Hệ quả dùng đòn roi dạy con
Hiện nay, không ít cha mẹ vẫn có quan điểm cho rằng: "Thương cho roi cho vọt/Ghét cho ngọt cho bùi". Do vậy, một số bậc phụ huynh đã sử dụng đòn roi để dạy bảo con. Theo các nghiên cứu trên thế giới, cách dạy con bằng đòn roi hay bạo lực sẽ không giúp cho trẻ ngoan và biết nghe lời hơn.
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh cho biết: "Chúng ta cần phải nhìn nhận việc giáo dục trẻ bằng đòn roi ở 3 góc độ, để thấy rõ hệ quả của cách giáo dục trẻ bằng đòn roi".
Thứ nhất, ở góc độ của pháp luật, Việt Nam đã có quy định và cũng đã ký công ước quốc tế không được sử dụng bạo lực với trẻ em ở bất cứ hình thức nào. Như vậy, chúng ta đã không chấp nhận sử dụng bạo lực đối với trẻ em.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những câu chuyện đau lòng về việc sử dụng đòn roi để dạy trẻ.
Thứ hai, ở góc độ tâm lý, ở bất cứ thời nào thì cách giáo dục con bằng đòn roi đều không tốt. Các nghiên cứu khoa học trên thế giới đều đề cập tới việc đánh đập trẻ con sẽ gây ra những tổn thương tâm lý về lâu dài.
"Những đứa trẻ được giáo dục bằng đòn roi sẽ có nguy cơ phát sinh các vấn đề về rối nhiễu tâm lý và tâm bệnh hơn là những đứa trẻ không bị giáo dục bằng đòn roi", bác sĩ Minh phân tích thêm.
Một số nghiên cứu trên thế giới cũng đã chỉ ra, việc đánh con để dạy con không chỉ đem lại đau đớn về mặt thể xác mà còn cả về sức khỏe tinh thần. Việc đánh đòn dễ khiến trẻ mắc chứng rối loạn hành vi xã hội, rối loạn tinh thần, căng thẳng và bất ổn về mặt cảm xúc. Những điều này dẫn đến việc trẻ luôn có những suy nghĩ tiêu cực, tâm trạng buồn bã, chán nản, không muốn làm gì. Suy giảm khả năng nhận thức cũng là một trong những hậu quả mà các bậc phụ huynh cần chú ý đến.
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh.
Thứ ba, theo bác sĩ Minh, về góc độ giáo dục, việc sử dụng đòn roi và bạo lực là phương pháp phi giáo dục. Từ hành vi sử dụng đòn roi để dạy con vô tình đã khiến chúng bắt chước hành vi này và sinh ra các suy nghĩ bạo lực.
"Trẻ sẽ chỉ học được bạo lực từ bạo lực, trẻ không thể học được yêu thương từ bạo lực. Thời nào cũng vậy, việc dùng đòn roi để dạy con là không phù hợp và có thể để lại hậu quả cho trẻ", bác sĩ Minh phân tích.
Hiện nay, không ít bậc cha mẹ "bất lực" trong vấn đề dạy con và họ phải sử dụng đòn roi. Bác sĩ Minh cho rằng, đây là một điều dễ hiểu nếu như bố mẹ lựa chọn cách dạy con dễ nhất cho mình.
"Có nghĩa là khi bố mẹ sử dụng đòn roi để dạy con, đó là cách dễ nhất cho phụ huynh, nhưng lại khó cho con", bác sĩ Minh tư vấn.
3 lời khuyên để dạy con không cần đòn roi
Để giúp bố mẹ dạy con không cần tới việc sử dụng đòn roi, bác sĩ Minh đưa ra 3 lời khuyên sau:
1. Dành thời gian cho con
Thời gian là món quà vô giá để bố mẹ có thể thấu hiểu được con.
2. Học hỏi kỹ năng làm cha mẹ
Không có một ai có khả năng thiên bẩm để làm cha hay làm mẹ được. Do vậy, cha mẹ nên tham gia các khóa học để có thêm kỹ năng để thấu hiểu, lắng nghe các con và để biết cách dạy con bằng cách phi bạo lực.
3. Tìm tới chuyên gia hỗ trợ tâm lý
Khi phụ huynh dùng bạo lực với con thì cũng nói lên khó khăn tâm lý của chính phụ huynh. Điều này có nghĩa là việc kiểm soát cảm xúc nóng giận của bố mẹ đang có những khó khăn nhất định. Nếu cần thiết, bố mẹ nên nhờ tới sự hỗ trợ tâm lý để giải quyết những stress mà bản thân đang gặp phải.
Bác sĩ Minh cho biết thêm, khi bố mẹ có đủ yêu thương, kiên nhẫn và thời gian dành cho con thì sẽ không có chuyện họ phải tìm tới đòn roi để giúp con ngoan hơn.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Minh đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ bị tăng động, nghịch ngợm, hiếu động hơn trẻ bình thường gấp cả trăm lần. Nhưng những bậc phụ huynh của những đứa trẻ này đều không sử dụng đòn roi đối với con mình.
Theo soha.vn