất hạnh khác và duyên số đã đưa họ đến Việt Nam và gặp 2 cô bé Bình - Phước.
2 em bé Lê Thị Bình và Lê Thị Phước mắc phải căn bệnh hiểm nghèo gọi là hội chứng Alagille, một chứng rối loạn di truyền ảnh hưởng đến chức năng gan
Bình - Phước là 2 chị em sinh đôi nhưng chẳng may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo gọi là hội chứng Alagille, một chứng rối loạn di truyền ảnh hưởng đến chức năng gan.
Các em bị cha mẹ ruột bỏ rơi và được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, thành phố Hồ Chí Minh.
Johanne đã không cầm được nước mắt, khuôn mặt bà ửng đỏ lên vì xúc động và cũng vì quá đau đớn, xót xa khi lần đầu nhìn thấy 2 đứa trẻ. Bà chia sẻ: "Khi tôi nhìn thấy 2 đứa trẻ, tôi đã rất sốc. Tôi nghĩ thầm trong bụng rằng 2 đứa trẻ đã 18 tháng rồi, trước khi gặp mặt, tôi đã nghĩ chắc hẳn bọn trẻ đang tập đi vào thời điểm đó nhưng thực tế thì chúng giống như những đứa trẻ sơ sinh".
"Tôi đã nghĩ rằng 2 đứa trẻ sẽ sớm ra đi. Các em chỉ cần có một bàn tay nắm lấy trong quãng thời gian còn lại. Và chúng tôi đã quyết tâm rằng chúng tôi sẽ ở bên cạnh chúng cho tới lúc chúng không thể kiên cường được nữa".
Tình trạng của hai chị em Bình - Phước đã rất nguy cấp và chẳng còn có nhiều cơ hội nhưng cặp vợ chồng đã hạ quyết tâm làm hết sức mình để cho 2 em cơ hội sống, được đến đâu hay đến đó! Ông Michael nói: "Chúng tôi vẫn quyết tâm tiếp tục nhận nuôi 2 đứa trẻ, nhưng chúng tôi cũng đã chuẩn bị 2 chiếc lọ đựng tro cốt để chắc chắn rằng chúng có một thứ gì đó mang theo từ Việt Nam".
Ông Michael cũng từng chia sẻ với tờ CNC News (Canada) vào năm 2015: "Trước khi chúng tôi đến Việt Nam, chúng tôi biết rằng 2 đứa trẻ bị bệnh rất nặng và chúng tôi biết nó liên quan đến gan. Chúng tôi vẫn quyết tâm và cam kết sẽ làm hết sức có thể với hy vọng rằng mọi thứ sẽ ổn".
Lễ giao nhận con nuôi diễn ra vào ngày 5/11/2012. 2 đứa trẻ lúc này đã 18 tháng tuổi nhưng chỉ nặng vỏn vẹn 4kg
Vậy là lễ giao nhận con nuôi diễn ra vào ngày 5 tháng 11 năm 2012, 2 đứa trẻ lúc này đã 18 tháng tuổi nhưng chỉ nặng vỏn vẹn 4kg. Ngay sau đó, bố mẹ nuôi của Bình và Phước đưa 2 em trở về Canada để chăm sóc và chữa bệnh.
Chuyến bay từ Việt Nam đến Canada là khởi đầu cho hành trình mới đầy gian nan của ông bà Wagner nhưng cũng là tia hy vọng cho 2 đứa trẻ đáng thương mang trong mình căn bệnh quái ác.
Những ngày tháng sau đó, Bình và Phước được bố mẹ nuôi chăm sóc tận tình, sinh hoạt của ông bà Wagner và 5 người con đẻ của họ gần như xáo trộn hoàn toàn, tất cả là để 2 em Bình và Phước được phát triển tốt nhất.
Đến năm 2014, tin sốc ập đến. Bác sĩ nói rằng 2 đứa trẻ cần được ghép gan sớm nếu không sẽ khó giữ được tính mạng. Gan bị tổn thương còn khiến cặp song sinh ngứa ngáy nghiêm trọng, khiến chúng phải đưa tay gãi liên tục, cả trong lúc ngủ, tạo ra những vết lở loét khắp cơ thể.
Tiến sĩ Binita Kamath, người điều trị cho cặp song sinh này, cho biết: "Ở cả hai bé gái, tình hình khá nghiêm trọng và không thể cải thiện hoặc duy trì bằng thuốc hoặc các cuộc phẫu thuật khác, vì vậy chúng tôi buộc phải đưa họ vào danh sách bệnh nhân cần được ghép gan".
Nhưng làm sao để điều đó trở thành hiện thực? Ông Michael không ngần ngại làm xét nghiệm thử và vui mừng khôn xiết khi tháng 2 năm 2015, ông được xác định phù hợp để hiến gan cho Phước. "Sau khi phẫu thuật khoảng 4-5 ngày, tôi gặp lại con trong bệnh viện. Con bé không còn bị vàng da nữa, mắt cũng đã trắng lại. Không ngứa. Hoàn toàn tỉnh táo. Thật sự tuyệt vời!".
Nhưng còn một đứa nữa, phải làm sao? Trong lúc cấp bách, ông bà Wagner đã lập một trang fanpage trên Facebook với tên gọi "Liver Transplants for our Vietnamese Twin Girls" để kêu gọi người tình nguyện hiến gan. Trang Facebook này đã thu hút hơn 10.000 lượt theo dõi và rồi may mắn đã mỉm cười với họ khi tháng 4 năm 2015 một người đàn ông (giấu tên) tình nguyện hiến gan. 1 năm sau đó, họ mới biết danh tính của người hiến gan cho Bình, đó là anh chàng Chris.
Chris là người đã hiến gan cho Bình và giờ đây, anh trở thành một phần không thể thiếu của gia đình Wagner
2 em bé như được "ban tặng" sự sống một lần nữa, các em bắt đầu chạy nhảy, vui chơi và trở lại cuộc sống bình thường. Đến nay, ông bà Wagner vẫn thỉnh thoảng cập nhật hình ảnh của 2 chị em lên trang "Liver Transplants for our Vietnamese Twin Girls". Nhìn nụ cười tươi rạng rỡ của 2 đứa trẻ, ai cũng hiểu rằng các em đang thực sự hạnh phúc, vui vẻ vì được sống trong bàn tay yêu thương của bố mẹ nuôi...
Lời kết:
Ông bà Wagner đã có 5 người con do chính họ sinh ra rồi, theo lẽ thường hoặc nếu muốn, họ chỉ việc chăm sóc tốt cho các con của mình nhưng họ đã không làm thế. Họ đã dang đôi tay nhỏ bé mà mạnh mẽ đến mức phi thường của mình ra để cứu vớt cuộc đời của 2 đứa trẻ đáng thương. Hỏi rằng họ được gì khi làm những việc ấy? Câu trả lời là chẳng được bất kỳ thứ gì cả. Nhưng họ cứ làm thôi, để người đời thấy rằng phép màu luôn luôn hiện hữu trong cuộc sống này, để trong chính thâm tâm họ cảm thấy nhẹ nhõm, bình yên, hạnh phúc, để bông hoa việc tốt ấy cứ mãi tỏa hương thơm ngát đến muôn đời.
Lúc này đây, trong lòng người viết lại rộn ràng câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...".
Theo soha.vn