Whitmore gia tăng tại Việt Nam
Chỉ trong hai tháng 10 và tháng 11 năm 2020, bệnh viện Đà Nẵng ghi nhận 28 ca bệnh có liên quan đến bệnh Whitmore, trong đó có 2 ca tử vong. Trước đó, Bệnh viện ĐK Quảng Trị cũng công bố ghi nhận 30 ca mắc từ tháng 2 đến nay, trong đó 4 người tử vong.
"Các ca bệnh này chủ yếu đến từ Quảng Nam, Nghệ An, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Tất cả các ca bệnh này đều có kết quả cấy dịch cơ thể như máu, mủ ổ áp xe, nước tiểu… dương tính với Whitmore", bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng, cho biết.
Ảnh minh họa vi khuẩn
Bệnh Whitmore không phải do "vi khuẩn ăn thịt người"
Trên trang web của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, bệnh Whitmore được gọi là Whitmore hoặc Melioidosis.
"Melioidosis, còn được gọi là bệnh Whitmore, là một bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm sang người hoặc động vật. Bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra", CDC Mỹ viết.
"Bệnh chủ yếu xuất hiện ở vùng khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á và bắc Úc. Vi khuẩn gây bệnh Melioidosis được tìm thấy trong nước và đất bị ô nhiễm. Nó lây sang người và động vật khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn bị ô nhiễm".
Tại website MedicineNet – một nhánh của WebMD (trang tin y tế sức khỏe hàng đầu thế giới – thông tin liên quan bệnh Whitmore không gắn liền với bất cứ cụm từ "vi khuẩn ăn thịt người" (Flesh-Eating Bacteria) nào.
"Melioidosis phổ biến xuất phát từ phổi, nơi nhiễm trùng có thể tạo thành một khoang chứa mủ (áp xe). Vi khuẩn cũng có thể lây lan từ da qua máu đến não, mắt, tim, gan, thận và khớp", theo MedicineNet.
Ảnh minh họa vi khuẩn
Tương tự trên Healthline – website uy tín hàng đầu ở Mỹ - Whitmore chỉ đơn giản là Whitmore hoặc Melioidosis. Healthline chỉ so sánh vết thương của Whitmore có thể giống với vết thương của vi khuẩn ăn thịt người.
"Nếu Melioidosis gây nhiễm trùng cục bộ, nó sẽ ảnh hưởng đến da và các cơ quan dưới da… Triệu chứng có thể bao gồm loét hoặc áp-xe trên hoặc ngay dưới da - những nốt này ban đầu có thể là những nốt cứng, màu xám hoặc trắng, dần trở nên mềm và bị viêm, sau đó trông giống như vết thương do vi khuẩn ăn thịt người gây ra", Healthline viết.
Vậy bệnh vi khuẩn ăn thịt người (Flesh-Eating Bacteria) thực chất là gì?
Vi khuẩn ăn thịt người thật sự
Khi tra cứu thông tin về căn bệnh thực sự là do "vi khuẩn ăn thịt người" trên các website uy tín, đáp án không phải là bệnh Whitmore.
Thực tế, căn bệnh liên quan đến "vi khuẩn ăn thịt người thực sự" có tên là bệnh Necrotizing Fasciitis.
Theo CDC Mỹ và Web MD, Necrotizing Fasciitis là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp do vi khuẩn, lây lan nhanh chóng trong cơ thể và có thể gây tử vong.
Necrotizing Fasciitis thường gây ra bởi nhóm vi khuẩn A Streptococcus. Trong nhóm này, một số loại vi khuẩn (Staphylococcus hay Vibrio vulnificus) có liên quan đến căn bệnh Necrotizing Fasciitis.
Lưng của bệnh nhân Mỹ mắc Necrotizing Fasciitis - ông Dave Bennett
Chân của bệnh nhân Mỹ mắc Necrotizing Fasciitis - cô Noelle Guastucci
Theo một nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ, bệnh Whitmore cũng có thể tiến triển thành bệnh Necrotizing Fasciitis, nhưng rất hiếm. Có nghĩa là, không phải người bệnh Whitmore nào cũng gặp biến chứng Necrotizing Fasciitis.
Về sự nguy hiểm của bệnh ăn thịt người, Web MD giải thích: "Necrotizing Fasciitis lây lan nhanh chóng và mạnh mẽ ở người bệnh. Nó gây chết mô tại vị trí nhiễm trùng và hơn thế nữa".
"Hàng năm, từ 600 đến 700 trường hợp được chẩn đoán nhiễm Necrotizing Fasciitis ở Mỹ. Khoảng 25% đến 30% trong số đó dẫn đến tử vong", theo Web MD.
Thực tế, mùa hè năm ngoái, bệnh vi khuẩn ăn thịt người Necrotizing Fasciitis đã gây xôn xao ở Mỹ sau khi khiến 3 người tử vong.
Kylei Brown - bé gái 12 tuổi người Mỹ nguy kịch vì Necrotizing Fasciitis
Ảnh chụp chân của Kylei Brown
Trong đó, có một phụ nữ 77 tuổi tên Lynn Fleming nhiễm vi khuẩn ăn thịt người sau khi đi bộ trên bờ biển Florida và ngã xước chân. Vết thương sau đó được sơ cứu nhưng không ngừng chảy máu, theo con trai của bà Fleming. Nhiễm trùng nhanh chóng lan trong cơ thể và chỉ 2 tuần sau đó, bà Fleming qua đời.
Một nạn nhân khác của bệnh vi khuẩn ăn thịt người là Dave Bennett, cũng ở Florida. Ông nhiễm Necrotizing Fasciitis sau khi đi bơi ở hạt Okaloosa. Bennett cũng đang bị ung thư, khiến ông có nhiều nguy cơ hơn do có hệ miễn dịch suy yếu.
Để phòng tránh vi khuẩn ăn thịt người, Web MD khuyến cáo rửa tay với xà phòng hoặc cồn rửa tay là một trong những cách tốt nhất. Ngoài ra, nếu bị thương, hãy rửa vết thương với xà phòng và nước sạch. Sau đó, dùng băng gạc khô và sạch che vết thương. Tốt nhất nên gặp bác sĩ nếu vết thương sâu. Không nên đi bơi hoặc tắm nước nóng nếu đang có vết thương hở trên da.
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)
* Đọc thêm bài viết của tác giả Trà My tại đây!
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/whitmore-khong-an-thit-nguoi-con-vi-khuan-that-su-an-thit-nguoi-lai-khong-phai-whitmore-162202611161755449.htm
Theo ttvn.vn