Vì sao phải dạy trẻ nguyên tắc từ sớm?

(lamchame.vn) - Nhiều cha mẹ trẻ thường hỏi, liệu có cần thiết phải có nếp sinh hoạt cho các bé không?

Trẻ cần được hướng dẫn những thói quen, nề nếp tốt trong học tập và sinh hoạt hàng ngày.

Để bé được quyết định giờ ăn, ngủ thì tốt hơn chứ, tự nhiên hơn chứ. Tạo quy tắc, thói quen cho trẻ quan trọng đến vậy sao?

Trẻ cần được học các nguyên tắc

Cô Phan Hồ Điệp - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - chia sẻ trên trang cá nhân về việc, trẻ cần được học các nguyên tắc, tự do nhưng cần có nền nếp.

“Mình đi công tác, ở khách sạn cũng được coi là lớn nhất nhì của một thành phố, nhưng rồi không thể làm được việc gì.

Suốt cả ngày cho đến tận 10 giờ đêm, tiếng trẻ em chơi đùa, hò hét thình thịch khắp nơi. Mình có nhờ bạn lễ tân lên nhắc nhưng chỉ được một lát, lại đâu vào đấy.

Các bố mẹ để các bạn nhỏ chạy chơi trốn tìm suốt dọc hành lang, gõ cửa các phòng ầm ầm, chen vào đó là tiếng quát con.

Ở sân bay mùa này, bạn có thể gặp vô số hình ảnh trẻ em chen hàng, nằm ngả ngốn, đi giày dép nhảy trên băng ghế. Và thường bạn nào ngồi yên đều là đang xem điện thoại…

Cũng khách sạn đó, mình thấy một bà mẹ mang bát cháo ở phòng ăn buffet ra bể bơi sát đó ngồi cho con ăn. Em bé chắc chừng hơn 2 tuổi, mặc mỗi cái bỉm, ngồi chơi té nước, thi thoảng lại quay ra để mẹ bón cho miếng cháo.

Có hôm đi vào nhà vệ sinh, một bà mẹ bắt em bé trai chắc phải 6, 7 tuổi đi vệ sinh bên nữ để mẹ… dễ quản lý.

Mình cũng hiểu được đi chơi nên bố mẹ cho các con thoải mái. Nhưng thoải mái, trẻ vẫn cần học các nguyên tắc. Tự do trong sự kỉ luật là như thế.

Trước hết, cha mẹ hãy dạy nguyên tắc giao tiếp. Điều này có thể dạy em bé hai tuổi dễ hơn dạy một thanh niên. Vì thế, hãy bắt đầu sớm”.

Con cần học nói cảm ơn. Mọi người đều xứng đáng được nhận từ “cảm ơn”. Dù đó là bác giúp việc, người lao công, người phục vụ trong nhà hàng... bất kì ai bạn yêu cầu làm gì đó và bất kì ai làm điều gì đó cho bạn. Cha mẹ cũng cần dạy con chờ đợi đến lượt bao gồm cả lượt khi trò chuyện.

Người lớn cũng cần dạy trẻ phân biệt âm lượng giọng nói trong nhà và giọng nói ngoài trời. Phân biệt giữa nói và hét. Khi ở nơi công cộng, chỉ nói cho người bên cạnh đủ nghe chứ không phải toàn bộ mọi người.

Trẻ em thường không nhận ra chúng có thể ồn ào tới mức nào. Tốt nhất nên bắt đầu từ những trò chơi để trẻ thử các mức giọng khác nhau ở các bối cảnh khác nhau. Hãy để trẻ học các cử chỉ kí hiệu như đưa tay ngang miệng là nhỏ giọng hoặc im lặng.

Bên cạnh đó, trẻ cũng nên hiểu về không gian cá nhân. Khi đứng xếp hàng hoặc trong thang máy, con cần nhận biết về không gian cá nhân là một khoảng cánh tay. Và con không xô hoặc lấn át người trước mặt.

