Bé trai nấu ăn giỏi như người lớn: "Giới tính nào cũng cần có trách nhiệm với bản thân, tạo cảm hứng cho con vào bếp chứ đừng biến nó thành áp lực"

Mẹ của bé trai nấu rất nhiều món ăn ngon đã chia sẻ về phương pháp và bí quyết giúp con trai mình nuôi dưỡng niềm đam mê và sở thích nấu nướng từ khi cậu bé còn nhỏ tuổi.

Rất nhiều bậc phụ huynh ngày nay mong muốn rèn luyện ở con cái tính tự lập và khả năng sáng tạo, một trong số đó chính là hướng bé đến khả năng tự chăm sóc bản thân qua những công việc đơn giản hàng ngày như nấu ăn, tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa... Trong khi một số người cho rằng việc nấu nướng chỉ dành riêng cho các bé gái thì nhiều ông bố bà mẹ lại có quan điểm hoàn toàn khác. 

Chị Nguyễn Thục Anh (45 tuổi, sống tại Hà Nội), mẹ của bé Mai Đức Tuấn Minh (12 tuổi) chia sẻ quan điểm về điều này như sau: "Việc biết nấu ăn nói riêng, làm việc nhà nói chung sẽ rèn cho các con tính tự lập và tinh thần trách nhiệm với bản thân và gia đình. Con trai hay con gái cũng đều nên biết tự chăm sóc bản thân, quan tâm và chăm sóc người khác, đặc biệt là những người thân trong gia đình nên việc học nấu ăn là 1 việc cần thiết. Biết lao động thì sẽ biết trân trọng sức lao động của người khác, sẽ hạn chế lối sống dựa dẫm, lười biếng, ỷ lại".

Là mẹ của 2 bé 1 trai 1 gái, ngay từ khi các con vào lớp 1, chị Thục Anh đã trực tiếp dạy hai con nấu ăn. Cho đến khi lên lớp 3, các bé đã thành thạo trong việc nấu các món ăn đơn giản hàng ngày, hết bậc tiểu học con biết nấu hầu hết các món cơ bản với nhiều cách chế biến như luộc, nướng, kho, rán, hầm... Đặc biệt là cậu bé Tuấn Minh, nhìn những bữa ăn do bé tự nấu nướng, hoàn thiện và trình bày ai ai cũng khen nức nở vì mâm cơm vừa đầy đủ dinh dưỡng, màu sắc bắt mắt, nhìn là muốn ăn luôn rồi. 

 
 

Cậu bé rất thích nấu nướng cho gia đình. 

Tuấn Minh là một cậu bé có tính cẩn thận, điềm đạm, sống nội tâm, khá tự lập, đặc biệt là thích nấu ăn và học theo rất nhanh. Ngoài những món ăn do mẹ hướng dẫn, Minh thường xem các kênh nấu ăn rồi tự làm theo. Những ngày nghỉ hè, cậu bé đảm nhận việc nấu chính trong nhà, còn khi vào năm học, Tuấn Minh thường nấu vào ngày nghỉ hoặc những lúc rảnh rỗi. 

Để hướng dẫn và dạy cho các con biết nấu ăn từ bé, bà mẹ 2 con cho biết điều quan trọng nhất để con làm việc là tạo cảm hứng cho con chứ đừng tạo áp lực khiến con thấy đó là việc bắt buộc phải làm. Bởi nếu bắt buộc, nhiều lúc con làm đối phó, cho xong mà thôi. Cần chuẩn bị cho các con tâm lý, kỹ năng, sự hào hứng thì mới có kết quả tốt được. 

 
 
 
 

Chị Thục Anh cùng con trai vào bếp.

Cụ thể, bà mẹ 2 con chia sẻ các bước mà chị đã áp dụng và thành công với cả 2 con của mình.

Bước 1: Làm quen

Mình cho con cùng vào bếp từ lúc 3 tuổi. Ban đầu, mình hướng dẫn con cách phân biệt các loại rau, củ, các nguyên liệu theo độ khó tăng dần như trò chơi vậy. Tuổi mẫu giáo chủ yếu là mình cho con nắm rõ và phân biệt mùi vị của các loại thực phẩm, gia vị mà thôi. Khi con lên lớp 1, mình hướng dẫn con cách sử dụng dụng cụ bếp làm sao cho an toàn. Ví dụ như cách cắm điện vào ổ, cách bật bếp ga, cách cầm quai nồi... để tránh thương tích khi nấu. Sau đó sẽ chỉ cho con biết cách dùng các loại máy như máy sinh tố, máy đánh trứng, nồi cơm điện và sử dụng một cách thành thạo. 

Bước 2: Hướng dẫn nấu ăn

Lớp 1, mình bắt đầu tập cho con nấu các món luộc (trứng, rau, các loại củ quả), các món rán, xào đơn giản. Do các con cũng đang lo lắng vì mới tập nấu nên bố mẹ luôn đứng bên cạnh con để đảm bảo con thực hiện các món ăn một cách an toàn. Lớn hơn một chút, mình đã cùng con đặt ra mục tiêu và cùng thực hiện. Đó là mỗi tuần sẽ học và nấu thành thạo 1 món mới. Với món mới, mẹ sẽ cùng nấu với con, hướng dẫn công thức để con nhớ, cùng nêm nếm, rút kinh nghiệm. Cứ thế, số lượng các món ăn do con thực hiện ngày càng nhiều và đa dạng hơn. 

 
 
 
 

Những món ăn do Tuấn Minh nấu và bày biện như người lớn. 

Cách tạo hứng thú cho con nấu ăn 

Như mình đã nói, đừng tạo áp lực cho con khi vào bếp, hãy để con tìm được niềm vui trong những việc mình làm. Vì thế, bố mẹ nhớ dành cho con những lời khen, những lời động viên đúng lúc. Hãy chấp nhận những sản phẩm lỗi của con như món ăn bị cháy, bị sống, bị nhừ, bị nhạt, bị mặn... một cách vui vẻ và cho con hiểu đó là điều ai học nấu ăn cũng phải trải qua. 

"Cần tránh chê trách, mắng mỏ, so sánh để con không cảm thấy bị thất bại làm ảnh hưởng đến tinh thần của con. Dạy con nấu ăn hay làm bất cứ việc gì cũng là một quá trình cần sự kiên nhẫn, chịu khó, lòng bao dung của bố mẹ. Chúng ta không thể đòi hỏi các con thành công trong một thời gian ngắn. Vì vậy, chúng ta nên cố gắng sắp xếp thời gian cùng học, cùng chơi, cùng làm việc với con, chắc chắn, mỗi gia đình sẽ có những đứa con ngoan ngoãn, biết lao động, biết nỗ lực để thực hiện mục tiêu và có trách nhiệm với gia đình của mình. Mình đã áp dụng với cả 2 con, kết quả là giờ mình ít khi phải làm việc nhà, ít phải vào bếp vì các con đều chia sẻ mọi công việc với mẹ", chị Thục Anh tâm sự. 

 

Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/be-trai-nau-an-gioi-nhu-nguoi-lon-gioi-tinh-nao-cung-can-co-trach-nhiem-voi-ban-than-tao-cam-hung-cho-con-vao-bep-chu-dung-bien-no-thanh-ap-luc-222022231211150933.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang