Có ai đó đã từng nói rằng: "Một đứa trẻ là vui vẻ. 2 đứa là bạn phải quản lý. Còn 3 đứa, bạn chỉ đang cố giữ trẻ sống". Nghe có vẻ hài hước nhưng trên thực tế, đó là cuộc sống của một gia đình có nhiều con. Dĩ nhiên, các con vẫn được yêu thương nhưng tình cảm sẽ san sẻ, chia đôi, đồng nghĩa với gánh nặng kinh tế sẽ trở nên khó khăn hơn.
Nhiều ba mẹ thừa nhận có con thứ 2 là một thời điểm khó khăn thường thấy trong hầu hết các cuộc hôn nhân. Nguyên nhân các cặp vợ chồng có nhiều hơn một con vấp phải khó khăn trong mối quan hệ đôi bên thường là do stress, xa cách lẫn nhau hay mâu thuẫn trong việc phân chia việc nhà và chăm sóc các con.
Việc có con một thường khiến cuộc sống của hai vợ chồng dễ dàng hơn là hai con. Cả hai có nhiều thời gian cho con, cho công việc và thời gian giành cho nhau nhiều hơn. Dù là cả hai vợ chồng cùng đi làm.
Mới đây, hot mom Trinh Phạm đã chia sẻ một đoạn clip ghi lại hình ảnh một ngày cuối tuần của gia đình. Cô chia sẻ: "Video diễn tả chân thực cuộc sống của gia đình 2 con nhỏ ngày cuối tuần. Trong tuần bận 1 đến cuối tuần bận gấp mấy lần vì trông 2 đứa nhỏ. Bận thì bận nhưng hai vợ chồng vẫn luôn tự nhủ cố gắng cho con có tuổi thơ đẹp và hạnh phúc nhất".
Suốt từ 7h30 sáng cho tới tối là bố mẹ luôn chân luôn tay, bận rộn chăm sóc em bé tới anh lớn. Các hoạt động như hút sữa, cho ăn, ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều... gần như full ngày. Cả gia đình tranh thủ đi chơi để các bé được giải phóng năng lượng, dành thời gian cho nhau. Theo dõi thì thấy ngày cuối tuần còn bận hơn ngày thường, bố mẹ gần như dành toàn bộ quỹ thời gian của mình cho con cái.
Có lẽ đây là lịch sinh hoạt điển hình của các gia đình có nhiều con. Bởi bố mẹ nào cũng muốn cho con một tuổi thơ thật ý nghĩa nên đều cố gắng sắp xếp công việc, thời gian cafe với bạn bè... để ở bên con được nhiều hơn. Các em bé có bố mẹ yêu thương, quan tâm lúc nào cũng sẽ vui vẻ, hạnh phúc.
Dù bận rộn là thế nhưng gia đình lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười, là những phút giây hạnh phúc mà không phải ai cũng có. Tuổi thơ con cũng trôi qua rất nhanh, được tận hưởng quãng thời gian này bên con cũng rất ý nghĩa bố mẹ ạ!
Cả ngày bận rộn từ sáng đến tối. Ngày cuối tuần còn bận hơn ngày thường vì đây.
Bí quyết nuôi con đỡ áp lực cho bố mẹ
Tận hưởng khi trở thành ba mẹ
Những khoảnh khắc trong đời khi lần đầu tiên thấy con bước đi, thấy con cất tiếng gọi mẹ, gọi ba… chính là những lúc mà ba mẹ thấy hạnh phúc. Sự hạnh phúc này giúp ba mẹ tận hưởng vai trò của mình.
Thân thiết với con nhiều hơn khi có cơ hội
Trẻ con lớn rất nhanh, khi lớn dần khoảng cách thân thiết như: cái hôn, cái ôm dần ít đi giữa ba mẹ và con cái. Vì thế hãy thân thiết với con khi có thể.
Đừng bỏ lỡ cơ hội cười đùa, chơi vui vẻ với con. Khi cười, bạn có thể sẽ bớt căng thẳng và giọng điệu của bạn cũng tự động trở nên vui vẻ hơn.
Không có tiêu chuẩn nhất định khi nuôi dạy con
Mỗi gia đình sẽ có mỗi hoàn cảnh, nề nếp và quy củ khác nhau vì thế không có một quy chuẩn nhất định trong việc nuôi dạy con. Cũng giống như không thể áp dụng cách nuôi dạy con của người khác lên con mình nếu không phù hợp.
Ba mẹ cần áp dụng cách nuôi dạy phù hợp với tính cách của từng đứa trẻ. Bên cạnh đó việc lựa chọn môi trường giáo dục cũng rất quan trọng.
Quan tâm thực tại nhiều hơn tương lai
Nếu ba mẹ tập trung vào hiện tại thì tương lai của con vẫn có thể phát triển thành công. Đừng quá tập trung vào tương lai như tính chuyện cho con du học dù con chỉ mới học tiểu học…
Thay vì tập trung và suy nghĩ về tương lai xa hãy dành năng lượng để cùng con khám phá thế giới và khám phá chính bản thân của chúng. Khi con cảm thấy được hỗ trợ và ít chịu áp lực, bạn cũng cảm thấy bớt áp lực hơn, vì bạn biết rằng bạn đang làm điều tốt nhất cho con.
Đôi khi ít quy tắc sẽ tốt hơn!
Thay vì cứ theo dõi mọi hoạt động của con và sắp xếp lịch trình của chúng với đầy đủ các hoạt động, nên để mọi thứ diễn ra theo dòng chảy. Sự tuân thủ hà khắc các quy tắc sẽ chỉ khiến bạn thêm căng thẳng và kiệt sức, thậm chí khiến mọi thứ trở nên kém thú vị, kém hiệu quả hơn.
Hãy để cho trẻ chủ động và tự giác trong một số công việc nhỏ, vừa sức của mình. Điều này cũng giúp trẻ rèn luyện tính tự lập từ nhỏ và ba mẹ sẽ đỡ áp lực hơn.
Trở thành người bố, người mẹ giỏi lắng nghe
Các mối quan hệ bền chặt đòi hỏi phải giao tiếp lành mạnh và đối xử tôn trọng với mọi người, kể cả con bạn. Cha mẹ cần phải là một người lắng nghe tích cực, thay vì chỉ lắng nghe để phản hồi. Giao tiếp lành mạnh làm giảm xung đột gia đình và khiến bạn cảm thấy mình là cha mẹ hiệu quả hơn.
Phân bổ việc nhà cho con
Khi trẻ ở độ tuổi nhất định, nên phân bổ một phần việc nhà cho con. Bạn cần giải thích cho con rằng tất cả các thành viên trong gia đình đều cùng làm việc, vì mục tiêu xây dựng một ngôi nhà sạch sẽ và hạnh phúc.
Điều này tạo thói quen tốt cho trẻ, giúp con chủ động trong công việc của mình, biết cách sắp xếp đồ đạc và chia sẻ công việc với cha mẹ.