"Xui nhau" dùng nước muối đậm đặc súc mũi rửa virus SARS-CoV-2, bác sĩ thốt lên: Đừng nghe đồn nhảm mà... rước thêm bệnh!

Việc dùng nước muối ưu trương để loại bỏ vi khuẩn, vi nấm chính là hủy hoại luôn niêm mạc. Khi đó tế bào lông không chuyển động, khoang mũi sẽ bị khô vì thiếu lớp nhầy, tế bào biểu mô không còn làm tròn chức năng làm ẩm/ấm và làm sạch không khí hít vào. Điều này sẽ gây ra bệnh lý tại chỗ của mũi xoang và các bệnh lý khác của đường hô hấp.

LGT: Khi dịch COVID lan rộng, đồng thời các tin giả về phương pháp điều trị người bệnh cũng lan nhanh như cỏ dại, đặc biệt khi nó được chia sẻ bởi các bác sĩ hay những người có lượng theo dõi lớn trong mạng xã hội thì thường được mặc định là hoàn toàn đúng và dễ dàng tin theo. Tuy nhiên, không ít trong số đó là những hướng dẫn sai khoa học và có thể gây thiệt hại không lường được cho người khác.

Một trong những tin đồn sai được lan truyền là dùng nước muối thật mặn, thật đậm đặc để súc mũi nhằm rửa sạch virus hoặc lột luôn lớp niêm mạc mũi khiến virus không bám vào được.

Xin giới thiệu bài viết của BS Đặng Ngọc Trân, chuyên ngành Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện quận 1 TP HCM để hiểu vì sao tuyệt đối không được dùng biện pháp này.

Hiểu về mũi

Trong khoang mũi có hai loại niêm mạc. Niêm mạc biểu mô khứu giác nằm ở vùng trên của khoang mũi và là nơi chúng ta tìm thấy các cơ quan cảm thụ mùi. Phần còn lại của niêm mạc mũi được gọi là niêm mạc đường hô hấp có chứa các tế bào biểu mô trụ giả tầng có lông chuyển, tế bào có tuyến nhầy và tuyến huyết thanh.

Hàng ngày các tuyến này tiết ra khoảng 1 lít dịch có vai trò làm ẩm, làm ấm và lọc sạch không khí hít vào trước khi đi xuống phổi.

Dẫn lưu dịch trong khoang mũi xoang xuống họng

Các tuyến nhầy tạo ra chất nhờn gọi là "gel", có tính bám dính, nên nó bắt giữ bụi, vi khuẩn, vi nấm và các mảnh vụn.

Nôm na dễ hiểu là chất nhầy bắt giữ những gì có hại trong luồng khí ta hít vào trước khi cho luồng khí đó đi xuống phổi. Nó cũng tiết ra chất lỏng gọi là "sol", chất sol lỏng này tạo môi trường thuận lợi giúp các lông mao chuyển động. Các sợi lông mao chuyển động đưa chất nhầy sinh lý này đi ra hai lỗ mũi sau, đi xuống họng, rồi xuống dạ dày và được dịch dạ dày xử lý.

Nhưng để quá trình này được diễn ra đúng với sinh lý bình thường thì lông mao phải chuyển động được (lông mao chuyển động được là nhờ có chất lỏng gọi là "sol"), và chất nhầy tiết ra phải đủ. Muốn như vậy thì tế bào biểu mô phải sống và hoạt động tốt.

Nhưng việc dùng nước muối đậm đặc (ưu trương) để rửa mũi sẽ làm cho các tế bào biểu mô hô hấp bị teo tóp lại, do sự thẩm thấu dịch trong tế bào ra môi trường bên ngoài có nồng độ cao hơn, xem như là không thể hoạt động được nữa.

Tóm lại, việc dùng nước muối ưu trương để loại bỏ vi khuẩn, vi nấm chính là hủy hoại luôn niêm mạc. Khi đó tế bào lông không chuyển động, khoang mũi sẽ bị khô vì thiếu lớp nhầy, tế bào biểu mô không còn làm tròn chức năng làm ẩm/ấm và làm sạch không khí hít vào. Điều này sẽ gây ra bệnh lý tại chỗ của mũi xoang và các bệnh lý khác của đường hô hấp.

Virus nói chung, bao gồm SARS-CoV-2 hiện nay, đều sống bên trong tế bào người, chứ không sống bên ngoài tế bào như vi nấm hay vi khuẩn. Nên dùng nước muối ưu trương hay nhược trương hay đẳng trương chẳng có tác dụng gì với chúng. Muốn diệt chúng chắc phải nhổ hết tế bào, đồng nghĩa là bóc luôn niêm mạc mũi xoang.

Vậy tại sao nhà thuốc vẫn bán nước muối ưu trương, bác sĩ vẫn kê toa nước muối ưu trương?

Vì có những bệnh lý mũi xoang phải dùng đến chúng. Một số người có bệnh viêm mũi xoang mạn tính khi chuyển mùa hoặc khi bị cảm cúm sẽ bị đợt cấp viêm mũi xoang mạn. Lúc đó, niêm mạc mũi xoang phù nề sung huyết, đặc biệt niêm mạc quanh lỗ thông xoang khi phù nề gây bít tắc, ảnh hưởng đến sự dẫn lưu dịch từ xoang ra khoang mũi.

Việc dùng nước muối ưu trương trong 1-2 ngày đầu của bệnh kết hợp với các thuốc điều trị khác giúp giảm sự phù nề của niêm mạc, giúp việc dẫn lưu dịch ra khỏi các xoang dễ dàng hơn, mũi thông thoáng hơn, cải thiện luồng không khí hít vào.

Hoặc với một số trường hợp viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn, lượng nhầy trong khoang mũi nhiều và đặc dạng nhầy mủ thì việc dùng nước muối ưu trương 1-2 ngày đầu giúp tăng sự thanh thải của niêm mạc, làm loãng nhầy, hỗ trợ làm sạch khoang mũi.

Bác sĩ Tai-Mũi-Họng dùng nước muối trong bệnh lý mũi xoang để làm loãng dịch nhầy bệnh lý, là phương pháp tưới rửa vật lý giúp dẫn lưu những chất nhầy đó ra khỏi khoang mũi qua hai cái lỗ mũi trước, để hạn chế bớt chất nhầy bệnh lý này đi xuống họng thanh quản gây viêm họng viêm thanh quản, hạn chế việc nuốt dịch nhầy bệnh lý này vào đường tiêu hóa.

Nhưng đó là việc của bác sĩ chuyên ngành. Không khuyến cáo bệnh nhân tự mua nước muối ưu trương để tự sử dụng.

Đợt cấp viêm mũi xoang mạuk

Có thể dùng nước muối sinh lý với hướng dẫn của bác sĩ

Chưa thấy có nghiên cứu khoa học nào khuyến cáo sử dụng nước muối ưu trương, nhược trương hay đẳng trương mỗi ngày đại trà cho toàn bộ dân số để ngăn ngừa những bệnh lý về mũi xoang, kể cả khi dịch bệnh đang diễn ra.

Khi bị viêm mũi dị ứng, viêm mũi cấp thường cũng không có chỉ định thường quy dùng nước muối vệ sinh mũi. Trong một vài trường hợp khi dịch mũi tăng tiết quá nhiều, để giảm triệu chứng tại chỗ, bác sĩ sẽ khuyên sử dụng nước muối sinh lý (nước muối đẳng trương).

Xin nhớ cơ thể có chức năng tự làm sạch và bảo vệ, mọi hành động can thiệp quá mức đều gây phản tác dụng.

Nếu vì yếu tố tâm lý, bạn thấy an tâm hơn khi cần phải làm sạch virus ở mũi họng (đường lây nhiễm chính trong đại dịch hiện nay), bạn có thể dùng nước muối đẳng trương. Nhưng không nên nghĩ phương pháp làm sạch này là có thể đạt 100% hiệu quả ngăn ngừa việc lây nhiễm. Hiện nay phương pháp này không được WHO hay Bộ Y tế đưa vào danh sách các biện pháp phòng ngừa chính thống.

Tóm lại, để ngăn ngừa việc lây nhiễm những bệnh lý đường hô hấp, việc cần làm là khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách an toàn, không nên ở trong phòng kín và quá lạnh. Tập thể dục, ăn ngủ điều độ, tuân thủ hướng dẫn chính thức của ngành y tế và đừng nghe tin đồn nhảm.

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU