Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi, kiến bám đầy người

Ngày 18/7, người dân tại thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện một bé gái bị bỏ rơi.

Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi, kiến bám đầy người - Ảnh 1.

Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi. Ảnh minh họa: Dân trí.

Sáng 18/7, anh Nguyễn Giang Biểu (trú thị trấn A Lưới, huyện A Lưới) khi đi trực về, đến gần chùa Sơn Nguyên (tổ 3, thị trấn A Lưới) thì phát hiện một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi, nằm dưới đất.

Bé gái sơ sinh được quấn tạm trong một chiếc khăn và bị kiến bám đầy người, sức khỏe yếu.

Anh Biểu đã cùng một số người dân đưa bé gái sơ sinh về nhà gần đó để sơ cứu ban đầu. Hiện sức khỏe của bé gái sơ sinh đã tốt hơn.

Theo chính quyền địa phương thị trấn A Lưới, nếu cháu bé không có người thân đến nhận thì chính quyền sẽ giao bé gái cho người đủ kiện chăm sóc, nhận nuôi và làm giấy khai sinh theo đúng quy định pháp luật.

Thời gian gần đây, nhiều vụ bé sơ sinh bị bỏ rơi đã xảy ra khiến nhiều người xót xa.

- Khoảng 15h40 chiều 8/6, người dân phát hiện bé trai sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga phía sau đền Mẫu (xã Thanh Mỹ, TX.Sơn Tây) trong tình trạng không có quần áo; 2 mắt, mũi, miệng... đang bị dòi bọ bám.

Cháu bé đã được đưa vào Bệnh viện đa khoa Sơn Tây rồi chuyển xuống Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cấp cứu và được đặt tên là Nguyễn Văn An. Thời điểm nhập viện, bé An bị nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu, nguy hiểm đến tính mạng.

Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi, kiến bám đầy người - Ảnh 2.

Điều dưỡng khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chăm sóc bé Nguyễn Văn An. Ảnh: Dân trí.

Tới Khoảng hơn 13h ngày 29/6, mặc dù các y, bác sĩ đã cố gắng hết sức cứu chữa, nhưng do sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng máu quá nặng, bé An đã tử vong tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Suốt quá trình điều trị đến lúc bé tử vong, không có một người thân nào bên cạnh chăm sóc.

- Một vụ việc nữa diễn ra tại TP.HCM, khoảng 0h ngày 4/6, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã tiếp nhận bé trai sơ sinh từ người dân đưa đến trong tình trạng bị kiến cắn, dây rốn còn chưa cắt và có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử.

Tới tối 10/6, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, sau 1 tuần điều trị tích cực tại khoa Sơ sinh, tình trạng nhiễm trùng rốn và toàn thân của bé đã cải thiện. Bệnh nhi được sưởi ấm, tập bú sữa tốt, lanh lợi và ổn định sức khỏe dần.

- Một bé trai sơ sinh khác, khoảng 7 ngày tuổi, nặng khoảng 3,1 kg được phát hiện tại đoạn đường bê tông thuộc cánh đồng thôn Khê Ngoại (xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội) vào đêm 22/6. Bé trai bị bỏ lại trong chiếc làn nhựa bên trong có tã bông, khăn bông, bình sữa và mảnh giấy ghi dòng chữa "Vì điều kiện con không nuôi được con. Nếu ai có nhặt được nuôi giúp con. Con xin cảm ơn".

- Khoảng 15h ngày 26/6, bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung trú tại số nhà 447 Lê Đại Hành (thuộc tổ 2, phường Yên Thế, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) phát hiện 1 bé gái sơ sinh được gói trong một chiếc khăn bỏ bên lề đường trước cửa nhà. Trong chiếc khăn có một mảnh giấy ghi rằng cháu là người dân tộc Jrai. Cháu bé được xác định đã chào đời 5-7 ngày, nặng 2,2 kg, cháu có sức khỏe tốt, da dẻ hồng hào, bú sữa tốt.

- Cũng tại TP Pleiku, đêm 15/4, một số người dân lưu thông trên đường Hàm Nghi, phường Thắng Lợi phát hiện một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi. Ngay sau đó, người dân cùng lực lượng chức năng đã đưa bé đến Trạm Y tế phường Thắng Lợi để chăm sóc.

- Người dân ở ấp Kim Qui B (xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) ngày 23/6 cũng phát hiện một bé gái còn dính dây rốn trong bụi cây ven đường và bị rất nhiều côn trùng bu, đốt... Do bị côn trùng đốt và chui vào lỗ tai nên trưa cùng ngày, cháu bé được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang để các bác sĩ tiếp tục chữa trị. Bé gái nặng 3kg sức khỏe đã ổn định.

Bỏ rơi con đẻ bị xử lý như thế nào?

Dưới góc độ pháp luật, hành vi vứt bỏ con sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Cụ thể, phạt tiền 10 đến 15 triệu đồng đối với cha, mẹ; người giám hộ có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Người vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo khoản 2 Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang