Uống trà nóng hay mát tốt hơn? Cách pha trà tối ưu nhất theo khoa học

Nên uống trà nóng hay trà mát có thể là câu hỏi của nhiều người. Bài viết dưới đây tổng hợp một số nghiên cứu khoa học liên quan để giúp bạn có câu trả lời phù hợp nhất.

Bạn thường uống trà ở nhiệt độ nào? Nóng, lạnh hay nhiệt độ phòng?

Uống trà nóng hay trà lạnh có tác động đến sức khỏe khác nhau, khác về hàm lượng dinh dưỡng và nguy cơ ung thư, theo một số nghiên cứu khoa học.

1. Uống trà nóng hay mát: Hàm lượng chất chống oxy hóa khác nhau thế nào?

Uống trà nóng hay trà lạnh có tác động đến sức khỏe khác nhau

Tùy thuộc vào loại trà

Trà nổi tiếng với đặc tính chống oxy hóa, nhưng lượng chất oxy hóa trong trà mà bạn nhận được còn phụ thuộc vào độ nóng và loại trà.

Một nghiên cứu năm 2015 công bố trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm cho thấy hàm lượng chất chống oxy hóa trong trà khác nhau tùy thuộc vào loại trà được sử dụng và độ nóng của nước.

Đối với trà xanh, lượng chất chống oxy hóa cao nhất khi được ngâm trong nước lạnh một thời gian dài.

Trà đen tạo ra nhiều chất chống oxy hóa nhất khi được ủ trong một thời gian ngắn trong nước rất nóng.

 

Trà ô long (trà được lên men một phần) đã được thử nghiệm trong một nghiên cứu khác năm 2015. Kết quả cho thấy trà ô long rất nhạy cảm với nhiệt độ cao. Vì vậy, nếu bạn muốn tối đa hóa chất chống oxy hóa trong trà ô long, bạn nên uống trà pha với nước nguội hoặc lạnh.

Tuy nhiên, nếu bạn thích uống trà xanh nóng, bạn vẫn có thể nhận được chất chống oxy hóa nếu pha ở nhiệt độ nóng cụ thể. Một nghiên cứu về trà xanh Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm pha trà xanh ở 75, 85 và 95 độ. Kết quả là pha trà xanh ở nhiệt độ 85 độ trong ba phút cho thấy mức chất chống oxy hóa cao nhất.

Tùy thuộc vào cách pha trà

Cách bạn pha trà cũng ảnh hưởng. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy khi bạn sử dụng nguyên lá để pha trà xanh, bạn sẽ nhận được chất chống oxy hóa tối đa khi dùng nước nguội. Nhưng khi bạn sử dụng túi trà xanh - loại trà đã xay nhỏ - bạn sẽ nhận được nhiều chất chống oxy hóa hơn từ nước nóng.

2. Uống trà nóng hay mát: Uống trà kiểu nào tăng nguy cơ ung thư?

Trà nóng là thức uống phổ biến trong mùa đông.

Giới khoa học dã có một cuộc thảo luận dài về việc uống trà quá nóng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư hay không.

Một nghiên cứu năm 2018 phát hiện ra có thể có mối liên hệ giữa bệnh ung thư và việc uống trà quá nóng - nhưng chỉ ở những người hút thuốc và uống rượu, cả hai thói quen đều được coi là làm tăng nguy cơ ung thư.

Gần đây hơn, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Ung thư Quốc tế năm 2019 đã nghiên cứu 50.045 người Iran từ năm 2004 đến năm 2008. Nó phát hiện ra uống trà cực nóng và uống trà nóng ngay sau khi đun sôi đều có liên quan đến tăng 90% nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn về vấn đề này để có thể kết luận.

3. Uống trà nóng hay mát: Đâu là cách pha trà tối ưu?

Trà đá được nhiều người yêu thích vào mùa hè.

Trà không chỉ chứa chất chống oxy hóa. Trà còn chứa một loạt các hợp chất và thành phần khác có ích cho cơ thể.

 

 

Và nếu bạn muốn tối đa hóa những lợi ích đó, một nghiên cứu khoa học cho biết pha trà với nước lạnh hoặc nước ở nhiệt độ phòng có thể là cách tốt nhất.

"Pha trà với nước nóng khiến trà nhanh chóng hòa tan, nhưng các hợp chất cũng phân hủy nhanh tương đương. Ngược lại, việc pha trà lạnh giúp chiết xuất ra các phân tử có ích ở mức độ cao hơn", theo một nghiên cứu khoa học đăng trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ năm 2015. Nghiên cứu này cho thấy pha trà với nước lạnh làm tăng gấp đôi hàm lượng các hợp chất hoạt tính sinh học như axit gallic và epigallocatechin gallate trong trà xanh và trà đen.

Tuy nhiên, ủ trà với nước nóng trong thời gian ngắn cũng có những lợi ích, chẳng hạn như giảm vị đắng trong trà. Vì vậy nếu bạn yêu thích trà nóng, đừng lo lắng. Bạn có thể thưởng thức đan xen cả trà nóng và trà mát trong thói quen hằng ngày của mình.

(Nguồn: Bustle)

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU