Quản lý thai kỳ tại một phòng khám tư, chị Nguyễn Thị N. B. (SN 1988, Hà Nội) chưa từng sàng lọc hay điều trị dự phòng tiền sản giật - một bệnh lý liên quan đến thai nghén gây nguy hiểm tính mạng cho cả thai phụ lẫn thai nhi.
Từ tuần thứ 28, chị bắt đầu xuất hiện tình trạng phù, tuy nhiên chủ quan nghĩ rằng đây là hiện tượng bình thường trong thai kỳ. 3 tuần trôi qua, hiện tượng phù toàn thân cứ thế tăng dần chị B. cũng xuất hiện cơn đau đầu dữ dội.
Ngày 5/11, chị được đưa tới khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trong tình trạng huyết áp cao, phù toàn thân, đau đầu nhiều, mệt mỏi, mắt nhìn mờ, có triệu chứng phù não.
Sản phụ ngay lập tức được chỉ định nhập viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh rối loạn chức năng gan, thận, kết quả siêu âm phát hiện tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi. Đây là các dấu hiệu và hậu quả của bệnh tiền sản giật nặng.
Tiền sản giật là rối loạn thai nghén do huyết áp cao, phù và protein niệu (sự có mặt của protein trong nước tiểu. Bình thường, nước tiểu không có hoặc có rất ít protein do cơ chế tái hấp thu protein ở thận). Bệnh thường bắt đầu từ tuần 20 của thai kỳ, nếu không chữa trị sẽ dẫn đến co giật (hay được gọi là sản giật), nguy hiểm tính mạng cho cả thai phụ lẫn thai nhi.
Theo TS. BS. Đinh Thuý Linh, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, với trường hợp sản phụ B., ngay khi xác định tình trạng nguy kịch, các bác sĩ đã quyết định mổ cấp cứu, đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và em bé.
Đúng 14h15 ngày 5/11, một bé gái nặng 1,2kg cất tiếng khóc chào đời. Các bác sĩ khoa Sơ sinh đón bé ngay tại phòng sinh, sau đó nhanh chóng chuyển lên Khoa điều trị tích cực. Sản phụ được chăm sóc và theo dõi sát sao tại phòng Hồi sức tích cực, hiện đang trong trạng thái ổn định, sức khỏe tốt.
Bác sĩ Linh nhấn mạnh, trường hợp trên chưa sàng lọc hay điều trị dự phòng tiền sản giật, bởi vậy nhập viện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, gây nhiều nguy hiểm cho mẹ và bé.
Từ thời điểm 11 tuần 6 ngày của thai kỳ, thai phụ có thể thực hiện sàng lọc tiền sản giật để phát hiện bệnh kịp thời. 3 bước sàng lọc tiền sản giật bao gồm:
- Đo huyết áp
- Siêu âm đo doppler động mạch tử cung
- Lấy máu xét nghiệm
Việc điều trị dự phòng các trường hợp nguy cơ cao sẽ giúp: giảm gần 70% các trường hợp tiền sản giật nói chung và gần 90% các trường hợp trước 32 tuần.
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thực hiện chương trình: "Miễn phí sàng lọc tiền sản giật cho thai phụ". Tất cả các thai phụ ở tuổi thai 11 tuần 6 ngày - 13 tuần 6 ngày, đến khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội sẽ được thực hiện sàng lọc miễn phí tiền sản giật với đầy đủ 3 bước. Chị em phụ nữ mang thai nên tiến hành sàng lọc, điều trị dự phòng tiền sản giật và các bệnh lý nguy hiểm khác sớm, tránh những lệ lụy đáng tiếc.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.