Vì sao phụ nữ Nhật ngày càng ngại sinh con?

(lamchame.vn) - Phụ nữ Nhật ngày càng ngại lập gia đình và sinh con, dù tỉ lệ sinh ở nước này đang ở mức 'đáng báo động'.

Mối tương quan giữa hôn nhân và tỷ lệ sinh con đặc biệt rõ rệt ở Nhật Bản, nơi tỷ lệ trẻ em sinh ra ngoài hôn nhân chỉ là 2% hàng năm, so với mức trung bình khoảng 40% ở một số nước phát triển.

Học giả Kozue Kojima viết vào năm 2013: "Khi một phụ nữ độc thân ở Nhật Bản mang thai, dường như cô ấy chỉ có hai lựa chọn: phá thai hoặc (miễn cưỡng) kết hôn. Việc có con ngoài giá thú hiếm khi được coi là một lựa chọn".

Song song với các cơ hội giáo dục và tham vọng nghề nghiệp ngày càng tăng -  tương tự ở các nền kinh tế phát triển khác - phụ nữ Nhật Bản kết hôn và sinh con ngày càng muộn, đồng nghĩa với việc họ không thể sinh nhiều con.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, độ tuổi trung bình của các bà mẹ sinh con đầu lòng đã tăng lên 30,9 vào năm 2021, mức cao nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi nhận vào năm 1950.

Yuko Kawanishi, giáo sư xã hội học tại Đại học Lakeland Tokyo, tin rằng hệ thống việc làm - bao gồm cả seiki (nhân viên toàn thời gian) và hiseiki (nhân viên hợp đồng) - là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm nhân khẩu học của Nhật Bản. Số bà mẹ có con tham gia lực lượng lao động đang tăng lên, đạt 76% vào năm 2021, cao hơn 20 điểm phần trăm so với năm 2004. Tuy nhiên, chỉ có 30% tổng số bà mẹ có việc làm lâu dài.

"Đây là một vấn đề kinh tế vĩ mô rất nghiêm trọng vì nhiều phụ nữ trẻ lo lắng về việc phải làm công việc thiếu ổn định. Có sự chênh lệch nghiêm trọng về mức lương, tính ổn định, lợi ích giữa công việc seiki và hiseiki tại đất nước này. Thực sự tồn tại sự bất an về tương lai", giáo sư nói.

Mặc dù Kawanishi đồng cảm với những lo ngại về tương lai nhân khẩu học của Nhật Bản, nhưng bà cũng tin rằng cần có những kế hoạch mạnh mẽ hơn để giảm thiểu vấn đề.

Bà nói: "Quy mô dân số là thứ rất cơ bản khi nói về bất kỳ vấn đề nào của xã hội. Có những việc chúng ta có thể làm được nhưng vẫn chưa tìm được cách nào hiệu quả. Tôi không nghĩ rằng chính sách mà Nhật Bản đã ủng hộ trong vài tuần qua đủ quyết liệt để tạo ra tác động".

Hashimoto đồng ý rằng giải pháp của chính phủ - chủ yếu là bằng biện pháp tài chính - là không đủ thuyết phục.

Cô nói: "Nó có thể khắc phục được vấn đề, nhưng vẫn cần phải có một hệ thống cấu trúc chặt chẽ hơn để giúp cải thiện trợ cấp chăm sóc trẻ em".

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU