Cạn kiệt hóa chất, vật tư y tế, từ ngày 1-3, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) - bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt có số lượng phẫu thuật lớn nhất cả nước, chính thức hạn chế mổ phiên. Cũng trong ngày 1-3, cả trăm bệnh nhân phải dời lịch mổ, hoãn mổ do bệnh viện chỉ ưu tiên phẫu thuật những bệnh nhân nặng và bệnh nhân cấp cứu, hạn chế mổ phiên.
Một bác sĩ Khoa Phẫu thuật chấn thương của bệnh viện cho biết ngày 1-3, Khoa có 19 bệnh nhân đã được lên lịch mổ trước đó nhưng sau khi cân nhắc, đánh giá tình trạng bệnh chỉ có 6 trường hợp nặng được duyệt mổ. "Việc hoãn mổ này dù bệnh nhân và cả bác sĩ đều không mong muốn nhưng thực sự bệnh viện "bất khả kháng" vì vật tư của bệnh viện không còn nữa"- vị bác sĩ này nói.
Từ 1-3, Bệnh viện Việt Đức bắt đầu hạn chế các ca mổ phiên.
Bác sĩ này cũng cho biết những bệnh nặng diễn biến cần mổ ngay sẽ được ưu tiên còn những bệnh nhân bị thoái hoá, chấn thương có thể trì hoãn thì phải dời lịch mổ. Thời gian chờ đợi có thể kéo dài thêm 3-4 tuần. Trong thời gian chờ mổ, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân dùng nẹp, uống thuốc... để bệnh không nặng thêm.
Người nhà bệnh nhân N.V.K. (42 tuổi, ở Bắc Giang) cho biết theo lịch thì ngày 2-3, bệnh nhân được phẫu thuật do chấn thương gối, rách sụn chêm ngoài, nhưng cách đây 2 ngày đã nhận được thông báo từ bệnh viện về việc hoãn mổ với lý do hết vật tư, hoá chất.
Một số bác sĩ cho hay nhiều bệnh nhân mổ phiên dù là các phẫu thuật không mang tính cấp cứu nhưng đã phải chờ cả tháng mới đến lượt nhập viện và mổ. "Với những trường hợp thuộc diện mổ phiên nhưng phải hoãn mổ, nếu người bệnh tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ thì tình trạng bệnh sẽ tạm thời ổn định. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không phối hợp và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ có khả năng bệnh sẽ diễn biến nặng hơn, từ 1 tổn thương có thể tăng lên 3-4 tổn thương"- bác sĩ này lo ngại.
Hiện còn rất nhiều bệnh nhân đang xếp hàng chờ mổ, lịch đã lên đến cuối tháng 3, tất cả đều phải hoãn lại. Khi nghe thông báo hoãn mổ, nhiều bệnh nhân sốc, bất ngờ nhưng bác sĩ cũng không thể làm khác được. "Ở ngoài thị trường thị vật tư sẵn có nhưng bệnh viện không còn do vướng các thủ tục đấu thầu. Bác sĩ cũng không thể bán cho bệnh nhân để lấy tiền, còn bệnh viện cũng không thể mua ngoài rồi thanh toán bảo hiểm y tế cho bệnh nhân được. Chúng tôi mong người bệnh cảm thông, chia sẻ với bệnh viện và ngành y tế trong giai đoạn khó khăn này" - một bác sĩ tâm sự.
Theo GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, sau cuộc họp với các khoa phòng ngày 22 và 23-2, bệnh viện đã có thông báo hạn chế tối đa mổ phiên (mổ theo lịch), chỉ duy trì mổ cấp cứu. Cùng đó, bệnh viện sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm khi thật cần thiết, hạn chế tối đa các xét nghiệm cho bệnh nhân không cấp cứu. Ông Giang cho biết năm 2022, Bệnh viện Việt Đức mổ gần 80.000 ca, tương ứng mỗi ngày khoảng 210 ca mổ phiên và mổ cấp cứu.
Thiếu vật tư, hoá chất ảnh hưởng không nhỏ tới công tác khám chữa bệnh.
Trước đó ít ngày, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết tại bệnh viện chỉ còn đủ hóa chất dùng cho xét nghiệm cơ bản trong một tuần và thiếu nhiều vật tư y tế. Ngoài ra, bệnh viện cũng thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống... Lãnh đạo bệnh viện cho biết thời gian qua bệnh viện này cũng như nhiều cơ sở y tế công lập trên cả nước gặp vướng mắc trong việc đấu thầu nên dẫn đến vật tư tồn kho sắp cạn kiệt.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết kể cả khi việc đấu thầu, mua sắm vật tư tiêu hao, hoá chất... diễn ra thuận lợi và nhanh chóng thì sớm nhất cũng phải khoảng 1 tháng các hoạt động phẫu thuật của bệnh viện mới có thể trở lại bình thường.
"Khi buộc phải hoãn mổ phiên vì thiếu vật tư, hóa chất, rõ ràng người bệnh quá thiệt thòi, kể cả không phải bệnh cấp cứu nhưng họ cũng phải chịu đau đớn, chờ đợi lịch mổ. Thế nhưng chúng tôi không thể "tay không bắt giặc", không có vật tư, hóa chất, không thể phẫu thuật bằng... mồm. Trong thời điểm này, để đảm bảo hoạt động của bệnh viện, đặc biệt duy trì công tác khám, chữa bệnh cấp cứu, bệnh viện chỉ có thể hạn chế tối đa chỉ định cận lâm sàng không cấp cứu và hạn chế tối đa các ca mổ phiên"- GS Trần Bình Giang nói.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.