Bà mẹ đơn thân Hà Nội nuôi con cực khéo: Nghiện rap Việt, gọi con là "cô bạn thân", nể nhất là sẵn sàng ủng hộ con điều này

Không áp đặt, không cấm đoán mà chọn cách làm bạn là cách mà chị Ứng Huyền thấy hiệu quả trong quá trình nuôi dạy con.

Nuôi dạy con chưa bao giờ là chuyện dễ dàng đối với các bà mẹ, đặc biệt là ở trong tình cảnh sống một mình, thiếu bờ vai vững chắc của người đàn ông. Họ vừa phải làm cha vừa phải làm mẹ, vừa gánh trên vai trách nhiệm kiếm tiền nuôi gia đình lại vừa phải vun vén, lo toan mọi việc. Cuộc sống dù phải đối mặt với muôn vàn thách thức, sóng gió nhưng họ vẫn mạnh mẽ vượt qua. 

Chị Ứng Thị Huyền, 44 tuổi, sinh sống tại Hà Nội là một bà mẹ đơn thân. Hiện chị đang làm công việc thiết kế - thi công nội thất và kinh doanh bất động sản nên công việc rất bận rộn. Tuy nhiên, chị Huyền cảm thấy thoải mái, vui vẻ, không gặp bất kỳ áp lực nào nhờ phương pháp giáo dục khoa học.

Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với chị Huyền để lắng nghe những chia sẻ hữu ích trong cách giáo dục con.

Bà mẹ đơn thân Hà Nội nuôi con cực khéo: Nghiện rap Việt, gọi con là

Chị Ứng Huyền bên cô con gái Thảo Vy.

NUÔI DẠY CON LÀ MỘT CHẶNG ĐƯỜNG DÀI, NÓI "KHÔNG" VỚI PHƯƠNG PHÁP CỒNG KỀNH

- Là một bà mẹ đơn thân, chị đã có những phương pháp gì trong quá trình nuôi dạy con?

Con gái chị tên Quách Thảo Vy, hiện đang là học sinh lớp 10 tại một trường công lập. Con 15 tuổi là 15 năm chị vất vả nuôi nấng, trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống. Dù trong hoàn cảnh nào, chị cũng cố gắng đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con. Từ khi mang thai, chị đã áp dụng thai giáo và xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học. Đặc biệt, chị luôn giữ cho mình một tâm trạng thoải mái và thường xem những hình ảnh đẹp như: Tranh phong cảnh, tranh nghệ thuật,… Chị tuyệt đối không xem phim kinh dị, loại trừ hình ảnh xấu. Ngoài ra, chị còn áp tai nghe vào bụng để con nghe nhạc giao hưởng.

Khi sinh con ra, chị cũng áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học để đảm bảo sự phát triển thể chất của con. Sau đó, con được bà ngoại ở quê nuôi dưỡng, chăm bẵm. Nhiệm vụ lúc này của chị là xuống Hà Nội đi làm kiếm tiền, cuối tuần mới về quê thăm con. Đến khi con vào lớp 1, chị mua được nhà và đón con xuống ở cùng.

Là một bà mẹ đơn thân, chị nhìn thấy phía trước nhiều vất vả. Chị phải đóng 2 vai, vừa làm cha lại vừa làm mẹ, vừa phải kiếm tiền lại vừa phải theo sát từng bước phát triển của con. Cho nên ngay từ đầu, chị biết đây là một chặng đường dài, không thể chọn phương thức dạy con vất vả, cồng kềnh. Chị chọn cách nuôi dạy đơn giản, thoải mái, hiệu quả nhất cho cả mẹ và con.

Khi con vào lớp 1, chị xác định luôn là không bao giờ có chuyện ngồi cạnh kèm con học bài. Chị không có thời gian và cũng không muốn làm việc đấy. Vì thế chị tác động vào suy nghĩ của con, muốn con phải tự giác.

Chị tận dụng thời điểm con đang háo hức vì ngày mai là ngày đầu tiên đến trường để giáo dục. Đêm hôm trước, chị nằm tâm sự, nói cho biết nếu con học giỏi thì sau này làm những công việc gì, đứng ở vị trí nào trong xã hội. Có nhiều lựa chọn tốt dành cho người có kiến thức sâu rộng. Ngược lại, nếu con học kém thì sẽ có viễn cảnh không tốt đẹp. Chị muốn giúp con hình dung được sự khác biệt, từ đó nỗ lực phấn đấu.

Bà mẹ đơn thân Hà Nội nuôi con cực khéo: Nghiện rap Việt, gọi con là

Từ khi con còn nhỏ, chị Huyền đã định hướng cách sống tự lập cho con.

- Trước phương pháp như vậy, con có phát triển đúng theo những điều chị mong đợi?

Ngay những ngày đầu đến trường, Thảo Vy đã tỏ ra hứng thú với việc học. Ở trường, con chăm chú nghe thầy cô giảng bài. Khi về nhà, con tự giác ngồi vào bàn làm bài tập, không để mẹ nhắc nhở nhiều. Đương nhiên chị nói với con như vậy không phải để kệ con. Chị vẫn âm thầm theo dõi và đánh giá qua kết quả mà giáo viên thông báo. Trong suốt 10 năm học, dù không can thiệp sâu nhưng con gái vẫn đạt thành tích học tập tốt.

Thời điểm nào thấy con sa sút về điểm số, chị sẽ chấn chỉnh bằng thái độ nghiêm khắc: "Mẹ không gây áp lực, không lấy điểm số để đánh giá nhưng nếu con thấy hài lòng khi điểm đang thấp đi thì con cần xem lại!". Và chị cũng luôn động viên kịp thời khi con đạt kết quả tốt bằng cách: Khen ngợi, tặng quà, dẫn con đi chơi,… giúp con hào hứng để chinh phục thử thách tiếp theo.

Đến thời điểm hiện tại, chị thấy con khá ngoan, hiền lành và biết giúp đỡ mẹ việc nhà. Con cũng là cô gái sâu sắc, hiểu chuyện. Bạn bè, người thân, người quen tiếp xúc đều có lời nhận xét tích cực dành cho Thảo Vy. Mọi người khen con lễ phép, cư xử chừng mực. Nghe những lời đó, chị rất vui và cảm thấy cách giáo dục của mình đúng hướng.

Ngoài ra, Thảo Vy cũng hiểu được hoàn cảnh của mẹ khi phải bươn trải một mình nên con hạn chế chi tiêu. Con rất thương mẹ và biết nghĩ cho mẹ.

- Là phụ nữ nhưng lại chọn công việc của nam giới, vậy chị đã sắp xếp thời gian như thế nào?

Khi con còn nhỏ, chị thuê người giúp việc làm việc nhà. Nhưng sau đó chị tự thu vén mọi thứ. Con lớn hơn một chút, chị hướng dẫn con làm việc nhà đơn giản. Thảo Vy rất hiểu chuyện và hào hứng giúp mẹ mọi việc. Giờ mẹ đi công tác vài ngày, con có thể tự chăm sóc bản thân. Chị nghĩ đây cũng là cách rèn luyện cho con kỹ năng sống. Chị chưa từng ân hận hay áy náy về việc này, chị coi đây là cơ hội để giúp con trưởng thành hơn.

Bà mẹ đơn thân Hà Nội nuôi con cực khéo: Nghiện rap Việt, gọi con là

Bà mẹ đơn thân thấy việc nuôi dạy con khá nhẹ nhàng, không gặp nhiều áp lực.

"NHỜ LÀM BẠN VỚI CON, CHỊ ĐÃ CÓ MỘT CÔ BẠN THÂN…."

- Theo chị, đâu là quan điểm giáo dục quan trọng nhất trong quá trình nuôi dạy con?

Quan điểm xuyên suốt là trở thành người bạn của con. Làm bạn với con rất thoải mái, khiến mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều. Thật ra, chị chỉ bị vất vả trong thời gian đầu về kinh tế. Còn quá trình dạy con rất nhẹ nhàng, không vất vả như nhiều người nghĩ.

Để làm được điều đó, việc đầu tiên là con thích gì thì mình thích nấy. Con gái chị có nhiều sở thích như: Nhảy dancesport, kpop,… Chị ủng hộ đam mê của con vì đó là nhu cầu giải trí lành mạnh, đem lại lợi ích về cả tinh thần lẫn thể chất.

Ở độ tuổi này không ai nghĩ chị thích dance sport, kpop, rap Việt,… Ngoài 40 tuổi nhưng chị vẫn theo dõi rap Việt và thuộc khá nhiều bài. Nhiều người rất bất ngờ và cảm thấy có chút kỳ kỳ. Thật ra, đấy là sở thích của con, không phải sở thích tự thân của chị. Nhưng vì muốn trở thành bạn của con nên chị mới thích những điều đó. Chị tôn trọng con, muốn có nhiều thứ để 2 mẹ con cùng chia sẻ. Việc có chung sở thích với con cũng khiến chị trở nên trẻ trung hơn.

Điều thứ hai, chị sẵn sàng tâm sự với con mọi chuyện. Chia sẻ chuyện của mình cũng là cách giáo dục con, giúp con nhìn nhận cuộc sống để sau này khi có tình huống tương tự, con sẽ chủ động giải quyết. Khi tâm sự thoải mái với con thì đương nhiên con cũng sẵn sàng kể cho chị nghe những chuyện đang gặp phải. Thảo Vy luôn tìm đến mẹ để tâm sự, nhờ mẹ "gỡ rối".

Ngoài ra, dù bận rộn nhưng chị vẫn tham gia vào ban phụ huynh ở trường để được theo sát và đồng hành cùng con trong mọi hoạt động. Từ lúc con học cấp 2 cho đến nay, chị thường giữ vai trò là Trưởng ban phụ huynh và từng tổ chức các hoạt động ngoại khoá, bao gồm cả hoạt động từ thiện cho các bạn cùng lớp con tham gia. Bằng cách này, chị luôn được tiếp nhận thông tin, cập nhật tình trạng tâm sinh lý của con đẩy đủ nhất cả ở nhà và ở trường để giáo dục kịp thời khi cần thiết.

Bà mẹ đơn thân Hà Nội nuôi con cực khéo: Nghiện rap Việt, gọi con là

Thảo Vy luôn được mẹ ủng hộ khi theo đuổi sở thích.

- Khi bước vào tuổi dậy, trẻ sẽ có nhiều thay đổi về tâm lý, đặc biệt là khi trẻ có cảm xúc với bạn khác giới. Chị có gặp khó khăn trong việc giáo dục con ở thời điểm này?

Lần đầu tiên phát hiện con có tình cảm với bạn khác giới, đương nhiên chị cũng giống như tâm lý của nhiều ông bố bà mẹ khác là rất sốc. Nhưng chị đã lấy lại bình tĩnh, coi đó là chuyện bình thường và đặt câu hỏi: "Ngày xưa ở tuổi của con, mình có như vậy không?". Chắc chắn là "có", không chỉ chị mà nhiều cha mẹ khác không thể trả lời là "không" trước việc này.

Đây là chuyện bình thường, là cảm xúc tự nhiên. Ai cũng có quyền được "cảm nắng", không thể cấm được. Nhiều bố mẹ vì sốc mà có cách hành xử không chuẩn khiến mọi chuyện đi theo chiều hướng xấu. Còn chị chọn cách đối mặt và chấp nhận. Chị hoàn toàn ủng hộ chuyện con có tình cảm với bạn nam.

Tuy nhiên, chị đặt ra điều kiện rõ ràng. Điều kiện đi kèm là kết quả học tập không bị sa sút, cuộc sống không bị ảnh hưởng. Đương nhiên là chuyện tình cảm của con phải trong sáng, chừng mực, tuyệt đối không đi quá giới hạn.

Chị còn để con mời bạn trai đến nhà gặp và trò chuyện với mẹ. Chị đưa 2 con đi ăn, cởi mở chia sẻ, dặn dò các con cố gắng học tập tốt. Nếu tình cảm đẹp biến thành động lực để các con cùng nhau nỗ lực phấn đấu thì đó là chuyện tốt, chị ủng hộ hết mình. Còn nếu việc học tập sa sút hoặc cảm xúc của các con không ổn thì phải can thiệp kịp thời. Đấy cũng là cách giúp chị yên tâm hơn và các con cũng thấy mình cần nghiêm túc trong chuyện tình cảm.

Bà mẹ đơn thân Hà Nội nuôi con cực khéo: Nghiện rap Việt, gọi con là

Như bao bà mẹ khác, chị Huyền từng lo sốt vó khi con biết thích bạn khác giới.

- Thời gian qua, có nhiều vụ việc trẻ rơi vào trầm cảm, tự làm hại bản thân. Chị có suy nghĩ gì về việc trên?

Có nhiều phụ huynh vì bận rộn công việc dẫn đến vô tình hình thành bức tường ngăn cách với con cái. Họ không thể làm bạn được với con nên phải gồng lên trước con. Cách này không hiệu quả, chỉ gây căng thẳng và khiến con đóng mình vào một chiếc hộp. Khi cha mẹ không kiểm soát được sẽ có thể đẫn đến những chuyện đau lòng.

Chị từng rơi vào trạng thái bực tức khi thấy nhà cửa chưa dọn, việc vặt trong nhà chưa giúp mẹ. Nhưng về sau, chị nhận ra tức giận chỉ khiến mọi thứ đi theo chiều hướng xấu. Vì thế chị đã thay đổi, có những suy nghĩ và hành động tích cực nhất với con, chẳng hạn trêu con: "Mình bận rộn kiếm tiền nuôi bạn mà bạn không lỡ giúp mình thế nhỉ?". Trong tình huống khác cũng vậy, con lỡ sai thì cũng chấp nhận và giúp con sửa. Một thời gian sau, chị thấy không khí đỡ căng thẳng, con cũng sẵn sàng tiếp thu lời mẹ dạy.

Một điều nữa rất dở là cha mẹ không chọn cách làm bạn với con để con sẵn sàng tâm sự với cha mẹ mọi chuyện, mà chọn kiểm soát con bằng việc đọc trộm nhật ký, xem trộm tin nhắn. Điều này làm cho chính bản thân cha mẹ vất vả và đang là xâm phạm đến quyền riêng tư của con.

- Con gái từng làm điều gì khiến chị phiền lòng chưa, thưa chị?

Cách đây mấy năm, con bước vào tuổi dậy thì, tính cách thay đổi. Lúc đấy con hay nổi cáu bất thường, dậm chân dậm tay cãi lại mẹ. Trong lúc chưa giải quyết được thì chị biết đến một khoá tu mùa hè và đã đăng ký cho con tham gia.

Tại khoá học, con được dạy về cách sống, cách đối nhân xử thế với gia đình và xã hội. Sư thầy giúp con hiểu về công lao sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ. Thảo Vy đã thay đổi hoàn toàn, con không cãi lời mẹ, dậm tay dậm chân phản kháng nữa. Và sau này, khi có bất cứ điều gì xảy ra với mẹ, con đều quan tâm, lo lắng. Chị thấy con trân trọng mẹ hơn rất nhiều.

Bà mẹ đơn thân Hà Nội nuôi con cực khéo: Nghiện rap Việt, gọi con là

Bà mẹ Hà Nội từng phiền lòng khi con bước vào độ tuổi ẩm ương.

MƯỢN RAP VIỆT ĐỂ DẠY CON BÀI HỌC SÂU SẮC

- Khi con gặp áp lực, đâu là cách chị giúp con vượt qua?

Bước vào lớp 10, con chuyển từ trường tư thục sang trường công lập nên có nhiều thay đổi về môi trường, phương pháp học. Thời gian đầu, con tâm sự rằng bản thân gặp áp lực trong chuyện học tập. Nghe vậy, chị đã khuyên con: "Mọi thứ trên cuộc đời đều có giá. Mình nỗ lực phấn đấu bây giờ thì mai sau sẽ được đền đáp xứng đáng".

Biết con thích chương trình rap Việt, chị cũng mượn một câu nói trong một bài rap để giáo dục con. Đó là câu: "Áp lực tạo nên kim cương". Con hứng thú nghe câu rap hơn là những lời nói giáo điều. Từ đó, chị không thấy con than thở về áp lực nữa, con trở nên chịu khó học hành hơn.

Bà mẹ đơn thân Hà Nội nuôi con cực khéo: Nghiện rap Việt, gọi con là

Chị Ứng Huyền chọn cách trở thành bạn thân của con, cùng con khôn lớn.

- Con gái có chia sẻ về công việc, dự định trong tương lai với chị không?

Con chưa đưa ra được định hướng cụ thể. Mỗi năm con ước mơ làm một nghề khác nhau. Có năm con thích làm bác sĩ thẩm mỹ, năm lại ước mơ thành luật sư làm việc ở nước ngoài. Còn bây giờ con muốn trở thành doanh nhân bất động sản.

Chị không hề lo lắng khi thấy con thay đổi quyết định liên tục. Con đang trong độ tuổi mới lớn, đang tiếp nhận những trào lưu của xã hội và chưa nhận thức sâu xa nên chưa thể suy nghĩ thấu đáo ngay. Đây là quy luật tự nhiên, chúng ta không nên ép buộc hay can thiệp sâu. Cha mẹ chỉ nên đưa ra định hướng và gợi ý cho con.

- Chị có bao giờ lo lắng một mai con khôn lớn, con rời xa vòng tay của chị không?

Chắc chắn khi con đến tuổi trưởng thành, chị không thể can thiệp quá nhiều vào chuyện của con. Chị phải tôn trọng con, đồng thời giữ vai trò là một người bạn khi con cần tới. Chị cho rằng phụ huynh phải làm thế nào để con luôn nghĩ tới mình mỗi khi gặp vấn đề. Và phụ huynh sẽ là người tư vấn giúp con giảm thiểu rủi ro, tránh dẫn đến tình huống tiêu cực.

Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện!

Ảnh: NVCC

https://afamily.vn/ba-me-don-than-ha-noi-nuoi-con-cuc-kheo-nghien-rap-viet-goi-con-la-co-ban-than-ne-nhat-la-san-sang-ung-ho-con-dieu-nay-20220523163319025.chn
 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang