Nguyên nhân kích hoạt sạt lở do mưa cường độ cao, kéo dài liên tục
Cùng với “lũ chồng lũ", những ngày qua, khu vực miền Trung đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất, trong đó, có các vụ sạt lở nghiêm trọng ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam làm hàng chục người bị vùi lấp, hy sinh.
Lý giải về hàng loạt vụ sạt lở xảy ra ở khu vực miền Trung, PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản (Bộ TN-MT) cho rằng, trong nhiều năm qua, khu vực miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị đều là những nơi được đánh giá có nguy cơ sạt lở cao.
Về nguyên nhân kích hoạt các vụ sạt lở đất trong thời gian qua, PGS Tân nhận định, chính là do các cơn áp thấp, bão số 8,9... đã tác động gây mưa lớn cường độ cao, kéo dài liên tục cả tháng qua tại miền Trung
Theo PGS.TS Trần Tân Văn, qua các nghiên cứu, mưa nếu đạt đến ngưỡng 100 mm/ngày hoặc mưa nhỏ vài chục mm, nhưng kéo dài cả tuần đến chục ngày là đủ để làm đất đá bị bão hòa nước.
Khi đó các sườn dốc sẽ nặng hơn và nước làm cho sức bền đất đá kém đi rất nhiều, cộng hưởng hai yếu tố này và nếu tiếp tục có một trận mưa lớn đột ngột thì khả năng cao là sẽ gây ra trượt lở.
PGS Văn nói thêm, hiện tại, mưa kéo dài cả tháng qua ở các tỉnh miền Trung đã làm đất đá bị bão hòa, sũng nước nên ngay cả khi không có mưa nữa thì khu vực này vẫn có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
"Khu vực miền Trung hiện nay, không khác một túi nước khổng lồ, nếu tới đây còn mưa tiếp tục, chỉ cần một trận mưa lớn bất ngờ thì nguy cơ rất cao sẽ xảy ra hàng loạt vụ trượt lở, cần phải cảnh giác và chủ động ứng phó", ông Văn cảnh báo.
Hiện trường vụ sạt lở ở xã Phước Lộc (Phước Sơn, Quảng Nam). Ảnh: Đình Thức.
Ông cũng chỉ rõ, qua các trận trượt lở lớn ở miền Trung vừa qua có một số điểm cần lưu ý, cụ thể:
Đất đá đã bị quá bão hòa nước mà thành nhão nhoét. Việc trượt lở thường xảy ra ở các taluy đường, những nơi sườn dốc tự nhiên bị cắt chân lấy mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, trượt lở dường như hay xảy ra vào ban đêm, có thể liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ, áp lực của nước trong các lỗ rỗng trong đất đá.
Lãnh đạo Viện Địa chất khoáng sản cũng đánh giá, các tỉnh miền Trung đã mất đi nhiều thảm thực vật, rừng nguyên sinh là nguyên nhân gia tăng nhiều vụ trượt lở.
Cùng với đó, các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, thủy điện, cắt chân sườn dốc tự nhiên lấy mặt bằng làm nhà... ít nhiều đều có tác động, đều đóng góp vào làm mất cân bằng sườn dốc.
"Nếu làm cẩn thận, có khảo sát đầy đủ, tính toán, thiết kế chi tiết và thi công chuẩn mực tác động sẽ ít hơn, còn không tác động sẽ rất lớn, thậm chí trực tiếp gây ra trượt lở", PGS Văn đề cập.
PGS Trần Tân Văn.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cũng nhận định, nếu càng mưa nhiều thì tình trạng sạt, trượt lở sẽ càng xảy ra nhiều.
Ông chỉ rõ, các dấu hiệu cơ bản để nhận diện khu vực có khả năng sạt trượt như nếu rừng cây nghiêng, tức là đã có sự thay đổi bên trong. Tiếp đó nhìn khe nứt, nếu khe mới thì đất đã có dịch chuyển. Thêm vào đó, có nước rỉ ra tức là đất trong đó đã bão hòa nước...
Ông nói, khi thấy các dấu hiệu lạ hư nứt đất, dịch chuyển đất sườn dốc, tiếng động lạ, đỉnh dốc có vết nứt, tích tụ nước, cây cối nghiêng ngả... phải có các biện pháp cảnh báo tại khu vực đó và tiến hành sơ tán ngay người dân để tránh nguy hiểm.
Chưa thể dự báo được khu vực, thời điểm nào có thể sạt lở đất
Liên quan đến việc dự báo tình trạng sạt lở đất đá, PGS.TS Trần Tân Văn cho hay, hiện nay, việc này còn đang rất khó khăn, chưa thể thực hiện.
Ông cho rằng, dự báo có thể biết được sạt lở hình thành ở đâu, diễn biến dịch chuyển trong sườn dốc như nào, bao giờ xảy ra sạt lở. Do đó, dự báo sạt lở cần có nhiều trang thiết bị, kinh phí, nhân lực, vật lực.
"Tại Việt Nam, chúng ta mới đang ở mức độ thử nghiệm công nghệ, vị trí, còn làm cụ thể đại trà chưa làm được", ông Văn nói.
Ông nêu thêm, trên thế giới cũng vẫn làm như Việt Nam, tức là ở mức độ cảnh báo, còn dự báo sẽ tốn kém. Đến nay, mới chỉ có các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc làm dự báo ở những vị trí cụ thể quan trọng nhưng cũng không làm đại trà.
TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết thêm, việc cảnh báo được thực hiện trước từ 3-6 giờ trên diện chứ không thể cảnh báo điểm, không thể biết tại ngọn đồi nào, tuyến đường nào, khu vực nào vào thời điểm nào có thể sạt lở đất đá.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho biết, lũ quét, sạt lở đất xuất hiện rất phức tạp, xảy ra bất ngờ khi hội tụ đủ yếu tố bất lợi về mưa, điều kiện địa hình, địa mạo, địa chất và lớp phủ.
Bên cạnh nguyên nhân mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn hoặc kéo dài nhiều ngày, lũ quét, sạt lở đất còn phụ thuộc vào địa hình, độ dốc lưu vực và độ dốc sông suối, độ ổn định của lớp đất mặt yếu, độ che phủ của thảm thực vật thấp.
Để dự báo được lũ quét, sạt lở đất tại một địa điểm, ngoài việc xác định được lượng mưa đã xuất hiện và dự báo sẽ xảy ra chi tiết theo không gian, thời gian trên khu vực đó, cần xác định được các thông tin nền về địa hình, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, đặc điểm thảm phủ, độ ẩm, mức độ bão hòa, ngưỡng mưa sinh lũ quét và sạt lở đất, các hoạt động kinh tế-xã hội, dân sinh như giao thông, khai thác mỏ, xây dựng, phân bố dân cư...
Các thông tin này phải đảm bảo được tính cập nhật liên tục theo thời gian và chi tiết đến từng địa điểm.
Trong khi đó, hiện nay, công nghệ chưa cho phép dự báo chính xác định lượng mưa. Thông tin số liệu đo đạc, điều tra, khảo sát thực địa của các vùng có nguy cơ phát sinh lũ quét, sạt lở đất thường không có.
Thông tin về thảm phủ, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, mức độ bão hòa trong đất không có đủ độ chi tiết và không được cập nhật thực tế. Sự tác động của con người hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản chưa được thống kê, nghiên cứu đầy đủ.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn nêu rõ, việc khai thác lưu vực, hoạt động của con người cũng làm giảm tỷ lệ rừng, xây dựng hồ chứa, cắt xẻ, san gạt sườn đồi, núi làm mất độ giữ đất, giữ nước của rễ cây, mất ổn định sườn dốc, làm yếu độ liên kết đất đá và tăng khả năng xói mòn, sạt lở.
Đại diện Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia nhận định, thời gian tới, bão có khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện và gây mưa lớn cho miền Trung. Do đó, trên nền đất đá đã “ngậm no nước” lâu như thời gian qua sẽ liên tục có các hiện tượng sạt lở, lũ và lũ lớn.
Theo soha.vn