WHO công bố thử nghiệm 3 loại thuốc điều trị Covid-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11-8 cho biết cuộc thử nghiệm lâm sàng ở 52 quốc gia sẽ nghiên cứu 3 loại thuốc kháng viêm nhằm tìm kiếm phương pháp điều trị tiềm năng cho bệnh nhân Covid-19.

WHO cho hay về cuộc thử nghiệm Solidarity PLUS với 3 loại thuốc gồm artesunate, imatinib và infliximab đã được một ban chuyên gia độc lập chọn để nghiên cứu khả năng giúp giảm nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân Covid-19 nhập viện.

Artesunate hiện được sử dụng trong điều trị bệnh sốt rét nặng, imatinib dành cho một số bệnh ung thư và infliximab dùng cho những bệnh về hệ miễn dịch, như bệnh viêm đường ruột và viêm khớp dạng thấp.

WHO cho hay trong khuôn khổ thử nghiệm lâm sàng, thuốc Artesunate - do Ipca (Ấn Độ) sản xuất - sẽ được tiêm vào tĩnh mạch bệnh nhân trong 7 ngày liên tục, với liều tiêu chuẩn khuyến nghị giống điều trị bệnh sốt rét nặng. Với Imatinib - do Novartis (Thuỵ Sĩ) sản xuất - bệnh nhân sẽ uống thuốc này mỗi ngày một lần trong vòng 14 ngày. Trong khi đó, Infliximab - do hãng Johnson and Johnson sản xuất - sẽ được tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân với một liều duy nhất.

Một nhà khoa học làm việc tại trung tâm nghiên cứu hợp tác của WHO ở Thái Lan. Ảnh: WHO

Theo hãng tin Reuters, trong khuôn khổ chương trình thử nghiệm Solidarity hồi năm ngoái, 4 loại thuốc gồm Remdesivir, Hydroxychloroquine, Lopinavir/Ritonavir và Interferon được thử nghiệm trên hơn 13.000 bệnh nhân ở 500 bệnh viện thuộc 30 quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cả 4 loại thuốc đều cho hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Đến nay, chỉ có Corticosteroid cho thấy hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nặng.

Cuộc thử nghiệm Solidarity PLUS dự kiến sẽ có sự tham gia của hàng ngàn nhà nghiên cứu tại hơn 600 bệnh viện ở 52 quốc gia.

Thông báo về cuộc thử nghiệm mới được đưa ra sau khi thế giới ghi nhận hơn 205 triệu ca nhiễm, chỉ mất 6 tháng kể từ khi thế giới vượt qua 100 triệu ca nhiễm nhưng con số thực tế được cho là còn cao hơn nhiều.

Ông Tedros cảnh báo với tốc độ lây lan dịch bệnh hiện tại, thế giới có thể vượt qua mốc 300 triệu ca nhiễm vào đầu năm tới. Tuy nhiên, lãnh đạo WHO cho rằng thế giới vẫn có thể tránh được kịch bản trên khi giờ đây đã có nhiều công cụ để ngăn ngừa, xét nghiệm và điều trị.

 

 

Theo afamily.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU