Như đã đưa tin, chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam sau khi xác định thành phần có chứa chất cấm phụ gia axit benzoic. Theo cơ quan chức năng Nhật, số tương ớt Chinsu này đã vi phạm khoản 2 điều 11 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật.
Kết quả phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo (Viện Nghiên cứu công nghệ thực phẩm Tokyo) đã xác định có hàm lượng axit benzoic trong lô sản phẩm này. Cụ thể:
Những chai tương ớt có hạn dụng ngày 10/6/2019: 0,41g axit benzoic/kg
Những chai tương ớt có hạn dụng ngày 17/6/2019: 0,44g axit benzoic/kg
Những chai tương ớt có hạn dụng ngày 06/7/2019: 0,45g axit benzoic/kg
Theo công bố, công ty đứng ra nhập khẩu các lô hàng tương ớt trên là Javis Co., Ltd có trụ sở tại Higashi-ku, Osaka, do ông Yasuhiro Naka là đại diện pháp luật. Đơn vị phân phối ra thị trường là Công ty TNHH Công nghiệp ISC.
Theo quy định tại Nhật Bản, axit benzoic không được sử dụng trong tương ớt. Do đó, lô hàng có chứa chất cấm theo tiêu chuẩn của quốc gia này đã bị thu hồi. Ngoài ra, Các sản phẩm của Masan cũng không được dán nhãn đầy đủ để khuyến cáo người dùng.
Vụ thu hồi tương ớt Chinsu của Masan: Vì sao Nhật Bản cấm, Việt Nam vẫn dùng? |
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học – Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN), axit benzoic là chất được sử dụng để chống nấm mốc trong thực phẩm và được phép sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, các nước chưa tìm được chất nào thay thế nên vẫn đang dùng axit benzoic trong thực phẩm.
Tuy nhiên, nếu để axit benzoic vào cơ thể với hàm lượng nhiều, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc. Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.
Nên dù không cấm nhưng Việt Nam có quy định về việc sử dụng phụ gia thực phẩm axit benzoic trong thực phẩm. Cụ thể tại thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30.11.2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.
GS-TSKH Vũ Minh Giang chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - trả lời trên báo Tuổi Trẻ, từ đầu những năm 1900, người ta đã chứng minh được Acid benzoic và muối benzoate khi gặp vitamin C có trong thực phẩm sẽ tạo thành phản ứng sinh ra benzene. Mà benzene đã được kết luận là chất gây ung thư từ những năm 1980 và được khuyến cáo tránh hấp thu benzene qua đường thở (không khí ô nhiễm), hoặc đường ăn uống (thực phẩm).
Trên thị trường Mỹ vào năm 2008, các nhà khoa học của FDA (Cục Quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ) đã phát hiện benzene trong một số mẫu nước giải khát sử dụng muối benzoate như chất bảo quản.
Đa số các loại rau củ quả, trái cây đều chứa vitamin C, nên việc sử dụng muối benzoate trong quá trình bảo quản các sản phẩm từ rau củ quả, trái cây, nước chấm có ớt hay cà đều làm tăng khả năng sinh ra benzene. Hơn nữa, bản thân nhóm benzoic - benzoate cũng gây độc ở người nếu chúng ta tiêu thụ nhiều hơn 5mg/kg thể trọng mỗi ngày, theo WHO.
Quay lại với vụ việc trên, Masan đã đưa ra lời giải thích rằng lô sản phẩm bị thu hồi không dành cho xuất khẩu mà dành riêng cho thị trường Việt Nam. Với lời giải thích của Masan có thể hiểu sản phẩm có chứa chất phụ gia có thể gây nguy hại cho sức khỏe có trong tương ớt Chinsu chỉ để dành riêng cho người Việt Nam? Còn sản phẩm xuất khẩu không có chất này để an toàn cho người dân các nước bạn? Những sản phẩm thực phẩm người Việt vẫn ăn uống hàng ngày đang là những sản phẩm thấp cấp hơn so với cùng sản phẩm được xuất khẩu?
Theo SHTT