Được tài trợ bởi Quỹ Bill & Melinda Gates, hàng trăm nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã cùng làm việc để đưa ra bảng xếp hạng hệ thống chăm sóc sức khỏe của 195 quốc gia.
Trên The Lancet, nhóm tác giả cho biết đã tính toán chỉ số tiếp cận và chất lượng chăm sóc sức khỏe (HAQ) từ 0 đến 100 dựa trên tỷ lệ tử vong do 32 nguyên nhân phòng tránh được như bệnh đã có văcxin, bệnh tim mạch, ung thư từ năm 1990 đến 2016. Kết quả cho thấy Iceland sở hữu nền y tế tốt nhất hành tinh với điểm HAQ 97 còn Cộng hòa Trung Phi có nền y tế tệ nhất với điểm HAQ 19. Việt Nam xếp thứ 104 với điểm HAQ 60, thua một số nước như Peru, Venezuela, Syria, Iran và đứng trên Ai Cập, Triều Tiên, Bhutan.
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức trong ca ghép phổi cho bệnh nhi 7 tuổi. Ảnh: BVCC. |
Nhìn chung, từ năm 2000 đến 2016, chỉ số HAQ toàn cầu có xu hướng tăng, đặc biệt ở khu vực châu Phi cận Sahara và Đông Nam Á. 48 quốc gia gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Nepal được đánh giá phát triển tốt. Ngược lại, không ít quốc gia thể hiện sự tụt lùi.
Các nhà khoa học nhận định không có nguyên nhân đơn lẻ nào dẫn đến hiện trạng trên mà hệ thống chăm sóc sức khỏe phụ thuộc rất nhiều yếu tố như dân số và mức độ phân bổ, chính sách và cách quản lý của chính phủ, niềm tin vào hệ thống y tế, bất bình đẳng kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, bảng xếp hạng chỉ ra chất lượng dịch vụ y tế của các tỉnh thành thuộc cùng một quốc gia chưa chắc đã giống nhau. Ví dụ, ở Trung Quốc, điểm HAQ ở Bắc Kinh là 91,5 nhưng Tây Tạng chỉ đạt 48. Ngược lại, tại Nhật Bản, dao động giữa chỉ số HAQ cao nhất và thấp nhất chưa tới 5 đơn vị.
10 nước sở hữu hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất:
1. Iceland
2. Na Uy
3. Hà Lan
4. Luxembourg
5. Australia
6. Phần Lan
7. Thụy Sĩ
8. Thụy Điển
9. Italy
10. Andorra
10 nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe kém nhất:
186. Burundi
187. Bờ Biển Ngà
188. Nam Sudan
189. Kiribati
190. Guinea
191. Afghanistan
192. Chad
193. Guinea-Bissau
194. Somalia
195. Cộng hòa Trung Phi
Theo suckhoe.vnexpress.net