"Con dao hai lưỡi"
Ngày nay, thế giới mạng xã hội mang đến những điều không có giới hạn. Bạn bè cách xa nửa vòng Trái đất dường như vẫn hiện diện mỗi ngày khi chúng ta nhìn thấy gia đình họ, nhà của họ, đọc được cả những gì họ trò chuyện với đồng nghiệp, hàng xóm qua bình luận. Cuộc sống của mỗi người bùng nổ những kết nối và chia sẻ choáng ngợp đến đáng sợ.
Mỗi người mở toang cuộc sống của mình ra với thế giới và ai cũng có thể đặt một chân vào thế giới người khác nếu thích. Theo bài phân tích của Wall Street Journal, mạng xã hội Instagram, Facebook, Tiktok… chính là một "con dao hai lưỡi", nơi ẩn chứa cả những thông tin tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến nhận thức và hành vi của người dùng. Từ một nền tảng giúp kết nối mọi người với nhau, Facebook hay Instagram trở thành nơi nuôi dưỡng nỗi ám ảnh được chú ý, nơi khuyến khích các cảm xúc và nội dung giật gân, kích động, thù địch nhằm có sự chú ý và tương tác tốt nhất cho nền tảng.
Các tác động của lượt "thích", "bình luận" mang đến nhiều bất lợi cho tâm lý con người hiện đại. Nhiều người lo lắng, mệt mỏi và trầm cảm khi tiếp nhận thông tin từ các ứng dụng này. Họ bị cuốn theo những cuộc tranh luận vô bổ và sai lệch trên mạng xã hội. Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, 3/4 phụ nữ được hỏi trả lời, mạng xã hội dễ khiến họ so sánh mình với bạn bè đồng trang lứa, với những thứ đẹp đẽ giả tạo, gây tác động tiêu cực về tâm lý.
Tiến sĩ Jeff Lambert, người dẫn đầu đội nghiên cứu đến từ Đại học Bath, chia sẻ: "Nhiều người coi mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và là cách họ tương tác với những người khác. Nhưng nếu bạn dành hàng giờ đồng hồ mỗi tuần chỉ để lướt mạng xã hội, bạn sẽ cảm thấy bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo nghiên cứu, những người tạm dừng dùng các mạng xã hội như Tiktok, Instagram, Twitter hay Facebook trong vòng 7 ngày có sự cải thiện rõ rệt về sức khỏe tinh thần".
Vì thế, rời bỏ mạng xã hội chính là cách hữu hiệu nhất để ngăn chặn những biểu hiện bất thường trong tâm, sinh lý của giới trẻ. Thay vì cắm mặt vào điện thoại cả ngày và không để ý gì đến xung quanh; thay vì đốt thời gian cho những dòng trạng thái vô nghĩa, những nút "like" phong trào, các bạn trẻ sẽ có thêm thời gian cho bạn bè thực và giao tiếp với họ nhiều hơn ngoài đời sống. Họ cũng có thể tranh thủ luyện tập thể thao, chạy bộ và giúp cơ thể khỏe hơn.
1/4 người Mỹ đã xóa Facebook khỏi điện thoại kể từ năm 2018. Nhiều người thuộc thế hệ Gen Z (nhóm người sinh năm 1997 đến năm 2012) của Mỹ cho biết, việc "rút phích cắm" khỏi mạng xã hội không có tác động tiêu cực nào đến đời sống xã hội của họ. 3 năm xóa ứng dụng Facebook, Tiktok, Instagram..., cô gái người Mỹ Gabriella Steinerman (20 tuổi) nhận ra một điều, cô không hề cần đến mạng xã hội. Đang học ngành kinh tế, cô từng có khoảng thời gian dài ngồi lọc chọn hàng chục bức ảnh gần như giống hệt nhau để chia sẻ lên mạng. "Đó không phải điều nên làm. Đây là hành vi ám ảnh và độc hại nhưng ít người biết vì nghĩ chúng bình thường. Khi bạn xóa chúng đi rồi, bạn nhận ra cuộc sống không hề cần đến chúng", Gabriella chia sẻ.
Sống tích cực, tìm niềm vui thực
Nhận ra mạng xã hội đang kiểm soát tâm lý con người, nhiều người trẻ tìm đến những phương pháp "giải độc" khỏi các ứng dụng để tận hưởng trọn vẹn cuộc sống thực. Mục đích của phương pháp này là để con người giảm bớt những căng thẳng, những buồn phiền vô cớ khi tiếp xúc với thế giới số. Pat Hamrick, sinh viên đại học bang Pennsylvania, Mỹ, đã từ bỏ Instagram và Facebook 2 năm trước khi tình trạng tự ti và mặc cảm gia tăng.
"Mạng xã hội khiến tôi vô thức so sánh mình với những người khác. Lâu dần thành thói quen khó bỏ", Pat nói. Chàng trai 22 tuổi này quyết định xóa ứng dụng và nhận ra cuộc sống thường ngày tốt hơn. Giờ đây anh có thể chuyên tâm làm việc và yêu thương chính mình.
Một số người thuộc thế hệ Gen Z thậm chí không có ý định dùng mạng xã hội ngay từ đầu như Tzali Evans, sinh viên 22 tuổi tại Cooper Union. "Tôi tin rằng những cuộc gặp gỡ, chia sẻ ngoài đời thực chắc chắn có giá trị hơn tương tác trên mạng xã hội", Evans nói. Tim Lanten (25 tuổi), sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh tại trường Đại học Columbia, Mỹ, từ chối tải TikTok vì ứng dụng này "lôi kéo những người trẻ tìm kiếm sự chú ý nhất thời". Manny Srulowitz (21 tuổi) cũng nói sử dụng TikTok khiến lãng phí thời gian quá nhiều. Manny đã rất ngạc nhiên khi thấy việc dành ít thời gian hơn cho các ứng dụng không có tác động tiêu cực nào đến đời sống xã hội của bản thân.
Lindsey Zeitzman (39 tuổi) đến từ bang Minnesota, Mỹ, nhận ra mình có nhiều việc cần làm mỗi ngày hơn cô nghĩ kể từ khi giảm thời gian bên màn hình máy tính, điện thoại. "Tôi rất ngạc nhiên khi biết mình đã lãng phí bao nhiêu thời gian cho việc lướt mạng xã hội. Tôi đã xóa ứng dụng Instagram từ năm 2020. Giờ tôi dành thời gian đọc sách, ở bên gia đình hoặc nấu ăn mà không cần ôm lấy điện thoại", cô tâm sự.
Ngày càng nhiều nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng thế giới cũng nói "không" với mạng xã hội. Từng được mệnh danh là "nữ hoàng Instagram" khi là người nổi tiếng được theo dõi nhiều nhất trên nền tảng mạng xã hội này năm 2016, ca sĩ nhạc pop Selena Gomez nói không sử dụng internet trong suốt 4 năm rưỡi qua.
"Điều đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Tôi hạnh phúc hơn, kết nối với mọi người ngoài đời thực nhiều hơn. Tôi hiểu sức mạnh của internet như thế nào và theo nhiều cách, chúng từng mang lại những điều tốt đẹp cho thế giới. Nhưng tôi nhận được hạnh phúc thực sự nhờ những người hiện hữu trong cuộc đời mình chứ không phải nick ảo", Gomez nói trong chương trình Good Morning America.
Tổng hợp