Ngoài ra, trẻ cũng cần được hướng dẫn về ý thức môi trường xung quanh. Ví dụ, trong công viên thì mọi người được chạy và nói to nhưng trong thư viện thì không. Bất kì hành vi nào gây nguy hiểm tới sự an toàn của bản thân và người khác đều không được chấp nhận và không có thương lượng.

Bạn cũng nhớ, không gian cần phù hợp với trẻ. Một nhà hàng quá cao cấp không phù hợp với em bé hai tuổi. Vì em cần nơi để di chuyển, khám phá. Tương tự em cũng chưa phù hợp với rạp chiếu phim vì rất khó để ngồi yên lặng trong thời gian dài.

Và điều quan trọng nhất, chính cha mẹ là người mà con sẽ nhìn để học. Việc làm mẫu là rất quan trọng nếu bạn muốn con thành người lịch sự, điềm đạm.

Ảnh minh họa ITN.

Thiết lập các giới hạn

Khi được hỏi về quy tắc nhất định, nhiều người cho rằng, điều này dễ bị nhầm lẫn với giới hạn và thói quen. Giới hạn phải hết sức cụ thể và chính xác khi hướng dẫn trẻ. Đó là kim chỉ nam cho các quyết định hành động của con.

Cô Phan Minh Thùy - cố vấn chuyên môn Trung tâm Rèn luyện Kỹ năng Việt - cho rằng: “Thiết lập các giới hạn là cách có thể làm để đảm bảo bọn trẻ có được sự an toàn thể chất và tinh thần.

Cha mẹ cần lấy sự an toàn làm kim chỉ nam cho tất cả những giới hạn thiết lập cùng bọn trẻ. Ví dụ như “Dao là để cắt”, “Bút là để vẽ lên giấy”, “Tránh xa khỏi bếp nóng”, “Luôn đi trên vỉa hè”, “Nếu bị lạc hãy đứng im tại chỗ, bố mẹ sẽ tìm con”, “Người lạ phải tránh xa”…

Theo cô Thùy, khi thường xuyên nói với bọn trẻ “Bút là để vẽ lên giấy”. Giới hạn “giấy” cho phép bọn trẻ được vẽ trên mọi loại giấy: Giấy báo, giấy vở, giấy dán trên tường nếu trẻ muốn có không gian vẽ rộng, giấy ăn, giấy nhớ… Từ đó, bọn trẻ hiếm khi vẽ trên những chất liệu khác. Nếu chẳng may trẻ vẽ trên tường, người lớn sẽ nhắc lại “bút là để vẽ lên giấy” để trẻ quay về đúng giới hạn.

Cô Thùy cho biết thêm, quy tắc gia đình đôi khi cũng dễ nhầm lẫn với thói quen. Đi ngủ lúc 9 giờ, ăn cơm trên bàn ăn, cất dọn đồ sau khi chơi, phân loại rác, đọc sách mỗi ngày… Đó đều là những thói quen mà cha mẹ rèn cho con cái chứ không nên là quy tắc mang tính nặng nề.

Thói quen chính là những hoạt động lặp đi lặp lại hàng ngày của cả gia đình. Các thói quen thì có sự điều chỉnh theo sự phát triển của con và sự thay đổi của bố mẹ, môi trường trong gia đình. Thói quen là những điều cả nhà làm cùng nhau hằng ngày, bố mẹ có thói quen ra sao thì con sẽ có thói quen như vậy.

Còn quy tắc giống như khung luật pháp vậy. Nó được áp đặt xuống và không được phép vi phạm. Chúng ta có các quy định ở nơi làm, nơi công cộng. Các quy định này chúng ta chấp nhận nó như vậy dù đồng tình hay không. Mọi người ai cũng rón rén đừng để vi phạm vào quy định nào. Bởi chúng ta đều hiểu rằng nếu “dính phải” thì sẽ bị phạt.

“Việc tạo ra luật lệ không phải để áp đặt trẻ nhỏ hành động theo ý bố mẹ. Mà mục đích ở đây là giúp cho mọi thành viên trong gia đình cư xử với nhau đúng mực, có trách nhiệm với bản thân và người khác”, cô Thùy nhấn mạnh.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU