Bà mẹ ở Ninh Bình và quan điểm khiến nhiều phụ huynh giật mình: Dạy con MẶC CẢ khi mua hàng ảnh hưởng nhiều đến tư cách của trẻ!

Việc phân biệt nhu cầu 'CẦN' và 'MUỐN' thực sự là một kỹ năng rất quan trọng giúp đứa trẻ xây dựng được sự ổn định và an toàn về tài chính cho tương lai sau này.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.

"Mình để ý thấy 1 số phụ huynh đưa con đi chợ mặc cả cò kè trước mặt con cái, 1 số chương trình kĩ năng sống và giáo dục tài chính dạy con cách mặc cả khi đi mua sắm. Theo mình đấy không phải thông minh tài chính, đấy là khôn lỏi, tức là làm sao có lợi cho mình từng chút.

Chưa kể việc chúng ta đã thỏa thuận giá xong xuôi còn cố tình chọn lẫn 1 vài quả to hơn vào túi của mình, hoặc nhặt thêm 1 quả, hoặc làm tròn bớt xuống khi thanh toán", quan điểm dạy con về tài chính của chị Nguyễn Minh Hảo (sinh năm 1991, Ninh Bình), Giáo viên Mầm non và là mẹ của Minh An 3 tuổi đang thu hút nhiều sự chú ý của các phụ huynh.

Bà mẹ ở Ninh Bình và quan điểm khiến nhiều phụ huynh giật mình: Dạy con MẶC CẢ khi mua hàng, coi chừng cột đạo đức của con lung lay - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Minh Hảo (sinh năm 1991, Ninh Bình), Giáo viên Mầm non và là mẹ của Minh An 3 tuổi

Bán hàng cũng có người nọ người kia, nhưng hãy luôn xem họ là 1 đối tác

Chị chia sẻ thêm: Đọc cuốn "Một đời thương thuyết" mình thấy tác giả nói rất hay về Nghệ thuật thương thuyết là đàm phán sao cho cả hai bên đều có lợi. Ví dụ như này: Quýt 25k 1kg, cháu có 20k thôi, nhưng vẫn phải mua đủ 1kg vậy bác ưu tiên nhặt cho cháu quả nhỏ, xấu nhưng vẫn hơi ngon có được không? hoặc, cháu mua quýt cho mẹ thắp hương bác chọn cho cháu quả thật đẹp nhưng cân thướt thướt đi một chút cũng được không sao, hoặc mình thấy sản phẩm nào đó có 1 lỗi nhỏ trong khả năng mình có thể khắc phục hoặc chấp nhận được thì mình có thể đàm phán với bên bán giảm giá chút có được không. Khớp lệnh là "chốt" luôn, không lăn tăn tiếc rẻ gì nữa.

Mình thấy bán hàng cũng có người nọ người kia, nhưng hãy luôn xem họ là 1 đối tác, nếu họ có thói quen hành xử đẹp thì mình hợp tác lâu dài, còn không mình xin lỗi và lặng lẽ rời đi. Mình nhận ra rằng, thay vì mặc cả kéo lợi về mình thì ta nên cùng con học cách giúp đỡ người bán hàng trong khả năng của mình. Đi mua củ cải, có củ ngon lắm mà bị gãy đôi, nếu mình mua trưa nấu luôn thì lấy luôn cho cô bán hàng, cô vui quá khuyến mãi thêm 1 củ cả rốt nhỏ, mình cũng vui quá, 2 bên cảm ơn qua lại rối rít.

Nếu mình giúp được người bán hàng là khiến họ giữ được đạo đức nghề nghiệp, bằng không họ buôn gian bán dối, mình thích mặc cả thì họ nói thách cân điêu, mình thích khôn lanh bới tung hàng chọn quả ngon thì họ tranh thủ mình không để ý tráo hàng, bớt hàng. Kinh nghiệm mình luôn, ngày 14 tuổi mẹ cho tiền lên chợ Rồng mua quần áo tết, ngày đấy quần bò mà có cái dây lưng thì oách lắm. Chọn được mẫu ưng, bài học kinh nghiệm là họ nói thách 3 cứ trả giá 1 là vừa giá, và cô ý đồng ý bán thật, hài lòng lắm, về nhà mở túi ra mới phát hiện ra cô chủ tranh thủ gói hàng rút cái dây lưng lúc nào không biết, bà hàng xóm cười trêu "bán bò cắt đuôi" mà mình nhớ tới tận giờ.

Hãy dạy con KHẢO GIÁ

Chị Hảo cho rằng, nếu lo sợ về việc con mình thật thà còn xã hội gian dối thì nên dạy con KHẢO GIÁ, con có quyền xem xét tất cả các kênh thông tin hoặc đi 1 vòng chợ khảo giá đấy là quyền tự do của con. Nhưng thông minh tài chính không nằm ở việc so bì giá cao hay thấp mà nên biết cách so sánh những điểm khác nhau của những mặt hàng giống nhau nữa, còn phụ thuộc vào mức độ uy tín của người bán. Ai là người sẵn sàng đảm bảo về chất lượng của món hàng mà con sẽ mua về thì cái giá đắt hơn con phải trả là cho Hậu Mãi.

Bà mẹ ở Ninh Bình và quan điểm khiến nhiều phụ huynh giật mình: Dạy con MẶC CẢ khi mua hàng ảnh hưởng nhiều đến tư cách của trẻ! - Ảnh 2.
 

Ví dụ nhìn thấy 1 món hàng với kinh nghiệm, nhu cầu sử dụng của con áng con có thể mua được nó với giá 100.000 mà hỏi ra mới biết giá những 120.000 thì nghĩa là nó đắt so với khả năng của con là 20k. Ngược lại, người bán hàng nói nó 80.000 thì nghĩa là nó rẻ hơn so với khả năng của con. Vậy con muốn xác định khoản chi sát giá thực của nó nhất thì khâu khảo giá bên trên con cần làm kĩ. Hiểu được điều này con sẽ không bao giờ thấy tiếc món tiền mà con đã bỏ ra mua hàng, nó sẽ không khiến con bận tâm việc cò kè nữa, hay mua hố nữa.

Trong cuộc sống thường ngày, chị Hảo cũng nói chuyện với bé Minh An về tiền từ sớm nên con hiểu rằng tiền là có hạn, để mua món này thì sẽ không có để mua món kia. Ví dụ khi chỉ được lựa chọn mua đồ chơi và thức ăn vặt trong hạn ngạch tài chính cho phép, cháu đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra một quyết định phù hợp và học cách gạt bỏ những nhu cầu khác của mình. 

Bà mẹ ở Ninh Bình và quan điểm khiến nhiều phụ huynh giật mình: Dạy con MẶC CẢ khi mua hàng, coi chừng cột đạo đức của con lung lay - Ảnh 3.

Trong cuộc sống thường ngày, chị Hảo cũng nói chuyện với bé Minh An về tiền từ sớm.

Chị cũng cho con hiểu về đồ dùng cần và muốn từ rất sớm nên con không có thói quen đòi mẹ mua đồ chỉ đề xuất nhu cầu và mong đến một ngày được mẹ đáp ứng chứ không đòi được mua ngay lập tức. Việc phân biệt nhu cầu "CẦN" và "MUỐN" này thực sự là một kỹ năng rất quan trọng giúp đứa trẻ xây dựng được sự ổn định và an toàn về tài chính cho tương lai sau này.

Một đứa trẻ lớn lên không chỉ dựa vào môi trường học đường mà phần lớn bị tác động bởi suy nghĩ, hành vi, cảm xúc của môi trường gia đình mà trực tiếp ở đây là hành vi của cha mẹ. Vì thế, cách tốt nhất để giáo dục con về những kiến thức và kỹ năng sử dụng đồng tiền chính là cho con tham gia trực tiếp vào đời sống tài chính của gia đình thông qua những sự việc và hành động của phụ huynh hàng ngày.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang