Chị Hoàng Lam (29 tuổi, Thanh Hóa) cho biết đã hơn 3 tháng qua hai vợ chồng chị ròng rã đưa con đi viện nhi tuyến trung ương để khám viêm tai giữa. Chị đã lấy thuốc về cho con uống mấy lần nhưng không khỏi. Hai vợ chồng chị cũng đưa con vào viện ở quê để tiêm truyền kháng sinh, nhưng chỉ khỏi được vài ngày thì bệnh tái lại. Việc con tái bệnh liên tục khiến hai vợ chồng chị vô cùng lo lắng.
Chị Lam kể trước khi đi khám và điều trị, bé nhà chị không có biểu hiện gì ở tai, chỉ có các đợt ho và chảy nước mũi kéo dài.
"Nhìn con dùng kháng sinh nhiều quá đến gầy cả người, lại biếng ăn, khiến tôi vô cùng khủng hoảng, buồn rầu", chị Lam tâm sự.
Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp phụ huynh có con mắc viêm tai giữa nhưng điều trị lâu ngày không khỏi. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương, hiện là giám đốc Bệnh viện An Việt, vào thời điểm giao mùa, các bệnh lý tai mũi họng ở trẻ em gia tăng đáng kể. Rất nhiều trẻ bị các bệnh như viêm amidan, viêm mũi họng và đặc biệt là viêm tai giữa. Những ngày qua, Bệnh viện An Việt ghi nhận rất nhiều trẻ nhập viện vì bị viêm tai giữa. Có cháu bị rất nặng, phải nằm viện điều trị dài ngày.
Theo PGS Hoài An, viêm tai giữa đặc biệt thường gặp ở những trẻ dưới 5 tuổi. Vào mùa thu đông, tỷ lệ trẻ mắc viêm tai giữa còn cao hơn nhiều so với những thời điểm khác.
Ở trẻ nhỏ, viêm tai giữa thường phát sinh sau những đợt viêm mũi họng, có thể gây ra tình trạng bội nhiễm, tạo dịch mủ trong tai giữa.
Viêm tai giữa nguy hiểm thế nào?
Một số triệu chứng của viêm tai giữa có thể kể đến gồm:
- Đau trong tai và nhiều khi đau rất nặng.
- Giảm khả năng nghe, cảm giác ù tai, nặng tai khó chịu.
- Người bệnh bị sốt, trẻ nhỏ có thể bị sốt cao trên 39 độ C.
- Trẻ nhỏ có thể quấy khóc, khó ăn uống, tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa, khó ngủ…
- Chảy mủ trong tai.
Viêm tai giữa ban đầu là thể cấp tính, nếu không được điều trị kịp thời, lâu ngày sẽ làm tổn thương niêm mạc tai và trở thành viêm tai giữa mạn tính.
Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con... ảnh hưởng đến khả năng thính giác của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa biết nói, có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ như nói ngọng, nói không rõ âm/từ, thậm chí điếc - câm bẩm sinh... làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ.
"Nặng hơn nữa là những biến chứng nhiễm trùng, có khi ảnh hưởng đến tính mạng do biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp-xe não do viêm tai, viêm tắc tĩnh mạch bên do viêm nhiễm lan từ trần hòm tai lên não hoặc gây liệt dây thần kinh mặt", PGS Hoài An cho biết.
PGS Hoài An cho biết thêm viêm tai giữa cấp có thể tái diễn nhiều lần nếu không được điều trị đúng phác đồ, quy trình. Trẻ cần được thăm khám bởi đúng bác sĩ chuyên khoa và tại các cơ sở y tế uy tín. Chính vì vậy, việc điều trị dứt điểm là rất quan trọng.
Phụ huynh không được tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh nếu chưa có đơn của bác sĩ và không tự chữa bằng những cách truyền miệng. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng cho trẻ tốt để tăng sức đề kháng và nhanh phục hồi trong quá trình điều trị.
Phòng ngừa bệnh viêm tai giữa
- Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng, không dùng chung đồ dùng ăn uống, dạy trẻ che miệng khi ho, hắt hơi.
- Cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời, hạn chế cho trẻ ngậm bình sữa hoặc núm vú giả, tránh để trẻ bị sặc, trớ.
- Chích ngừa cúm theo mùa, tiêm vắc xin phế cầu và các loại vắc xin khác để giúp ngăn ngừa bệnh viêm tai giữa.
- Giữ ấm trong mùa lạnh; ăn uống, vận động khoa học để tăng cường sức đề kháng.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.