Chúng ta thường xuyên nghe những lời khuyên về việc uống nhiều nước, phải nhớ uống nhiều nước, nhưng như thế nào là nhiều thì có thể mọi người đều băn khoăn. Thậm chí nhiều người bày tỏ sự lo lắng không biết là mình uống như vậy là nhiều hay ít.
Trong cuộc sống hàng ngày, dù là đau đầu hay sốt, hay khi có những khó chịu về thể chất khác, sẽ có người bảo bạn uống nhiều nước hơn.
Nước là nguồn gốc của sự sống, uống nước là điều chúng ta không thể thiếu, uống nhiều nước hơn cũng được coi là một lối sống lành mạnh. Nhưng uống nhiều nước hơn không có nghĩa là ai cũng nên uống càng nhiều nước càng tốt mà cần chú ý đến những phương pháp uống lành mạnh phù hợp với mình. Vậy khi uống nước cần chú ý điều gì?
Uống nước như thế nào để tốt cho sức khỏe?
Trước hết, chúng ta hãy nhớ một nguyên tắc cốt lõi, nước uống là nước lã đun sôi để uống, không phải nước tinh khiết cũng không phải đồ uống có đường. Những người khác nhau có yêu cầu khác nhau về nước uống.
1. Trẻ em và thanh thiếu niên
Trẻ em hoạt động nhiều, uống không đủ nước sẽ làm giảm thể lực và tăng nguy cơ bị sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh khác.
Lượng nước khuyến nghị cho trẻ ở các độ tuổi và giới tính là khác nhau:
Trẻ dưới 6 tháng tuổi đã bổ sung nước khi bú sữa mẹ và sữa công thức, không cần uống thêm nước.
Đối với trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi, bạn có thể cho trẻ uống một lượng nhỏ nước sau khi ăn bổ sung.
Đối với trẻ từ 1 đến 4 tuổi, bạn có thể cho trẻ uống từ 1 đến 4 cốc nước (200 ml đến 800 ml) mỗi ngày; từ 4 đến 10 tuổi, trẻ em được khuyên uống khoảng 800ml đến 1000ml nước mỗi ngày, tức là khoảng 4 đến 5 cốc nước.
Nam thanh niên từ 11 đến 17 tuổi khuyên nên uống 1300ml đến 1400ml nước và trẻ em gái khuyên dùng 1100ml đến 1200ml nước, tức là 6 cốc đến 7 cốc.
Nếu bạn tăng khối lượng tập thể dục trong ngày hôm đó, bạn có thể tăng lượng nước uống vào.
2. Người lớn khỏe mạnh
Người lớn khỏe mạnh nên uống khoảng 1500 ml đến 2000 ml nước mỗi ngày, tức là khoảng 7 đến 8 cốc, nếu bạn hoạt động nhiều hoặc tập thể dục dưới trời nắng gay gắt, bạn có thể tăng 1000 ml đến 1500 ml.
Ngoài 8 giờ dành cho việc ngủ, 16 giờ trong ngày cần được bổ sung nước ngắt quãng, vì vậy nên uống nhiều nước với lượng nhỏ chia thành nhiều lần.
3. Người trong trạng thái có bệnh
Đối với những người bị bệnh tim hoặc chức năng thận kém, bạn nên chú ý đến lượng nước uống phù hợp, và cân nhắc lượng nước uống dựa trên lượng nước tiểu hàng ngày và mức độ hoạt động của bạn.
Vì uống quá nhiều nước sẽ làm tăng gánh nặng cho tim và thận, đồng thời khiến máu bị pha loãng quá mức, dẫn đến giảm nồng độ chất điện giải và muối trong cơ thể, dẫn đến đau đầu, chuột rút, hôn mê, phù nề và các triệu chứng khác.
Đặc biệt là đối với những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch vành hoặc suy thận. Nếu là bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thận, bác sĩ có thể khuyên bạn nên uống nhiều nước để tống vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu và đào thải cặn bã ra ngoài.
Tóm lại, uống nước rất tốt cho sức khỏe, có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giảm táo bón, ngăn ngừa sỏi thận, nhưng không phải ai cũng thích hợp để uống nhiều nước.
Việc uống nước cần căn cứ vào tình trạng thực tế của mình mà uống nước với lượng phù hợp. Những bệnh nhân mắc bệnh thận, tim mạch không thể chuyển hóa nước một cách bình thường nên lượng nước nạp vào cơ thể trong một ngày khác với người bình thường, nên bạn cần tuân theo lời khuyên của bác sĩ.
Ngoài ra, lưu ý không uống nước quá nóng để tránh làm tổn thương niêm mạc thực quản.
*Theo Health/Secretchina
Theo soha.vn