Yêu con đúng cách: Sự thay đổi trong quan điểm nuôi dạy con của người Việt qua 3 thế hệ

Thời chiến tranh, bao cấp khó khăn bố mẹ buộc phải để con tự lập từ nhỏ. Kinh tế đi lên bố mẹ muốn dành cho con những điều kiện tốt hơn, đôi khi đi cùng với sự bảo bọc, nuông chiều… Ngày nay, các bố mẹ trẻ có xu hướng cân bằng, sẵn sàng thử thách nhưng luôn là hậu phương vững chắc giúp con lớn khôn…

Trải qua ba thế hệ, quan điểm nuôi dạy con của các ông bố bà mẹ Việt đã có nhiều thay đổi để phù hợp với từng thời kỳ. Thử cùng đi từ quá khứ đến hiện tại qua 3 câu chuyện có thật để xem những cô bé, cậu bé đã lớn lên ở mỗi thời kỳ khác nhau như thế.

Câu chuyện thứ nhất: Bác tôi

Bác gái tôi sinh ra vào những năm bom đạn khốc liệt nhất của thế kỷ trước. Qua lời kể của bà ngoại, 5 tuổi bác đã phải cùng bà từ thành phố đi sơ tán lên Bắc Kạn để tránh máy bay địch ném bom như bao gia đình khác thời bấy giờ. Năm sau, mẹ tôi ra đời, và bác tôi mới chỉ 6 tuổi đã phải làm hết mọi việc từ nấu cơm, giặt rũ, bế em, quấy bột cho em... để bà đi làm. Em lớn một chút, bác vừa đi học nhưng chiều về vẫn vào rừng bẻ măng bán kiếm tiền… Nhờ tự lập từ nhỏ nên việc gì bác cũng tháo vát, trưởng thành trước tuổi.

Thời chiến tranh, bao cấp; ngay từ khi còn nhỏ, mỗi đứa trẻ đã phải đối mặt với vô số thử thách từ cuộc sống (Ảnh: Internet)

Bác tôi cũng giống như rất như rất nhiều đứa trẻ cùng thời khác, vì điều kiện mà buộc phải tự lập, trưởng thành từ nhỏ. Những đứa trẻ được hun đúc qua khói lửa chiến tranh, qua những đói khổ thời kỳ bao cấp khi trưởng thành thường rắn rỏi, mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách của cuộc đời. Dù vậy, việc đẩy con ra với những thử thách vào thời kỳ đó là điều bắt buộc với các bố mẹ. Và nếu có điều kiện tốt hơn, được bố mẹ hỗ trợ tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần, những đứa trẻ thời kỳ đó chắc chắn còn phát triển tốt hơn rất nhiều.

Câu chuyện thứ hai: Tôi

Tôi sinh năm 1990, thời kỳ đất nước bắt đầu mở cửa, điều kiện kinh tế cũng khá hơn trước nhiều. Bố mẹ tôi cũng giống như bao cặp bố mẹ thời kỳ đó, trải qua đói khổ nên muốn con cái mình có một cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp hơn. Song song với việc đem lại điều kiện vật chất tốt hơn, bố mẹ cũng bảo bọc và đặt nhiều kỳ vọng hơn cho tôi. Thời nhỏ, thử thách lớn nhất mà bố mẹ đặt cho tôi là học, học và học… Bố mẹ ít cho tôi chơi chung với bạn bè vì sợ con bị đám bạn xấu lôi kéo, không cho tôi động tay tới việc gì vì sợ con mệt không có sức học và luôn lấy "con nhà người ta" ra so sánh khi tôi lỡ chẳng may bị điểm kém…

Với tôi và nhiều đứa trẻ khác, thử thách lớn nhất thuở ấu thơ chính là: Học sao cho bằng được "con nhà người ta"!

Được "bảo bọc" kỹ khiến tôi gặp nhiều khó khăn khi bước vào cuộc sống tự lập. Tôi từng có những tháng ngày vô cùng khổ sở khi làm quen cuộc sống mới thời đại học. Từng có những thời điểm bế tắc tới tức giận khi bố mẹ đang cố chọn cho mình con đường mình không muốn… Nhưng sau cùng tới ngày hôm nay khi đã trở thành bố, tôi hiểu rằng bố mẹ chỉ muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho mình. Và cách nuôi dạy tôi của bố mẹ tôi thời kỳ đó xét cho cùng cũng là phù hợp với hoàn cảnh.

Câu chuyện thứ ba: Con tôi

Con tôi mới vừa tròn 2 tuổi vài ngày trước. Tham khảo qua đủ sách vở, thông tin trên mạng và từ kinh nghiệm của bản thân... Vợ chồng tôi muốn trở thành hậu phương, người bạn đồng hành trong quá trình trưởng thành của con. Sẵn sàng tạo ra những thử thách để con trải nghiệm nhưng vẫn luôn ở bên con, cùng con đứng dậy những lúc khó khăn, vấp ngã…

Ngày nay, những ông bố bà mẹ trẻ với nhiều lợi thế so với thế hệ trước cũng hướng tới cách nuôi dạy con hiện đại hơn, sẵn sàng để con đương đầu với những thử thách để lớn khôn (Ảnh: Thử thách lớn khôn)

Từ những thử thách đơn giản và phù hợp với lứa tuổi như để con tự xúc ăn, tự rửa tay, cài cúc áo... cũng dần rèn luyện cho con tính tự lập. Khi con hoàn thành công việc dù thành công hay không, một lời động viên, khen ngợi cũng luôn cần thiết để con tự tin hơn.

Kết:

Bố mẹ nào mà không yêu thương con, muốn dành cho con những điều tốt nhất, muốn con trưởng thành, lớn khôn… Và những ông bố, bà mẹ hiện đại với rất nhiều lợi thế so với thế hệ trước cũng đang tiên phong trên con đường thay đổi nhiều quan niệm có phần "lạc hậu" về nuôi dạy con cái tại Việt Nam.

Không chỉ những đứa trẻ phải học trưởng thành, những người làm bố, làm mẹ cũng phải học, một khóa học cả đời của mỗi chúng ta. Học để kiên nhẫn, đồng hành với con, hiểu suy nghĩ và mong muốn của con, tạo cho con những trải nghiệm phong phú bằng cách dành thời gian và thương yêu chúng theo cách của mình.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU