Diễn viên Phương Oanh trong vai Quỳnh (ảnh VTV cung cấp).
Nếu thật như ngoài đời, khán giả sẽ không chịu nổi
Xem trailer phim “Quỳnh búp bê”, có vẻ như các chất liệu trong kịch bản được chị thu thập từ khi còn ở vai trò chính của chương trình Người xây tổ ấm?
- Đây là câu chuyện có thật mà tôi được nghe cách đây hơn 10 năm, từ ngày còn giữ vai trò chính của chuyên mục Người xây tổ ấm. Trong một lần đến Trung tâm Giáo dục - Lao động số 2 (Trại phục hồi nhân phẩm số 2) để phỏng vấn các cô gái mại dâm đang cải tạo lao động tại đây, tôi đặc biệt chú ý đến một em gái rất trẻ, gương mặt bầu bĩnh… Em ấy nhất định không hé môi nói một lời nào, trong khi tất cả các phụ nữ khác dù e dè hay dạn dĩ, đều trả lời phỏng vấn tôi. Gần hết buổi sáng, sau khi đã phỏng vấn được kha khá các nhân vật, tôi định ra về. Trước khi rời đi, tôi lại gần em gái ấy, hỏi: “Con có muốn nhắn gì cho bố mẹ ở nhà không? Cô sẽ đến tận nơi chuyển lời cho”. Thật bất ngờ, cô bé ấy mặt đanh lại, nói nhỏ nhưng đầy căm hận: “Cháu không có gì để nói với họ”. Tôi nhận ra đây sẽ là câu chuyện đặc biệt nên đã dời lịch quay về, thuyết phục cô bé kể câu chuyện của mình. Và sau gần 1 giờ thuyết phục, em đã đồng ý kể cho tôi nghe về số phận không thể bất hạnh hơn của mình. Tôi nghe mà trong lòng như có từng đợt sóng của giận dữ, xót thương và đã nung nấu sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về cô bé ấy. Nhưng rồi công việc cứ cuốn tôi đi… Ngã rẽ từ Người xây tổ ấm sang vai trò của một biên kịch đã giúp tôi có điều kiện để thể hiện câu chuyện ấy trong bộ phim Quỳnh búp bê. Tên phim được giữ nguyên như tên kịch bản. Quỳnh là tên thật của cô bé nguyên mẫu. “Búp bê” là biệt danh tôi tự đặt cho cô ấy. Đến giờ, tôi vẫn không thể quên được em, cô gái với gương mặt như trẻ con, bầu bĩnh, ngây thơ đến tội nghiệp.
Dù phim được cho biết là “khai thác sự “trần trụi” nhất từ trước đến nay của nạn mại dâm” nhưng theo chị, nếu so với đời sống thực thế mà chị biết thì sự “trần trụi” này đã được phản ánh hết chưa?
- Những tình tiết trong phim mà khán giả được xem sắp tới không là gì so với những sự thật trong câu chuyện mà Quỳnh đã kể cho tôi nghe. Thế giới ngầm của nạn mại dâm rất kinh khủng. Có những cái chết của đàn chị không chịu tiếp khách rất tức tưởi và ám ảnh với những đòn tra tấn máu me, khiến những cô bị đẩy vào nghề như Quỳnh phải chấp nhận nhắm mắt mà tiếp khách. Có những thứ bệnh tật mà gái mại dâm mắc phải khiến các cô chỉ ước mình chết ngay được; có những trò quái gở của khách làng chơi già khiến gái mại dâm thấy mình không khác những con vật; có những đòn bạo lực của khách làng chơi bệnh hoạn khiến gái mại dâm chỉ muốn cầm dao giết chúng… Và có cả những mánh lới của gái mại dâm mà nếu thể hiện trên phim, sẽ không một trí tưởng tượng nào có thể nghĩ ra… Các chi tiết “trần trụi” được tiết chế ngay từ khâu biên tập và sau này đạo diễn lọc lại một lần nữa nên không có điều kiện lên sóng. Nói không quá, chỉ khoảng 20% sự thật “trần trụi” được lên phim. Nếu phim giống như câu chuyện ấy 100% thì khán giả sẽ không chịu nổi.
Điều chị hướng đến khi viết “Quỳnh búp bê”? Chị có đặt kỳ vọng là xem phim xong, nạn mại dâm sẽ được giảm bớt?
- Kỳ vọng thì nhiều lắm. Là một nhà báo, được nghe nhiều, biết nhiều những câu chuyện như “Quỳnh búp bê” sau hơn 10 năm giữ chuyên mục Người xây tổ ấm, tôi có nhiều mong muốn, nhiều điều ước. Mà cũng chẳng riêng mình tôi, tôi nghĩ, bất cứ ai cũng mong tệ nạn mại dâm sẽ không còn, bởi nếu biết về nó, sẽ thấy sức công phá của nó đối với mỗi gia đình, đối với đạo đức xã hội mạnh đến thế nào.
Không chấp nhận sự biện hộ “vì số phận đưa đẩy”
Biên kịch Kim Ngân. Ảnh: TL
Xem trailer phim, có vẻ như chị và cộng sự lên án đàn ông nhiều hơn là các cô gái trong vấn đề mại dâm? Trong khi thực tế thì số lượng tự lựa chọn đây là một nghề chiếm đa số...
- Mới chỉ xem trailer thì chưa nói được điều gì cả. Hãy xem phim. Trong tệ nạn xã hội mang tên mại dâm, cả hai giới đều đáng lên án. Tôi chưa bao giờ chấp nhận sự biện hộ: Nghèo nên phải đi làm nghề này, bị xô đẩy, bị ép buộc nên phải dấn thân… Tôi biết nhiều phụ nữ nghèo chấp nhận đi nhặt ve chai, bán hàng rong, làm giúp việc, kiếm những đồng tiền nhỏ để thanh sạch cho mình. Với những trường hợp như Quỳnh, tôi tiếc rằng trẻ em vị thành niên Việt Nam không hề được trang bị kỹ năng sống để có thể thoát khỏi những cái bẫy được giăng ra rất tinh vi của tệ nạn này. Với những người phụ nữ chọn nghề này thì không còn gì phải nói. Họ là ung nhọt của xã hội mà muốn tẩy đi những ung nhọt nhức nhối này, cần rất nhiều sự cố gắng của xã hội chúng ta.
Qua các chương trình chị đã làm khi còn ở VTV3, rồi sau này viết sách, viết kịch bản phim... có thể thấy chị luôn ngầm ý bảo vệ phụ nữ, lên án đàn ông. Vì sao vậy? Nó có khiến chị bị cánh đàn ông cho là vì chị “ác cảm” về họ không?
- Không phải, tôi yêu đàn ông mà. Yêu sự mạnh mẽ, quyết đoán của họ. Yêu cách họ yêu và có trách nhiệm với phụ nữ. Đàn ông Việt đại đa số là như vậy. Nếu bạn là tôi, hẳn bạn cũng sẽ lên án những người đàn ông coi phụ nữ như “món hàng sống” mà thôi. Đàn ông không thể ác cảm với một nhà báo, một biên kịch và trên hết là một phụ nữ biết yêu những người đàn ông chân chính, lên án những người đàn ông đóng vai trò chính để các tệ nạn xã hội phát triển. Bạn đặt câu hỏi thế là vì bạn chưa hiểu con người tôi lắm. Tôi được coi là người khá khắt khe với phụ nữ. Tôi luôn quan niệm: Làm phụ nữ, được trời phú cho thiên chức làm vợ, làm mẹ thì đã phải gánh trên vai trách nhiệm làm người mẫu mực. Chính vì vậy, phụ nữ nào là nguyên nhân của tệ nạn xã hội đều đáng lên án nặng. Hơn nữa, tôi luôn bị ảnh hưởng bởi câu “Phúc đức tại mẫu” nên tôi lên án mạnh mẽ những người phụ nữ tiếp tay cho tệ nạn. Mẹ như thế, con sẽ chịu hết, nhất là con gái. Có những người mẹ chuyên cặp kè, gạ gẫm đàn ông để phá gia đình người khác, con gái đến tuổi yêu đương chẳng ai dám đặt vấn đề nghiêm túc, bởi “mẹ nó thế kia mà, nó cũng sẽ chẳng khác”. Mẹ làm con chịu là như thế. Đáng lên án lắm chứ.
Đã có nhiều cuộc hội thảo bàn về việc nên coi mại dâm là một nghề. Thậm chí, tại các kỳ họp quốc hội, vấn đề này cũng được đưa ra bàn luận. Cá nhân chị nghĩ sao về vấn đề này? Trong kịch bản, chị có đề cập đến câu chuyện này không?
- Trong phim không đề cập đến việc nên coi mại dâm là một nghề hay không. Nhưng tất cả những gì có trong phim dẫn khán giả đến một câu hỏi: Làm gì để hạn chế thấp nhất sự tác oai tác quái của nạn mại dâm? Cá nhân tôi nghĩ, với văn hoá của Việt Nam, rất khó để người dân đồng thuận với việc coi mại dâm là một nghề. Nhưng rõ ràng, nếu coi mại dâm là một nghề, sẽ hạn chế được nhiều mặt: Sự lây lan của bệnh tật, nạn hiếp dâm, thậm chí chuyện bồ bịch. Nếu thực sự nghiêm túc về quyết định đưa mại dâm thành một nghề hay không, phải có những cuộc hội thảo minh bạch làm thay đổi nhận thức, hướng tới việc bắt buộc phải sống chung với tệ nạn nhưng tác hại xấu sẽ được hạn chế tối đa.
Cảm ơn biên kịch Kim Ngân!
“Quỳnh búp bê” là bộ phim xoay quanh cô gái vùng cao xinh đẹp tên Quỳnh (Phương Oanh), Lan (Thanh Hương) sắc sảo lạnh lùng từ vùng quê nghèo khó và My (Thu Quỳnh) bốc lửa xảo quyệt. Ba cô gái có số phận khác nhau nhưng lại bị đưa đẩy thành gái làng chơi. Bộ phim dài 30 tập này xoáy sâu góc khuất của những thân phận gái làng chơi, đang phát sóng trên VTV1 vào khung giờ 20h45 thứ Năm, thứ Sáu hàng tuần.
Theo giadinh.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.