Bé trai 2 tuổi bị tổn thương não, phải sống thực vật vì hóc hạt nhãn

Sau khi ăn nhãn một bé trai 2 tuổi đã bị hóc hạt nhãn. Do không được sơ cứu kịp thời nên trẻ đã bị tổn thương não, hiện đang phải sống thực vật.

Chiều 25/7, bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, khoa vừa tiếp nhận một trường hợp bé trai 2 tuổi ở Nam Định nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì bị hóc hạt nhãn.

Theo lời kể gia đình, trong thời gian trẻ ở nhà, chú của cháu bé đã cho cháu ăn nhãn để nguyên quả. Trong khi ăn, hai chú cháu trêu đùa nhau, trong quá trình cười cháu bé bị sặc. Ngay sau khi bị sặc, bé trai có biểu hiện ngừng tim ngay lập tức, gia đình sau đó có sơ cứu và đưa đến bệnh viện huyện và được đặt nội khí quản.

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) thông tin về trường hợp bị hóc hạt nhãn.

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) thông tin về trường hợp bị hóc hạt nhãn.

Khi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương, qua thăm khám các bác sĩ phát hiện hạt nhãn bị mắc ngay ở nắp thanh môn. Tuy nhiên, do vấn đề xử lý ban đầu không đúng cách nên khi trẻ đến viện đã ở trong tình trạng hôn mê.

“Dù đã tích cực cấp cứu, nhưng do đến viện muộn nên trẻ đã bị tổn thương não, do di chứng thiếu ô xy hiện trẻ đang phải sống thực vật”, bác sĩ Toàn chia sẻ.

Bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu khi bị hóc hạt nhãn.

Bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu khi bị hóc hạt nhãn.

Trước trường hợp bé trai ở Nam Định, đầu tuần trước Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận một trường hợp khác bị hóc hạt chôm chôm. Tuy nhiên, do chuyển đến viện muộn nên cháu bé đã bị thiếu ô xy não, hiện đang được điều trị tại khoa hồi sức của bệnh viện.

Qua những sự việc trên, bác sĩ Phạm Ngọc Toàn cho rằng, việc sơ cứu đúng cách và kịp thời khi trẻ bị hóc dị vật là vô cùng quan trọng và cần thiết. Theo đó, khi trẻ bị hóc dị vật, nếu trường hợp trẻ tỉnh táo, ho được thì nên khuyến khích trẻ ho, rồi đưa về cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.

Trong trường hợp trẻ không ho được, ho không hiệu quả, hoặc không tỉnh thì cần mở thông đường thở, nghe xem trẻ còn thở không. Nếu tim ngừng đập thì cần phải ép tim ngoài lồng ngực.

Nếu trẻ tỉnh, nhưng ho không hiệu quả, thì cần vỗ lưng, ấn ngực. Nếu trẻ nhỏ thì cho trẻ ngồi trên ghế, đặt bệnh nhân lên cánh tay, cho đầu chúi xuối, nghiêng 1 bên, sau đó vỗ lưng 5 lần.

Sau khi thực hiện các phương pháp trên, cần kiểm tra xem dị vật ra không, nếu dị vật không ra được thì lật ngược trẻ dậy rồi ấn ấn ngực trẻ. Sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, hoặc gọi sự hỗ trợ của bác sĩ đến trực tiếp.

Theo saostar.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang