Xôn xao vụ 1 giảng viên bóc mẽ: "Trẻ con sao học lập trình nổi? Mấy khoá lập trình cho trẻ em chỉ là cho trẻ chơi 1 cái game"!

(lamchame.vn) - Xung quanh vấn đề này cũng nảy sinh nhiều tranh cãi.

Cô Minh Lý (Hà Nội).

Theo cô Minh Lý, lập trình Scratch được đưa vào dạy trong môn Tin học của Chương trình đổi mới Giáo dục Việt Nam sau 2018. Nó cũng được dạy ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Nó nằm trong môn Tin học, môn bắt buộc cũng như tiếng Anh vậy.

Tác giả bài viết chỉ nghe qua "ông anh thân thiết" của nhà bạn ấy – dù có là giảng viên CNTT thì không có nghĩa "ông anh ấy" hiểu về Scratch. Bạn chỉ nghe thầy khen con mình kinh khủng mà đã "tưởng rằng con giỏi về logic quá, có khiếu lập trình quá, con mình có thể thành lập trình viên".

"Không phải cứ học lập trình là để thành lập trình viên, là có thể bay đến Mỹ. Cũng như con nhà người ta những 12 – 15 năm học Toán, học Lý, học Hóa, học Văn… không phải đều trở thành nhà Toán học, nhà Vật lý học, nhà Hóa học, nhà Văn... vậy.  Thực tế thì tôi luôn nói với các phụ huynh và học trò của mình rằng: Học Scratch không có nghĩa chỉ để trở thành Lập trình viên. Cũng như học Văn, không nhất thiết là để trở thành nhà Văn mà trước hết là để làm người!

Trước khi có Scratch các học sinh cấp 1 học LOGO, cấp 2 học Pascal… sao không có ai mơ sẽ trở thành lập trình viên, sẽ bay sang thung lũng Silicon mà chỉ đến khi con học Scratch mới mơ tưởng rằng con mình giỏi logic, giỏi lập trình?

Cũng đừng nói rằng Scratch không phải là lập trình, nó chỉ là một trò chơi. Hãy vào trang Scratch.mit.edu đọc một chút. Hãy xem trẻ em khắp nơi trên thế giới dùng Scratch để làm gì. Để sáng tạo. Sáng tạo ra cái gì? Ra những đoạn hoạt hình, những dự án âm nhạc, những câu chuyện, những trò chơi… Hãy xem trẻ em sáng tạo như thế nào và hãy nhìn lại xem trẻ em Việt Nam sáng tạo được gì hay chỉ là những tư duy manh mún thiển cận: Dùng Scratch để thi, để giải Toán?", cô Lý phản biện.

Theo giáo viên này, khi lên cấp 2, con va vào lập trình là bập ngay vào hàng loạt khái niệm: Là biến, là mảng, là thủ tục, là chương trình con, là lệnh gán là nọ kia. Rất khó. Chỉ làm quen thôi đã hoa mắt chóng mặt và nhiều người bỏ cuộc.

Ấy là chưa kể, lên cấp 2 con cũng làm quen với nhiều khái niệm Toán học: Tọa độ, trục x, trục y, số âm, số dương và hàng loạt các khái niệm mới. Mà những thứ đó, diễn giải ở cấp 2 cao siêu và rắc rối. Các mẹ vẫn kêu là con học nặng, không hiểu gì cả. Thế thì Scratch sinh ra để giúp con bạn làm quen và để giải quyết những khó khăn ấy.

"Tôi không nói Scratch cao siêu gì nhưng nó giúp các em bé tự làm được một cái gì đấy. "Cái gì đấy" giúp bọn trẻ tự tin và vui vẻ. Có những đứa trẻ nhút nhát, suốt ngày bị cô phê bình, chỉ trích. Nó cần làm được một cái gì cụ thể, một điểm tựa, một chút lòng tin để khẳng định mình. Và nó đến với Scratch. Tôi đã dạy và chứng kiến sự trưởng thành cũng như ánh mắt vui vẻ tự tin từ không ít những đứa trẻ như thế.

Scratch không dạy đứa trẻ nói suông. Nó sáng tạo và tạo ra sản phẩm. Đứa trẻ nghe rồi sẽ quên, học rồi sẽ hiểu, làm rồi sẽ nhớ. Có môn học nào giúp đứa trẻ tự tay làm ra một sản phẩm hoàn toàn theo ý nó mà không bị gò ép về ý tưởng như Scratch không? Học giỏi tiếng Anh có chắc sẽ đem lại tư duy logic, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề và hàng loạt các kỹ năng con bạn còn thiếu không?

Bạn nói rằng: "Trẻ con tiểu học không thể học và viết code. Nói cách khác, trẻ con tiểu học còn quá nhỏ, tư duy chưa đủ để học những thứ phức tạp như trên". Tôi đồng ý, lập trình không hề dễ và cần phải học rất nhiều thứ có liên quan. Vậy đợi đến khi chúng lớn lên để nhồi nhét hay cho chúng làm quen từ từ?", cô Lý nói.

Các con học để lập trình, lập trình để học, đây là triết lý của Scratch. Độ tuổi học lập trình theo cô Minh Lý nên từ lớp 3, còn Scratch thì từ 6 - 18 tuổi. Họ có phần mềm Scratch JR cho trẻ từ mẫu giáo.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU