So sánh dinh dưỡng trong tôm đồng và tôm biển
Tôm là thực phẩm khá quen thuộc với người dân Việt. Ở nước ta, có quan niệm cho rằng tôm càng to thì giá trị dinh dưỡng càng cao; hoặc tôm biển nhiều chất hơn tôm đồng.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), về mặt dinh dưỡng thì tôm đồng và tôm biển gần giống nhau. Cả tôm đồng và tôm biển đều có phần thịt và vỏ nhưng thịt tôm đồng thường ít hơn.
Theo bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam (Viện dinh dưỡng Quốc Gia), trong 100g tôm đồng có 76.9 g nước, 90 Kcal, 18.4g protein, 1,8g lipid, 1120mg canxi, 2.20 mg sắt, 42 mg magie, 150mg photpho, 316mg kali, 0.02 vitamin B1, 0.03 vitamin B2 và một số vitamin và khoáng chất khác.
Còn trong thịt của 100g tôm biển có 79.2g nước, 82 Kcal, 17.9g protein, 0.9g lipid, 79mg canxi, 1.60mg sắt, 37mg magie, 184mg photpho, 185 kali, 0.04mg vitamin B1, 0.08mg vitamin B2 và một số vitamin và khoáng chất khác.
Như vậy, protein, vitamin và chất khoáng trong tôm đồng và tôm biển là tương đương nhau. Riêng canxi thì trong thịt tôm đồng có nhiều hơn tôm biển.
Tôm biển, ảnh minh hoạ.
Có đúng canxi có nhiều trong vỏ tôm?
Hiện nay, mọi người ăn tôm vì cảm giác ngon miệng, hợp khẩu vị, đồng thời vì muốn bổ sung canxi.
Nhiều người vẫn cho rằng ăn tôm phải ăn vỏ để lấy canxi nhưng đây là một quan điểm sai lầm. Thực chất, vỏ của tôm chỉ là lớp màng bảo vệ cho con tôm. Trong các loại vỏ của động vật, chỉ có vỏ ốc có canxi. Nhưng canxi trong vỏ ốc là vô cơ nên cơ thể không thể tiêu hoá được.
"Canxi có nhiều trong thịt của tôm. Đây là canxi hữu cơ tốt cho xây dựng xương, và bộ máy tiêu hoá cũng hấp thu dễ dàng", vị chuyên gia công nghệ thực phẩm phân tích.
Ăn tôm đúng cách
Về tính an toàn khi ăn, tôm đồng thường lành tính hơn so với tôm biển do môi trường sinh sống của tôm đồng là nước ngọt, ít có những sinh vật có độc. Còn tôm biển sống ở ngoài đại dương có rất nhiều loại tảo độc, phù du có độc, khi tôm ăn vào không chết nhưng khi con người ăn những con tôm biển đó có thể bị ngộ độc hoặc dị ứng.
"Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là môi trường trong đồng là sạch, cũng có chỗ bị bẩn, nhưng hiện chúng ta đang tăng cường kiểm soát cả về môi trường và nguồn thức ăn", PGS Thịnh nói.
PGS Thịnh cũng cho biết thêm không phải bất cứ thực phẩm nào có nguồn gốc tự nhiên đều lành tính. Đặc biệt, ăn các loại động vật giáp xác như tôm, cua... dễ bị dị ứng hơn so với các thực phẩm khác.
Các loại động vật giáp xác không chỉ chứa vitamin, chất đạm tốt cho cơ thể mà có cả những axit amin lạ mà cơ thể con người chưa thích ứng được. Do vậy, ở một số người nhạy cảm, ăn tôm, cua có thể bị dị ứng do phản ứng của cơ thể với axit amin lạ.
"Ăn bất cứ thực phẩm lạ, mới thì cần phải vừa ăn vừa thăm dò. Không nên ăn vồ vập, thấy ngon ăn thật nhiều, có thể xảy ra dị ứng. Khi ăn cơ thể đã quen không xảy ra dị ứng thì có thể ăn nhiều cũng không sao", PGS Thịnh nói.
Chuyên gia cũng lưu ý thêm mọi người không nên ăn tôm tái, sống. Ăn tôm sống hoặc tái sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, không tốt cho cơ thể. Dù tôm đồng và tôm biển đều tốt cho cơ thể nhưng cũng nên ăn vừa phải, cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.