Bác sĩ Trần Đăng Xoay, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Khoa vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhi được chuyển từ tuyến dưới đến trong tình trạng quấy khóc, tổn thương mắt, toan chuyển hóa.
Khai thác tiền sử từ gia đình, các bác sĩ chẩn đoán: Bệnh nhi bị ngộ độc methanol do người mẹ rửa mũi cho con nhưng nhỏ nhầm dung dịch cồn methanol 90 độ. Ngay lập tức, bệnh nhi được xử trí cấp cứu đảm bảo các chức năng sống về hô hấp, tuần hoàn, lọc máu liên tục.
Bác sĩ Trần Đăng Xoay kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi.
Sau gần 1 ngày điều trị lọc máu liên tục, tình trạng bệnh nhi ổn định, các chỉ số trở về ngưỡng bình thường. Hiện, bệnh nhi tiếp tục được theo dõi điều trị các biến chứng do ngộ độc.
Theo bác sĩ Trần Đăng Xoay, đối với các trường hợp trẻ ngộ độc cồn methanol, vấn đề xử trí cấp cứu ban đầu hết sức quan trọng để bảo toàn các chức năng hô hấp, tuần hoàn, thần kinh cho trẻ. Sau đó, cần đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa nhi để được điều trị kịp thời, bởi khi trẻ ngộ độc cồn, tình trạng toan chuyển hóa ở trẻ có thể xảy ra, trong trường hợp nặng, chậm trễ cấp cứu trẻ có thể tử vong.
Để tránh những tai nạn sinh hoạt không đáng có cho trẻ, bác sĩ Trần Đăng Xoay khuyến cáo: Gia đình cần cẩn thận trong việc trông nom, chăm sóc trẻ nhỏ. Phụ huynh cần lưu ý tránh để lẫn các vật dụng mà khi sử dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ, đơn cử như nước muối sinh lý và cồn methanol. Những hóa chất có thể gây nguy hiểm cho trẻ như dầu hỏa, xăng, dầu nhờn, nước giặt, nước sôi... phải để xa tầm tay của trẻ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.