P1. BẢN CÁO TRẠNG VỀ THỨ LÀM BIẾN DẠNG TRÁI ĐẤT
Khi các quốc gia trên thế giới vẫn đang khắc phục hậu quả sau đợt nắng nóng kỷ lục gần đây và những trận lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, thì một nhóm chuyên gia quốc tế thuộc Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) đang chuẩn bị một bản báo cáo mới về biến đổi khí hậu. IPCC sẽ công bố "bản cáo trạng" khí hậu mới vào ngày 9/8/2021.
Một lĩnh vực được quan tâm trong báo cáo sẽ là thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như các đợt nắng nóng không ngừng, cháy rừng hoành hành và lũ lụt chết người. Những sự kiện như vậy đang gia tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng, và có thể bắt nguồn từ sự nóng lên đáng kể ở Bắc Cực. "Điều này đã có tác động đến động lực học của bầu khí quyển ở toàn bộ Bắc Bán cầu", Petteri Taalas, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết.
Báo cáo này sẽ là tài liệu đầu tiên trong số ba tài liệu như vậy trong năm 2021-2022 của IPCC, được tổng hợp bởi hơn 1.000 nhà khoa học đánh giá các nghiên cứu và dữ liệu hiện có để xác định xem biến đổi khí hậu/nóng lên toàn cầu đang ảnh hưởng đến hành tinh như thế nào và khuyến nghị các chiến lược cho các nhà hoạch định chính sách, đại diện Quỹ Liên Hợp Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Đây sẽ là báo cáo đầu tiên trong số 3 báo cáo đánh giá biến đổi khí hậu toàn cầu của IPCC trong năm 2021-2022.
Riêng báo cáo công bố ngày 9/8/2021 sẽ đề cập đến các bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu trên toàn thế giới, bao gồm các nguyên nhân dẫn đến việc tăng nhiệt độ trên đất liền và bề mặt biển; băng biển biến mất; mực nước biển dâng và axit hóa đại dương; và sự gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt (như đợt nắng nóng không ngừng, cháy rừng hoành hành và lũ lụt chết người); và hậu quả khốc liệt của chúng với con người.
Cháy rừng - Hạn hán - Lũ lụt - Nắng nóng là những hiện tượng thời tiết cực đoan khiến con người mất mạng.
Các sông băng biến mất và biển băng tan chảy là những ví dụ nổi bật có thể nhìn thấy rõ ràng về cách biến đổi khí hậu hiện đang 'làm biến dạng' bề mặt Trái Đất. Cũng có nhiều bằng chứng về biến đổi khí hậu gây ra thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như cháy rừng, hạn hán và lũ lụt. Các nghiên cứu gần đây cũng đã chứng minh rằng biến đổi khí hậu đang làm cho các cơn bão trở nên ẩm ướt hơn (gây mưa lớn) và mạnh hơn, Live Science đưa tin.
Nhóm hơn 1.000 nhà khoa học quốc tế khác sẽ đưa ra 2 báo cáo nữa - một báo cáo sẽ được phát hành vào tháng 2 năm 2022 và một báo cáo khác vào tháng 3 năm 2022 - đánh giá các tác động và rủi ro của biến đổi khí hậu và đề xuất các phương án cho các chính sách giảm nhẹ khí hậu và kế hoạch kinh tế.
Còn đây là những thông tin rò rỉ về hậu quả của biến đổi khí hậu 'định hình' lại cuộc sống con người tàn khốc mức nào.
P2. HỆ QUẢ TÀN KHỐC CHO CON NGƯỜI
1. Mất an ninh lương thực: Châm ngòi cho bạo lực, bất ổn
Nếu như tác động của biến đổi khí hậu/nóng lên toàn cầu đối với thế giới tự nhiên càng gay gắt, thì những thay đổi được dự báo đối với xã hội loài người có thể còn tàn khốc hơn.
Các hệ thống nông nghiệp có thể sẽ bị giáng một đòn tê liệt. Mặc dù mùa vụ trồng trọt ở một số khu vực sẽ mở rộng, nhưng tác động tổng hợp của hạn hán, thời tiết khắc nghiệt, thiếu băng tuyết tích tụ, số lượng lớn hơn và sự đa dạng của dịch hại, mực nước ngầm thấp hơn và mất đất canh tác có thể gây ra mất mùa nghiêm trọng và thiếu gia súc trên toàn thế giới.
Đại học Bang North Carolina (Mỹ) cũng lưu ý rằng carbon dioxide (CO2) đang ảnh hưởng đến sự phát triển của thực vật. Mặc dù CO2 có thể làm tăng sự phát triển của thực vật, nhưng thực vật có thể trở nên kém dinh dưỡng hơn.
Theo một số phân tích từ các nguồn khác nhau của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ (CAP), và Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson (Mỹ) thì sự mất an ninh lương thực này có thể gây ra sự tàn phá trên các thị trường lương thực quốc tế và có thể châm ngòi cho nạn đói, bạo loạn lương thực, bất ổn chính trị và bất ổn dân sự trên toàn thế giới.
2. Sức khỏe con người bị tàn phá, nhiều dịch bệnh hơn
Ngoài thực phẩm kém dinh dưỡng, ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu đối với sức khỏe con người cũng được dự báo là nghiêm trọng.
Hiệp hội Y khoa Mỹ đã báo cáo rằng sự gia tăng các bệnh do muỗi truyền như sốt rét và sốt xuất huyết, cũng như sự gia tăng các bệnh mãn tính như hen suyễn... rất có thể là do hậu quả trực tiếp của sự nóng lên toàn cầu.
Đói nghèo - Dịch bệnh - Thiếu nước sạch là những hệ quả tàn khốc của nóng lên toàn cầu.
Sự bùng phát của vi rút Zika năm 2016, một căn bệnh do muỗi truyền, làm nổi bật sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu. Các chuyên gia cho biết căn bệnh này gây ra dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho thai nhi khi phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh.
Biến đổi khí hậu có thể khiến các khu vực vĩ độ cao hơn có thể trở thành nơi sinh sống của muỗi truyền bệnh. Mùa hè dài hơn, nóng hơn cũng có thể dẫn đến sự lây lan của các bệnh do bọ chét gây ra.
3. Tai ương không ngừng tăng
Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã thành lập Chỉ số Cực đoan Khí hậu Mỹ (CEI) vào năm 1996 để theo dõi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo CEI, số lượng các sự kiện thời tiết khắc nghiệt được coi là bất thường nhất trong lịch sử đã tăng lên trong vòng 4 thập kỷ qua.
Các nhà khoa học dự đoán rằng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như sóng nhiệt, hạn hán, bão tuyết và mưa bão sẽ tiếp tục xảy ra thường xuyên hơn và cường độ lớn hơn do hiện tượng ấm lên toàn cầu, theo Climate Central.
Các mô hình khí hậu dự báo rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ khiến các mô hình khí hậu trên toàn thế giới có những thay đổi đáng kể. Những thay đổi này có thể sẽ bao gồm những thay đổi lớn về kiểu gió, lượng mưa hàng năm và sự thay đổi nhiệt độ theo mùa.
Ngoài ra, do lượng khí nhà kính cao có khả năng tồn tại trong khí quyển trong nhiều năm, những thay đổi này dự kiến sẽ kéo dài trong vài thập kỷ hoặc lâu hơn, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA). Ví dụ, ở đông bắc Mỹ, biến đổi khí hậu có khả năng làm tăng lượng mưa hàng năm, trong khi ở Tây Bắc Thái Bình Dương, lượng mưa mùa hè dự kiến sẽ giảm, EPA cho biết.
P3. HIỆN THỰC KHẮC NGHIỆT
Hiện tượng nóng lên toàn cầu được cho là sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, lâu dài và trong nhiều trường hợp có thể gây ra những hậu quả tàn khốc cho hành tinh Trái Đất.
Sự nóng lên toàn cầu - cụ thể là sự nóng dần lên của bề mặt, đại dương và bầu khí quyển của Trái Đất - là do hoạt động của con người, chủ yếu là đốt nhiên liệu hóa thạch bơm carbon dioxide (CO2), mêtan (CH4) và các khí nhà kính khác vào bầu khí quyển. Các nhà khoa học gọi đó là biến đổi khí hậu nhân tạo.
Bất chấp những tranh cãi chính trị về biến đổi khí hậu, một báo cáo lớn được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố ngày 27/9/2013 đã tuyên bố rằng các nhà khoa học chắc chắn hơn bao giờ hết về mối liên hệ giữa các hoạt động của con người và sự nóng lên toàn cầu. Hơn 197 tổ chức khoa học quốc tế đồng ý rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu là có thật và do hành động của con người gây ra.
Hiện nay, sự nóng lên toàn cầu đang có tác động có thể đo lường được trên hành tinh. Dưới đây là một cái nhìn chuyên sâu về những thay đổi do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra.
1. Tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng kỷ lục
Một trong những tác động tức thời và rõ ràng nhất của nóng lên toàn cầu là sự gia tăng nhiệt độ trên khắp thế giới. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 0,8 độ C trong vòng 100 năm qua, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).
Theo dữ liệu của NOAA và NASA, kể từ khi việc lưu giữ hồ sơ nhiệt độ bắt đầu vào năm 1895, năm nóng nhất được ghi nhận trên toàn thế giới là 2016, theo dữ liệu của NOAA và NASA. Năm đó nhiệt độ bề mặt Trái Đất ấm hơn 0,99 độ C so với mức trung bình trong toàn thế kỷ 20.
Trước năm 2016, năm 2015 là năm ấm nhất được ghi nhận trên toàn cầu. Và trước năm 2015 là năm 2014. Trên thực tế, 16 trong số 17 năm ấm nhất được ghi nhận trong lịch sử đều xảy ra kể từ năm 2001, NASA đánh giá.
2. Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt
Ở phần này, các nhà khoa học đưa ra nhiều bằng chứng và bàn luận nhiều nhất. Thời tiết khắc nghiệt là một tác động khác của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Sự 'phân luồng nóng - lạnh toàn cầu: Trong khi nhiều nơi trên thế giới trải qua những mùa hè nóng nhất được ghi nhận, thì phần lớn nước Mỹ lại phải chịu một mùa đông lạnh hơn bình thường.
Những thay đổi về khí hậu có thể khiến dòng tia cực - ranh giới giữa không khí lạnh ở Bắc Cực và không khí ấm ở xích đạo - di cư xuống phía nam, mang theo không khí lạnh ở Bắc Cực. Đây là lý do tại sao một số bang ở Mỹ có thể có một đợt lạnh đột ngột hoặc mùa đông lạnh hơn bình thường, ngay cả trong xu hướng nóng lên toàn cầu trong thời gian dài - Josef Werne, giáo sư địa chất và khoa học môi trường tại Đại học Pittsburgh (Mỹ) giải thích.
"Khí hậu, theo định nghĩa, là trung bình dài hạn của thời tiết, trong nhiều năm. Do đó, một năm hoặc 1 mùa lạnh (hoặc mùa nóng) ít liên quan đến khí hậu tổng thể. Nhưng khi những năm lạnh (hoặc nóng) đó ngày càng nhiều và thường xuyên thì chúng ta mới nhận định đó là một sự thay đổi trong khí hậu chứ không chỉ đơn giản là một năm thời tiết bất thường. Và thứ các nhà khoa học đang bàn đến chính là khí hậu", Giáo sư Josef Werne nói.
Thời tiết khắc nghiệt: Sự nóng lên toàn cầu cũng có thể dẫn đến những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác như đã trình bày ở trên. Đó là nắng nóng không ngừng, cháy rừng hoành hành và lũ lụt chết người.
Nhà khoa học khí quyển Adam Sobel, tác giả cuốn sách "Storm Surge: Hurricane Sandy, Our Changing Climate, and Extreme Weather of the Past and Future" - Tạm dịch "Sóng thần: Bão cát, Biến đổi khí hậu và Thời tiết cực đoan trong quá khứ và tương lai loài người", cho biết:
"Giới khoa học tin rằng các trận cuồng phong sẽ trở nên dữ dội hơn do biến đổi khí hậu. Đơn giản vì các cơn bão lấy năng lượng của chúng từ sự chênh lệch nhiệt độ giữa đại dương nhiệt đới ấm áp và tầng trên cao lạnh giá. Sự nóng lên toàn cầu làm tăng sự chênh lệch nhiệt độ đó".
Bão Haiyan (Hải Yến) năm 2013 tấn công khủng khiếp Philippines, khiến hàng nghìn người chết, gây thiệt hại hàng tỷ USD là một minh chứng rõ ràng. Siêu bão Hải Yến được xem là một trong những cuồng phong mạnh nhất, chết chóc nhất trong lịch sử hiện đại - Sobel, giáo sư Đại học Columbia, thuộc khoa Trái đất và Khoa học Môi trường dẫn chứng.
Sấm sét là một đặc điểm thời tiết khác đang bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu. Theo một nghiên cứu năm 2014, số lượng sét đánh ở Mỹ dự kiến sẽ tăng 50% vào năm 2100 nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự gia tăng 12% hoạt động của tia sét đối với mỗi 1 độ C của sự ấm lên trong khí quyển.
3. Băng tan
Một trong những biểu hiện chính của biến đổi khí hậu cho đến nay là sự tan chảy của băng tuyết - tủ lạnh tự nhiên của Trái Đất. Theo nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí Current Climate Change Reports, Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á đều có xu hướng ít tuyết phủ hơn từ năm 1960 đến năm 2015.
Còn theo Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ, hiện nay ở Bắc bán cầu có ít hơn 10% lượng băng vĩnh cửu hay mặt đất đóng băng vĩnh viễn so với đầu những năm 1900. Sự tan băng của lớp băng vĩnh cửu có thể gây ra lở đất và các vụ sụp đất đột ngột khác. Nó cũng có thể giải phóng các vi khuẩn cổ đại bị chôn vùi từ lâu, như trong trường hợp năm 2016 khi một loại vi khuẩn trong xác tuần lộc bị chôn vùi đã được giải phóng do băng tan và gây ra dịch bệnh than..
Theo một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Nature Geoscience, có 99% khả năng rằng sự co rút của băng nhanh chóng này là do biến đổi khí hậu nhân tạo.
Trong những năm gần đây, các đánh giá và báo cáo của IPCC "là nền tảng cho sự hiểu biết của chúng tôi về biến đổi khí hậu, những rủi ro nghiêm trọng và ngày càng tăng mà nó gây ra trên toàn thế giới và nhu cầu cấp thiết phải hành động để giải quyết vấn đề này", Patricia Espinosa, Thư ký điều hành Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) phát biểu.
"Báo cáo sắp tới này sẽ đóng vai trò là chất xúc tác để các quốc gia hành động nhanh chóng bằng cách thể hiện mức độ nghiêm trọng của các tác động hiện tại và cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu - nhưng chỉ khi chúng ta hành động ngay bây giờ", Pete Ogden, Phó chủ tịch Quỹ Liên Hợp Quốc về năng lượng, khí hậu và môi trường, cho biết.
Bài viết sử dụng nguồn: LiveScience
Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/ban-cao-trang-ve-van-menh-the-gioi-bi-ro-ri-tan-khoc-cho-con-nguoi-bien-dang-cho-trai-dat-162212707171213129.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.